Đêm kinh hoàng
Đêm ngày 22/5, Mark Dormand, một nhà thiết kế đồ hoạ 35 tuổi sinh ra và lớn lên ở Manchester, chợt bị đánh thức bởi với sự hỗn loạn của những tiếng còi báo hiệu từ phía sân vận động thành phố. Tất cả mọi người đều bàn tán về vụ nổ lớn tại buổi diễn ca nhạc của nữ ca sĩ người Mỹ Ariana Grande, nơi tụ tập hàng nghìn người hâm mộ trẻ nhiệt tình của cô. Sau đó, cảnh sát đã xác nhận vụ nổ khiến 22 người thiệt mạng, 59 người bị thương và đây là một vụ khủng bố. Kẻ tấn công là Salman Abedi, một người đàn ông 22 tuổi người gốc Libya sinh ra ở Manchester.
Khi Dormand thức dậy vào sáng hôm sau và kiểm tra điện thoại, ông thấy những người bạn ở nhiều nơi xa xôi trên thế giới đã biết tin về những gì đã xảy ra ở Manchester đêm đó.
“Tôi cảm thấy tê tái. Đó là một ngày nắng lạ lùng ở Manchester và đường phố thì vẫn khá đông đúc. Tôi cảm thấy tự hào khi các ngân hàng máu tuyên bố họ có đủ máu để cấp cứu cho những người bị thương do vụ nổ”, ông Dormand chia sẻ.
Người dân ngồi bên lề đường ngoài sân vận động Manchester sau vụ việc. (Nguồn: Reuters) |
Trong khi đó, Holly Cruise, nhà nghiên cứu đã sống ở Manchester trong 9 năm qua, đi làm với mối băn khoăn không biết liệu có thực sự an toàn khi ra ngoài đường: “Tôi chờ đợi để nghe thông báo từ nơi làm việc rằng họ muốn chúng tôi đi làm bình thường hay làm việc tại nhà”, cô cho biết. Khi Holly đến chỗ làm, bầu không khí tại đây khá ôn hoà. Các đồng nghiệp của cô đang chia sẻ những gì họ đã nghe, nhìn thấy và cảm nhận về vụ việc tối hôm trước.
Ký ức đau thương
Buổi sáng sau khi vụ tấn công diễn ra, tại Paris, Brussels và Berlin, không khí cũng tương tự ở London. Vụ tấn công ở Manchester đã gợi lại ký ức đau thương với nhiều người Pháp khi 3 tay súng sát hại 89 người trong một buổi hòa nhạc tại nhà hát Bataclan ở trung tâm Paris hồi tháng 11/2015. Buổi sáng sau hôm đó, người dân Paris cũng đã thức dậy với bầu không khí u ám khi có quá nhiều người thân quen của họ vẫn chưa hoặc không bao giờ trở về từ đêm trước.
Trong khi các cuộc tấn công khủng bố lan tràn vào "lục địa già" trong năm ngoái (tại Nice, Berlin, Stockholm và St. Petersburg), Anh hầu như không bị tổn hại. Sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), những tưởng với việc thắt chặt an ninh biên giới, kiểm soát và cắt giảm nhập cư, đồng thời duy trì sự giám sát nghiêm ngặt và thực thi một chiến lược chống khủng bố, xứ sở sương mù sẽ được an toàn.
Tuy nhiên, Anh đã liên tiếp trở thành mục tiêu của những vụ tấn công khủng bố trong những tháng gần đây. Hồi tháng 3, một người đàn ông đã lao xe vào những người đi bộ trên cầu Westminster tại trung tâm thủ đô London khiến 5 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương. Các nhà điều tra đã xác định đây là một vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất tại Anh trong hơn một thập kỷ.
Giờ đây, sau vụ đánh bom ở Manchester, Anh đã phải nâng mức cảnh báo an ninh lên mức “nguy hiểm”, mức cao nhất trong một thập kỷ, nghĩa là có khả năng xảy ra một vụ tấn công bất cứ lúc nào.
Chữa lành vết thương
Manchester là một thành phố đa văn hóa với số sinh viên đông đảo và cộng đồng người Libya lớn nhất nước Anh. Từng bỏ phiếu đồng ý ở lại EU, thành phố này đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn dang tay đón nhận những nền văn hóa mới.
Khẩu hiệu thể hiện sự đoàn kết của người dân Manchester sau vụ khủng bố. (Nguồn: ABC News) |
Salman Abedi, thủ phạm của vụ tấn công, là một phần của cộng đồng Libya tại Manchester và thường sinh hoạt tại một nhà thờ Hồi giáo địa phương. Trong khi một số người nhận xét Salman Abedi là một thanh niên trầm lặng và ít nói thì một số khác lại nói rằng họ đã nhìn thấy “sự thù hận” trong anh ta.
Mặc dù chi tiết về âm mưu, động cơ của vụ tấn công vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng hành vi bạo lực khủng khiếp của Salman Abedi là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về thực trạng những thanh thiếu niên bị kỳ thị về nguồn gốc đã tìm đến tư tưởng Hồi giáo cực đoan như một cách giải thoát.
Sau vụ đánh bom vừa qua, người dân Manchester đang tập trung mọi nguồn lực của họ để vượt qua cú sốc đó: các quán cà phê vẫn mở cửa, nhiều nhà hàng phục vụ ưu đãi cho những người vẫn đang tìm kiếm người thân của họ sau vụ khủng bố, taxi chở khách miễn phí và người dân mở cửa chào đón những người bị mắc kẹt trú ngụ.
“Đó là đặc tính của Manchester, mọi người chăm sóc, đùm bọc lẫn nhau cũng là chăm sóc, đùm bọc cho chính mình”, ông Dormand khẳng định. Theo ông, người dân của cả thành phố Manchester vẫn đang xích lại gần nhau, ngay cả sau khi kẻ tấn công khủng bố là một phần trong số họ.
Đồng tình với quan điểm này, cô Christina McDermott, 34 tuổi, từng lớn lên ở miền Nam Manchester và sống ở vùng lân cận Liverpool, bày tỏ: “Cộng đồng Hồi giáo là một phần rất quan trọng trong đời sống của người dân Manchester. Tôi nghĩ rằng một thành phố tuyệt vời như chúng ta không nên đổ lỗi cho cả một cộng đồng chỉ vì sự ngu ngốc của một vài người”.