📞

Lý do khiến Indonesia chuyển thủ đô, vùng đất mới có gì đặc biệt?

Quang Đào 11:16 | 28/08/2019
TGVN. Ô nhiễm môi trường, dân số quá đông, thành phố Jakarta đang dần chìm xuống biển... là những lý do khiến Indonesia quyết định chuyển thủ đô.
Chính phủ Indonesia mong rằng việc chuyển thủ đô sẽ giảm tình trạng ách tắc giao thông tại Jakarta. (Nguồn: Alamy Stock Photo)

Chuyện gì đang xảy ra ở Indonesia?

Ngày 26/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo thủ đô mới của nước này sẽ được chuyển từ Jakarta trên đảo Java hiện nay đến tỉnh Kalimantan trên đảo Borneo. Tại một buổi họp báo, ông Widodo cho biết chính phủ nước này đã thực hiện các cuộc nghiên cứu khoa học chuyên sâu trong suốt ba năm qua và tìm được "địa điểm lý tưởng nhất" để đặt thủ đô mới của Indonesia là một khu vực thuộc các vùng Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara của tỉnh Đông Kalimantan.

Kế hoạch đổi thủ đô đã được nhiều tổng thống trước đây của Indonesia đề xuất nhưng chưa thành công. Tổng thống Widodo cũng cho biết chính phủ sẽ chuẩn bị một dự luật và trình lên Hạ viện nước này để xem xét. Nếu được phê duyệt, việc xây dựng thủ đô mới sẽ bắt đầu vào năm sau.

Thủ đô mới nằm ở đâu?

Indonesia sẽ chuyển toàn bộ bộ máy chính phủ và các cơ quan nhà nước sang một thành phố mới tại Kalimantan, cách Jakarta khoảng 1.000km. Tuy rằng chuyển thủ đô, nhưng Jakarta vẫn sẽ là trung tâm thương mại và tài chính của quốc gia. Dự kiến, phần lớn trong số gần 10 triệu cư dân vẫn sẽ ở lại Jakarta.

Tỉnh Kalimantan trên đảo Borneo. Một phần của hòn đảo này thuộc lãnh thổ của Malaysia và Brunei.

Tỉnh Kalimantan là phần thuộc sở hữu của Indonesia trên hòn đảo Borneo. Hòn đảo này còn thuộc lãnh thổ của Malaysia và Brunei. Hiện khu vực này còn khá hoang sơ, và Indonesia phải bỏ khá nhiều thời gian và tiền bạc ra để đô thị hoá chúng.

Theo nhà lãnh đạo Indonesia, kế hoạch di dời thủ đô khỏi Jakarta sẽ tiêu tốn 466.000 tỷ rupiah (32,79 tỷ USD), trong đó chính phủ sẽ cấp 19% số kinh phí, số còn lại do các đối tác trong khu vực công và tư nhân đầu tư.

Nếu Quốc hội Indonesia sớm phê duyệt kế hoạch, việc xây dựng thủ đô mới sẽ được diễn ra trên một khoảng đất rộng 40.000 ha. Chính phủ nước này dự kiến sẽ bắt đầu di chuyển một số cơ quan sang thủ đô mới vào khoảng năm 2024.

Lý do chuyển thủ đô

Từng là cố đô của vương quốc Sunda thời trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia trong thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô vào thập niên 1940 khi Indonesia tuyên bố độc lập, hiện tại, Jakarta là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số 9,6 triệu người, song vùng đô thị Jakarta có dân số gần 30 triệu người.

Theo Tổng thống Joko Widodo, mục đích chính của việc chuyển thủ đô là để giảm tải dân số tại thành phố Jakarta và toàn bộ khu vực đảo Java, đồng thời làm cân bằng mức độ phát triển kinh tế trên toàn bộ lãnh thổ Indonesia. Java hiện là nơi ở của 60% dân và chiếm hơn một nửa hoạt động kinh tế của quốc đảo này.

Ô nhiễm không khí trầm trọng tại Jakarta. (Nguồn: Getty)

Trong khi đó, xét về diện tích, Kalimantan rộng gấp 4 lần Jakarta, nhưng GDP khu vực này chỉ chiếm ít hơn 1/10 tổng GDP của Indonesia. Ngoài ra, về mặt địa lý, Kalimantan nằm ở vị trí gần trung tâm của 17.000 hòn đảo tạo nên đất nước Indonesia.

Ngoài ra, Jakarta cũng đang phải vật lộn với ô nhiễm môi trường. Chất lượng không khí trong thành phố đã sụt giảm trong vài tháng qua, thậm chí còn tồi tệ hơn các thành phố ô nhiễm “có tiếng” trên thế giới như New Delhi (Ấn Độ) và Bắc Kinh (Trung Quốc).

Do địa thế thấp, thủ đô lớn hàng đầu thế giới này đang dần bị nước biển nhấn chìm, trung bình 18 cm mỗi năm. Hệ thống lọc nước cũng đang bị quá tải, đa số người dân phải lấy nước ngầm từ các giếng nông, gây ảnh hưởng tới chất lượng đất và đường xá.

Tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại Jakarta, ước tính mỗi năm gây thiệt hại kinh tế tới 7,04 tỷ USD.

Những lo lắng của người dân

Tỉnh Kalimantan là nơi có các hoạt động khai thác mỏ lớn và có diện tích rừng mưa nhiệt đới lớn. Khu rừng này là nơi sinh sống của loài đười ươi đang nằm trong sách đỏ.

Chính phủ nói rằng thành phố mới sẽ được xây dựng trên khu đất do nhà nước quản lý, gần các trung tâm đô thị Balikpapan và Samarinda, đồng thời khẳng định sẽ không gây hại tới môi trường thiên nhiên xung quanh. Bộ trưởng Kế hoạch Bambang Brodjonegoro nói rằng chính phủ sẽ không gây hại tới bất kỳ khu rừng nào, thay vào đó sẽ phục hồi chúng.

Nhưng có những lo ngại rằng số lượng người sống trên đảo ngày càng tăng sẽ có những tác động nghiêm trọng tới môi trường bao gồm cả môi trường sống của rừng mưa nhiệt đới. Các nhà môi trường cảnh báo rằng việc di dời cần phải được xử lý cẩn thận hoặc nó sẽ dẫn đến việc để lại một khu vực bị thiệt hại về mặt sinh thái, chỉ để tạo ra một khu vực khác.

Việc chuyển thủ đô có phải bất thường?

Việc chuyển đổi thủ đô cũng có chút bất thường, nhưng không phải là chưa từng xảy ra. Một số ví dụ trong thời hiện đại gồm có, Naypyidaw thay thế Yangon trở thành thủ đô của Myanmar (2005), Brasilia thay Rio de Janeiro để trở thành thủ đô của Brazil (năm 1960). Năm 1911, Australia cũng lên kế hoạch xây dựng một thành phố mới mang tên Canberra để làm thủ đô.