Nhỏ Bình thường Lớn

Một năm vụ nổ đường ống Nord Stream: Bí mật có được vén màn?

Một năm đã trôi qua kể từ khi các vụ nổ phá vỡ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream), cắt đứt tuyến xuất khẩu khí đốt chính của Nga sang châu Âu làm khiến cả khu vực EU hoảng loạn. Thế nhưng, cuộc tranh cãi ai là thủ phạm cho đến nay vẫn chìm trong bí ẩn với rất nhiều giả thuyết…
Một năm vụ nổ đường ống Nord Stream: Bí mật có được vén màn?
Đường ống Dòng chảy phương bắc (Nord Stream 2) trị giá 10 tỷ Euro là tuyến cung cấp khí tự nhiên chính từ Nga sang châu Âu.

Một năm trước, vụ tấn công vào hệ thống đường ống dẫn khí tự nhiên từ Nga sang châu Âu Nord Stream khiến căng thẳng địa chính trị vốn đã lên đến đỉnh điểm sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, càng leo thang lên một mức độ nguy hiểm mới.

Tuy nhiên, bất chấp các cuộc điều tra chính thức do Đức, Thụy Điển và Đan Mạch tiến hành rốt ráo, câu hỏi ai chịu trách nhiệm về hành vi phá hoại đường ống dẫn khi quan trọng bậc nhất này tại châu Âu cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời mặc dù có rât nhiều kịch bản được đưa ra.

Tin liên quan
Sự cố Dòng chảy phương Bắc: Nga hoài nghi ba nước châu Âu, một nhóm quốc gia đứng sau vụ việc? Sự cố Dòng chảy phương Bắc: Nga hoài nghi ba nước châu Âu, một nhóm quốc gia đứng sau vụ việc?

Không cuộc điều tra nào có được bằng chứng chắc chắn về nguyên nhân gây ra vụ nổ nhưng có nhiều giả thuyết đổ lỗi cho Ukraine, Nga hoặc Mỹ là thủ phạm chính đã gây ra vụ.

Dù vậy, cả ba nước này cho đến nay đều phủ nhận sự liên quan đến vụ nổ.

Điều gì đã xảy ra với Nord Stream?

Vào ngày 26/9/2022, một số vụ nổ xảy ra dưới lòng đại dương đã làm vỡ 2 đường ống bao gồm Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) và Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), làm thất thoát một lượng lớn khí đốt tự nhiên ra Biển Baltic gần khu vực Bornholm của Đan Mạch.

Một năm vụ nổ đường ống Nord Stream: Bí mật có được vén màn?
Các vị trí rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2. (Nguồn: Guardian)

Trước đó, công ty năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, công ty điều hành các đường ống này đã dừng cung cấp khí hoá lỏng tới Đức qua đường ống Nord Stream 1 - đường dẫn khí đốt tự nhiên chính của Moscow đến Berlin sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022.

Mặc dù đường ống dẫn khí Nord Stream 2 đã được hoàn thành nhưng chưa được mở van cung cấp khí đốt tới Đức đã bị đóng lại chỉ vài ngày sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Dự án Nord Stream 2 trị giá 10 tỷ Euro (10,6 tỷ USD) từ lâu đã bị Ukraine, Mỹ và các nước Đông Âu phản đối vì lo ngại nó sẽ mang lại cho Nga quá nhiều ảnh hưởng đối với an ninh năng lượng của Đức và cả châu Âu.

Các cuộc điều tra vẫn tiếp tục

Các vụ nổ đường ống Nord Stream xảy ra tại khu vực biển đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch nên cả hai nước đã gấp rút tiến hành điều tra vụ việc. Thế nhưng, cho đến nay, mặc dù các nhà điều tra kết luận rằng các vụ nổ là có chủ ý, nhưng vẫn chưa xác định được ai đứng sau vụ việc.

Các công tố viên liên bang của Đức cũng đã mở một cuộc điều tra, khám xét một chiếc du thuyền bị tình nghi có tên Andromeda và cho biết có bằng chứng cho thấy chiếc du thuyền này đã được dùng để vận chuyển chất nổ, giống với chất nổ dùng phá huỷ Nord Stream.

Theo kết quả điều tra, ngày 6/9/2022, một nhóm người thuê chiếc thuyền buồm Andromeda dài 15 m, khởi hành từ Rostock (Đức), di chuyển chậm rãi như thể đang du ngoạn quanh các cảng biển Baltic. Sau hai tuần, nhóm người này trả lại thuyền và biến mất.

Các nhà điều tra của Đức cho biết, một nhóm gồm 5 người đàn ông và 1 phụ nữ đã thuê du thuyền Andromeda đi từ cảng Rostock để thực hiện hoạt động này. Tuy nhiên, Văn phòng công tố Đức cho biết: “Danh tính của thủ phạm và động cơ của họ” vẫn đang được điều tra.

Theo các nhà phân tích, việc cả Đan Mạch, Thụy Điển và Đức đều giữ kín các cuộc điều tra của họ là điều không có gì đáng ngạc nhiên, bởi những hậu quả ngoại giao tiềm ẩn mà họ có thể phát hiện ra nếu đi tới cùng vụ việc.

Tuy nhiên, các nhà điều tra đều cho rằng, có 3 giả thuyết chính về nguyên nhân gây ra vụ nổ đường ống, bao gồm “Nhóm thân Ukraine”, “Tàu hải quân Nga” và “âm mưu của Mỹ”.

Các nhà báo độc lập cũng vào cuộc, thực hiện các cuộc điều tra độc lập để tìm ra thủ phạm chính của vụ nổ ở đường ống Dòng chảy phương Bắc.

Một năm vụ nổ đường ống Nord Stream: Bí mật có được vén màn?
Vụ nổ Nord Stream gây ra rò rỉ khí đốt tự nhiên với số lượng cực lớn có thể nhìn thấy từ trên không. (Nguồn: Reuters)

Có thông tin cho rằng, tình báo quân đội Hà Lan đã cảnh báo CIA về kế hoạch của Ukraine nhằm cho nổ tung các đường ống này ba tháng trước cuộc tấn công nổ ra. Đài truyền hình NOS của Hà Lan, Die Zeit ARD của Đức và Washington Post cũng đưa ra những thông tin tương tự.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần phủ nhận Ukraine đứng sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream này. Ông Zelensky tuyên bố: “Tôi không bao giờ làm điều đó”, ông nói với tờ Bild của Đức rằng ông “muốn được xem bằng chứng cụ thể”.

Vào tháng 3/2023, tờ New York Times viết rằng các quan chức Mỹ đã có được thông tin tình báo cho thấy một “nhóm thân Ukraine” phải chịu trách nhiệm về vụ việc nhưng Tổng thống Zelensky lại “không hề hay biết”.

Truyền thông Đức đã tập trung vào chiếc du thuyền tình nghi Andromeda. Họ cùng với các phóng viên của tạp chí Der Spiegel và đài truyền hình ZDF đã tái hiện lại cuộc hành trình của Andromeda mà họ tin rằng vụ việc đã được thực hiện bởi nhóm 6 người trên chiếc du thuyền này.

Theo điều tra, 6 người trên du thuyền Andromeda đã dùng hộ chiếu giả để thuê thuyền buồm thông qua một người lính Ukraine. Trong khi đó, phí thuê tàu được trả bởi một công ty đăng ký kinh doanh ở Ba Lan, và công ty này lại có quan hệ mật thiết với một phụ nữ ở Kiev.

Vào tháng 6/2023, tờ Wall Street Journal đưa tin Đức đang cố gắng đối chiếu các mẫu DNA được tìm thấy trên tàu “với ít nhất một binh sĩ Ukraine”. Tạp chí Der Spiegel cũng cho biết bằng chứng được tìm thấy trong cuộc điều tra của họ bao gồm dữ liệu từ thiết bị vô tuyến và định vị của Andromeda, vệ tinh và điện thoại di động cũng như các tài khoản Gmail được cho là đã được thủ phạm sử dụng.

Theo truyền thông Đan Mạch đưa tin, hải quân nước này đã chụp được ảnh một tàu hải quân Nga chuyên dụng trong các hoạt động gỗ trợ tàu ngầm SS-750 gần địa điểm xảy ra vụ nổ vài ngày trước vụ tấn công.

Trong khi đó, nhà báo điều tra người Mỹ Seymour Hersh đưa tin hồi tháng 2/2023 rằng Mỹ “đứng đằng sau” vụ nổ và được Na Uy hỗ trợ. Tuy nhiên, thông tin này đã bị Nhà Trắng bác bỏ, cho rằng đây chỉ là những câu chuyện "hư cấu".

Tranh cãi đến hồi kết?

Các chuyên gia cho rằng, không loại trừ các hoạt động “tung hoả mù” nhằm đánh lạc hướng suy diễn của Nga, tạo ra các manh mối để hướng dư luận về phía Kiev và đổ lỗi cho Ukraine.

Trong khi đó, Andreas Umland, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển lại coi Nga “là thủ phạm có khả năng nhất” gây ra vụ nổ.

Ông Andreas Umland lập luận, bất kỳ sự nghi ngờ nào của Kiev có liên quan đến một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu đều có thể đe dọa sự hỗ trợ của các đồng minh cho Ukraine mà điều này sẽ có lợi cho Nga.

Một năm vụ nổ đường ống Nord Stream: Bí mật có được vén màn?
Chiếc du thuyền Andromeda bị tình nghi liên quan đến vụ tấn công đường ống Nord Stream ngày 26/9/2022. (Nguồn: DW).

Đồng thời, các đường ống dẫn khí đốt sang EU bị phá hủy lại có thể giúp Gazprom tránh được yêu cầu bồi thường cho các đối tác châu Âu đối với lượng khí đốt không được Gazprom giao theo thoả thuận vì lý do bất khả kháng.

Nhà phân tích Umland cho biết, có thể từ những lý do như vậy, mà Moscow đã bắn “một mũi tên giết hai con chim”. Thế nhưng, Điện Kremlin đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận trách nhiệm và đổ lỗi cho Mỹ là chủ mưu vụ tấn công này.

Moscow nhắc lại rằng trước khi vụ nổ xảy ra, Nhà Trắng đã nhiều lần úp mở, đưa ra “những lời đe dọa đối với đường ống Dòng chảy phương Bắc”. Tháng 3/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bác bỏ lập luận cho rằng Kiev đứng đằng sau vụ nổ mà thay vào đó đổ lỗi cho chính nước Mỹ.

Nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu Andreas Umland đưa ra lập luận rằng: “Về mặt lý thuyết, việc Nga ngừng cung cấp năng lượng cho thị trường châu Âu sẽ khiến EU phải quay sang nhập khí đốt và năng lượng từ thị trường Mỹ”.

Thế nhưng, Tổng thống Putin lại tuyên bố: “Một vụ nổ như vậy, mạnh mẽ và ở độ sâu như vậy, chỉ có thể được thực hiện bởi các chuyên gia được hỗ trợ từ một quốc gia có tiềm lực và công nghệ phù hợp”.

Sự cố Dòng chảy phương Bắc: CIA chỉ đích danh 6 người Ukraine, Mỹ đã biết chuyện này từ lâu?

Sự cố Dòng chảy phương Bắc: CIA chỉ đích danh 6 người Ukraine, Mỹ đã biết chuyện này từ lâu?

Ngày 6/6, Washington Post dẫn thông tin rò rỉ trực tuyến cho biết, Mỹ có thông tin tình báo về một kế hoạch chi tiết ...

Sự cố Dòng chảy phương Bắc: Mỹ vừa nêu thủ phạm, Nga vội lên tiếng chỉ trích 'ý đồ phối hợp của phương Tây'

Sự cố Dòng chảy phương Bắc: Mỹ vừa nêu thủ phạm, Nga vội lên tiếng chỉ trích 'ý đồ phối hợp của phương Tây'

Ngày 7/6, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho rằng, thông tin về việc Mỹ biết kế hoạch của Ukraine nhằm tấn công đường ống ...

Sự cố Dòng chảy phương Bắc: Ukraine phủ nhận sự liên quan, yêu cầu cho xem bằng chứng

Sự cố Dòng chảy phương Bắc: Ukraine phủ nhận sự liên quan, yêu cầu cho xem bằng chứng

Ngày 7/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên tiếng phủ nhận sự liên quan của Kiev trong cáo buộc tấn công phá hoại nhằm vào ...

Thụy Điển nêu thời điểm 'đưa ra ánh sáng' thủ phạm phá hoại Dòng chảy phương Bắc

Thụy Điển nêu thời điểm 'đưa ra ánh sáng' thủ phạm phá hoại Dòng chảy phương Bắc

Thụy Điển hy vọng có thể hoàn tất cuộc điều tra xem ai là người chịu trách nhiệm trong vụ phá hoại hệ thống đường ...

Không chỉ bởi khí đốt Nga ngừng chảy qua đường ống Nord Stream, đây là lý do khiến kinh tế Đức không còn bị cả thế giới ‘ghen tị’

Không chỉ bởi khí đốt Nga ngừng chảy qua đường ống Nord Stream, đây là lý do khiến kinh tế Đức không còn bị cả thế giới ‘ghen tị’

Từ chỗ được cả thế giới ngưỡng mộ, giờ đây nước Đức có nguy cơ trở thành nền kinh tế phát triển hoạt động kém ...

(theo Al Jazeera)