📞

Mỹ-Ấn Độ họp Đối thoại 2+2: Thể chế hóa hợp tác, vững vàng trước khó khăn

Sinh Thành 16:33 | 28/10/2020
TGVN. Đối thoại 2+2 kết thúc ngày 27/10 chứng kiến quan hệ hợp tác Mỹ-Ấn Độ ngày một khăng khít trước những diễn biến mới ở khu vực và thế giới. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Kết thúc Đối thoại 2+2 lần thứ 3 giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Ấn Độ và Mỹ tại thủ đô New Delhi, viết trên Twitter ngày 27/10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định: “Tôi vui mừng trước những tiến bộ to lớn trong quan hệ Ấn-Mỹ và các kết quả của cuộc Đối thoại 2+2”.

Sự hài lòng của nhà lãnh đạo nước chủ nhà là hoàn toàn có cơ sở khi trong Đối thoại lần này, hai bên đã ký Hiệp định Hợp tác và Trao đổi Cơ bản (BECA). Hiệp định này cho phép Ấn Độ truy cập dữ liệu chính xác, hình ảnh địa hình, bản đồ, dữ liệu hàng hải và hàng không và dữ liệu vệ tinh trên cơ sở thời gian thực từ các vệ tinh quân sự của Mỹ. Qua đó, nó sẽ hỗ trợ cung cấp độ chính xác tốt hơn cho các loại vũ khí như tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái của Ấn Độ, đồng thời, bổ trợ hoạt động cứu trợ trong thiên tai và an ninh chiến lược.

Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Ấn Độ tại cuộc họp báo sau Đối thoại ngày 27/10. (Nguồn: IANS)

Bước tiến lớn

BECA là một trong bốn hiệp định cơ bản mà một quốc gia cần ký kết để trở thành đối tác quốc phòng lớn của Mỹ. Ba hiệp định khác mà Ấn Độ đã ký trước đó với Mỹ là Hiệp định chung về an ninh thông tin quân sự (GSOMIA), Hiệp định trao đổi hậu cần (LEMOA) và Hiệp định Tương thích thông tin liên lạc và bảo mật (COMCASA). Đây là những hiệp định “nền tảng” cho phép quân đội hai nước hiệp đồng tác chiến trong trường hợp xảy ra xung đột.

Đàm phán Hiệp định BECA diễn ra từ lâu, song bị trì hoãn do lo ngại từ Ấn Độ về sự phụ thuộc vào hệ thống thông tin địa lý GPS của Mỹ. Tuy nhiên, tình hình mới, hai nước buộc phải đẩy nhanh đàm phán và sớm ký Hiệp định này. Chính vì vậy, Bộ trưởng Rajnath Singh đã ca ngợi việc ký BECA là “thành tựu rất có ý nghĩa”.

Phát biểu sau Đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không úp mở khi kêu gọi Ấn Độ phối hợp với Mỹ để “đối đầu các mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra với an ninh và tự do”. Về phần mình, dù không đề cập trực tiếp đến láng giềng châu Á, song Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cũng nhất trí hai bên cần hợp tác để đối phó với “các mối quan ngại an ninh chung”.

Việc đẩy nhanh ký kết Hiệp định BECA chỉ là một trong nhiều cách phản ứng của Ấn Độ với đe dọa từ Trung Quốc, đặc biệt sau đụng độ biên giới tại Doklam (2017) và Ladakh (5/2020-nay). Ấn Độ, Mỹ cùng Nhật Bản và Australia đã tích cực hơn trong họp Bộ Tứ ngày 6/10 tại Tokyo. Ấn Độ cũng mời Australia tham gia tập trận hải quân Malabar cùng Mỹ và Nhật Bản vào tháng 11 tới.

Quan tâm chung

Song BECA chỉ là phần nổi nhất từ Đối thoại 2+2 giữa Mỹ và Ấn Độ lần này. Tuyên bố chung cho thấy quan điểm gần gũi của hai bên về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm, hòa bình và thịnh vượng; một trật tự dựa trên luật lệ, với vai trò trung tâm của ASEAN, pháp quyền, đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững và minh bạch, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng chủ quyền lẫn nhau và giải quyết hòa bình các tranh chấp; đảm bảo lợi ích kinh tế và an ninh của tất cả các bên liên quan có lợi ích hợp pháp trong khu vực; với Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông không phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào theo luật pháp quốc tế.

Mỹ tái khẳng định ủng hộ Ấn Độ trở thành Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được cải tổ và một phần của Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG). Ấn Độ là Đối tác quốc phòng chủ chốt (MDP) toàn diện, bền vững và nhiều mặt cùa Mỹ. Hai bên sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, thương mại quốc phòng, phối hợp dịch vụ chung và hiệp đồng tác chiến. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định Washington sẽ cung cấp thêm máy bay chiến đấu và không người lái vũ trang cho New Delhi.

Ngoài ra, Tuyên bố chung cho thấy hợp tác đối phó đại dịch Covid-19 sẽ là lĩnh vực ưu tiên mà hai bên quyết tâm thực hiện ngay, thông qua hợp tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất hàng loạt vaccine, mở rộng quyền tiếp cận vaccine, đảm bảo quy trình điều trị chất lượng cao, an toàn, hiệu quả với giá cả phải chăng trên quy mô toàn cầu. Hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác về năng lượng, không gian, tài chính bền vững cho phát triển cơ sở hạ tầng, an ninh mạng và chống khủng bố.

Quan trọng hơn, Đối thoại 2+2 lần này phản ánh đúng chủ trương mới của hai bên nhằm thể chế hóa quan hệ chiến lược, giảm sự phụ thuộc quá mức vào mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo, và hạn chế tác động do vướng mắc thương mại còn tồn tại.

Điều này thể hiện rõ hơn qua phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Esper: “Trọng tâm của chúng tôi bây giờ là thể chế hóa và chính quy hóa hợp tác của chúng tôi để đối phó với những thách thức trước mắt và duy trì các nguyên tắc về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở trong tương lai”.

“Trọng tâm của chúng tôi bây giờ là thể chế hóa và chính quy hóa hợp tác của chúng tôi để đối phó với những thách thức trước mắt và duy trì các nguyên tắc về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở trong tương lai”.

Và hơn thế nữa

Việc ký BECA là một bước thể chế hóa hơn nữa mối quan hệ chiến lược Ấn-Mỹ giúp 2 nước hợp tác chặt chẽ hơn về chiến lược và quân sự, mà không bị áp lực phải trở thành liên minh chính thức. Thăm Ấn Độ đầu tháng 10/2020, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun khẳng định rằng hợp tác quân sự Mỹ-Ấn không phải là một liên minh quân sự. Phía Ấn Độ cũng biết rằng Mỹ sẽ không tham chiến khi Ấn Độ có xung đột với bên ngoài, nhưng Mỹ đem lại nhiều lợi ích cho Ấn Độ, nhất là khả năng toàn cầu về hậu cần và tình báo.

Ngược lại, Washington có lợi khi bán vũ khí cho New Delhi, nhất là khi xung đột nổ ra. Ấn Độ ngày càng coi trọng khí tài quân sự Mỹ vì định giá minh bạch, dễ dàng vận hành và bảo trì, qua đó giảm phụ thuộc vào khí tài Nga. Hiện tổng trị giá khí tài Ấn Độ mua từ Mỹ đạt hơn 15 tỷ USD và dự kiến sẽ gấp đôi thời gian tới. Quan hệ hợp tác quân sự Mỹ-Ấn, vì thế sẽ ngày một khăng khít hơn trong tương lai.