📞

Một năm sóng gió của EU

15:54 | 22/12/2016
Mặc dù gặp nhiều khó khăn song với sức mạnh và thành tựu được xây dựng qua nhiều thập kỷ, Liên minh châu Âu (EU) được kỳ vọng sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển.

Năm 2016 có thể được coi là năm EU phải đối diện với nhiều khó khăn. Từ việc phải căng mình giải quyết cuộc khủng hoảng dòng người nhập cư khổng lồ, cho đến sự kiện Brexit ở Anh và việc Thủ tướng Italy từ chức sau thất bại trưng cầu ý dân, cho thấy EU đứng trước rất nhiều thử thách. Tuy nhiên, cũng có những điểm sáng để tin tưởng về tương lai của EU khi bước sang năm 2017.

Trong - ngoài đều khó

Sự kiện gây chấn động, tác động sâu rộng nhất đến EU là quyết định rời EU (Brexit) của nước Anh vào tháng 6/2016. Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã công bố thời gian biểu kích hoạt Điều 50 (Hiệp ước Lisbon) để khởi động tiến trình đàm phán đưa “đảo quốc sương mù” ra khỏi EU là vào cuối tháng 3/2017. Dự kiến, quá trình này sẽ diễn ra trong 2 năm. Việc Anh rời EU không những khiến liên minh mất đi sức mạnh mà còn khiến các nhà lãnh đạo EU phải bận tâm nhiều hơn, trong khi danh sách những vấn đề EU phải đương đầu không hề nhỏ. Cuộc chiến chống khủng bố, những thách thức do người nhập cư gây ra đối với xã hội châu Âu vẫn là những nỗi lo thường trực của các nhà lãnh đạo “lục địa già”.

Những người tuần hành kêu gọi Anh tiếp tục ở lại EU, ngày 2/7/2016 tại London. (Nguồn: PA)

Trong khi đó, về mặt đối ngoại, EU cũng đứng trước những thử thách lớn. Ở phía Đông, quan hệ EU - Nga vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện. Ngày 19/12, Hội đồng châu Âu tuyên bố các biện pháp trừng phạt Nga sẽ được kéo dài thêm 6 tháng đến 31/7/2017. Lệnh trừng phạt này đương nhiên sẽ khiến quan hệ giữa hai bên tiếp tục lạnh nhạt.

Với Mỹ, kể từ sau Thế chiến thứ II, mối quan hệ hai bờ Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU có thể coi là một trong những trụ cột quan trọng nhất đối với EU. Tuy nhiên, việc ông Donald Trump đắc cử  Tổng thống Mỹ có thể dẫn đến hàng loạt bất ổn mà EU vẫn chưa chuẩn bị đương đầu. Trước mắt, EU không thể chắc chắn về tương lai của Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ. Bên cạnh đó, an ninh châu Âu có thể sẽ bị đe dọa khi ông Trump tỏ ra không mặn mà với các đồng minh truyền thống ở bờ kia Đại Tây Dương.

Có thể nói, suy giảm kinh tế toàn cầu đang là môi trường để chủ nghĩa dân túy ở châu Âu hồi sinh. Những khó khăn kinh tế của EU, vấn đề người nhập cư, việc làm… đã khiến nhiều nước EU lao đao. Một trong những lý do gây ra khó khăn đó là EU đã đi quá nhanh trong tiến trình hội nhập của mình, điển hình là việc áp dụng đồng tiền chung.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, một nhà quản trị xuất sắc, từng chỉ ra rằng đồng tiền chung chính là vấn đề của liên minh EU. “Vấn đề cơ bản của đồng Euro là nó khiến tất cả mọi người, mỗi quốc gia châu Âu, bước đi với cùng một nhịp, dù mỗi nước có nhịp riêng của họ và bạn không thể mong chờ người Hy Lạp bước như người Đức”.

Điểm sáng năm 2017

Đối phó với các thách thức trên, EU đang tìm đường để củng cố sức mạnh bên trong, đối phó với thách thức bên ngoài và đã có những tín hiệu vui với những người ủng hộ liên minh. Ở Áo, trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, những người ủng hộ ứng viên Alexander Van der Bellen của đảng Xanh đã thở phào nhẹ nhõm khi biết tin ông đắc cử Tổng thống. Với xu thế dân túy đang lên trên quy mô quốc tế, đặc biệt là sau sự kiện Brexit và thành công của ông Trump, chiến thắng của ông Bellen trước phe cực hữu ở Áo, được đánh giá là một tin tốt lành với EU. Thắng lợi này có thể sẽ mở đường cho phe ủng hộ EU giành thắng lợi tương tự trong các cuộc bầu cử ở Pháp, Đức trong năm 2017.

Liên quan đến vấn đề đồng tiền chung, giới chuyên gia đã đưa ra những giải pháp cho châu Âu. Theo Oliver Hart, giáo sư Đại học Harvard giành giải Nobel Kinh tế 2016, Brussels “đã đi quá xa trong việc tập trung quyền lực” và “nếu Brussels từ bỏ xu hướng này, EU có thể tồn tại và phát triển”. Giáo sư Hart cho rằng, 28 quốc gia thành viên EU không đủ tương đồng để được xem là một thực thể đơn nhất, việc cố buộc các quốc gia này thành một là “sai lầm”. Đây được xem là lời cảnh báo để các nhà lãnh đạo EU sớm tìm ra giải pháp phát triển liên minh trong thời gian tới.

Đáng kể nhất là, trước những thách thức, người ta đã nhìn thấy sự đoàn kết và quyết tâm của lãnh đạo các nước chủ chốt trong EU như Đức, Pháp, Italy... cũng như của các nhà lãnh đạo EU đương nhiệm. Ngay từ tháng 8/2016, các nhà lãnh đạo ba nước trên đã gặp gỡ để bàn về tương lai EU và tìm “hơi thở mới” cho tổ chức này. Tổng thống Pháp Hollande đã nhấn mạnh đến phần đóng góp của Pháp trong Kế hoạch Juncker trị giá 315 tỷ Euro từ năm 2015-2018 nhằm thúc đẩy đầu tư ở châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã chủ động nêu ý tưởng thành lập quân đội riêng của châu Âu để đảm bảo an ninh của châu lục, giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Đã có nhiều dự báo bi quan cho rằng EU sẽ không thể vượt qua, thậm chí sẽ tan rã vào năm 2017. Tuy nhiên, EU từng được coi là hình mẫu thành công nhất cho hợp tác khu vực, bản thân EU cũng có sức mạnh tiềm tàng. Điều này sẽ giúp EU vượt qua khó khăn để tiếp tục khẳng định mình trong tương lai.