📞

Mỹ có nên chia sẻ vị trí bá chủ của mình? (phần II)

09:00 | 22/09/2016
Như học giả người Hy Lạp Robert Kagan đã từng viết: Các siêu cường không bao giờ rút lui, họ chỉ có thể bị buộc phải chia sẻ vị trí bá chủ của mình.

Như đã đề cập trong phần I, nước Mỹ - siêu cường số 1 thế giới với sức mạnh bá quyền kể từ sau Chiến tranh lạnh đã và đang gặp phải những thách thức chưa từng có về kinh tế, quân sự và ảnh hưởng đến từ nhiều thế lực khác trên thế giới, nổi bật là Trung Quốc.

Tuy nhiên, vị trí chủ đạo của nước Mỹ trong các khuôn khổ kinh tế - chính trị toàn cầu vốn được Washington và các đồng minh phương Tây định hình, duy trì trong nhiều thập kỷ qua không thể dễ dàng bị xóa bỏ trong tương lai gần. Bản thân nước Mỹ và những đối thủ khác cũng ý thức được điều này. Đây chính là mấu chốt khiến công cuộc cạnh tranh bá quyền toàn cầu giữa các cường quốc ngày càng trở lên phức tạp, khó lường.

Hình minh họa. (Nguồn: The Washington Post)

Chức năng bá quyền suy yếu

Trong Chiến tranh lạnh, Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong liên minh Thế giới tự do. Đối với các quốc gia khác trong liên minh, Mỹ là một người bảo hộ về quân sự, một thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu và cung cấp đồng dolar làm đồng tiền dự trữ quốc tế. Sau Chiến tranh lạnh, những nhà hoạch định chính sách Mỹ đã vô cùng lạc quan khi hy vọng rằng bá quyền Mỹ sẽ lan rộng ra toàn thế giới.

Tuy nhiên hiện nay, trong một thế giới đa cực và bị chi phối bởi các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và các cường quốc tầm trung khác thì không nước nào sẽ có khả năng nắm quyền bá chủ trong các lĩnh vực như quân sự, thương mại hay tài chính. Một hệ thống mới sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể thay thế đồng tiền dự trữ toàn cầu bằng đồng tiền khác ngoài USD. Mặc dù vậy, hai chức năng bá quyền của Mỹ hiện cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Sau những thống kê dựa trên sức mua và thị trường tỷ giá hối đoái, giờ đây nền kinh tế Mỹ chỉ còn đứng thứ hai thế giới và nó sẽ không còn là thị trường ưa thích số một của các quốc gia đang có hướng xuất khẩu. Trong tương lai, sự phát triển của các quốc gia tầm trung trên thế giới sẽ tập trung chủ yếu ở các khu vực khác trên thế giới mà không phải là phương Tây.

Hiện nay, Mỹ đang quyết tâm duy trì ảnh hưởng quân sự bá quyền của mình ở 4 khu vực, đó là Đông Á, châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ. Nhưng khi Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh cả về thế và lực thì mọi nỗ lực của Washington nhằm ngăn cản tham vọng bá quyền của Trung Quốc tại khu vực Đông Á dường như đã làm tái hiện những gì mà Anh đã làm để ngăn chặn Mỹ tại khu vực Nam Mỹ vào những năm 1900.

Về mặt lý thuyết, Mỹ có thể tăng cường sức mạnh của mình thông qua việc duy trì liên minh xuyên Đại Tây Dương với châu Âu. Châu lục này sẽ luôn sẵn lòng đón nhận những trợ giúp của Mỹ trong việc bảo vệ họ khỏi những nguy hiểm từ Trung Đông và Bắc Phi. Nhưng nếu Chiến tranh lạnh mới kiểu Trung – Mỹ nổ ra, châu Âu có thể sẽ không trở thành đồng minh với Mỹ. Một châu Âu bảo thủ, trung lập cùng với một chính sách đối ngoại bị chi phối bởi những ông lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, thì đây là một khả năng rất dễ xảy ra.

Nước Mỹ sẽ phải có sự chuẩn bị cho sự chia sẻ quyền lực. (Nguồn: Reuters)

Nước Mỹ nên chuẩn bị

Khi phải đối mặt với dự báo về sự chuyển giao quyền lực toàn cầu, những kẻ hiếu thắng ở Mỹ có xu hướng kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ suy thoái hoặc sụp đổ hoặc Mỹ sẽ có một phép màu trong phát triển kinh tế và quân sự. Nhưng trong những dự đoán vừa đề cập thì chỉ có việc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc là “có khả năng” xảy ra mà thôi.

Mỹ cũng không thể làm gì để có thể tăng thị phần của mình trong GDP toàn cầu. Tỷ lệ sinh sản ở Mỹ hiện đang ở dưới mức cho phép, việc Chính phủ Mỹ tiếp tục chấp nhận người nhập cư để cân bằng ổn định dân số đang gặp rất nhiều khó khăn và dậy lên làn sóng phản đối dữ dội trong xã hội. Do sự phát triển chậm của lực lượng lao động, tăng trưởng GDP Mỹ sẽ giảm tốc. Những kẻ hiếu chiến tại Mỹ đã đề xuất việc cắt giảm phúc lợi của người về hưu và người cao tuổi với mục đích tăng chi tiêu quốc phòng. Đây thực sự là một điều không tưởng. Nếu có một cuộc so sánh ngân sách giữa người về hưu và Lầu Năm Góc thì ắt hẳn Lầu Năm Góc sẽ thua.

Bức tranh tổng thể đã hiện lên khá rõ ràng, cho dù những chi tiết có thể sai lệch đôi chút. Đến giữa thế kỷ XXI, những tiềm năng kinh tế và quân sự của toàn thế giới sẽ tập trung chủ yếu tại 4 vị trí: Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu và Mỹ. Trong thế giới đó, không có siêu cường duy nhất nào như nước Mỹ ở thế kỷ XX còn tồn tại để đóng vai trò gọi là “người bảo hộ an ninh toàn cầu” và thúc đẩy một bộ quy tắc kinh tế riêng.

Một thế giới đa cực sẽ là một thế giới phân cực mạnh mẽ hơn bởi sự gia tăng ảnh hưởng của các quốc gia tại khu vực và tăng cường an ninh giữa những đồng minh cũ thông qua những hiệp định thương mại và đầu tư chiến lược. Ngay cả khi nguy cơ của một cuộc Chiến tranh lạnh mới được đẩy lùi thì quan hệ giữa các nước lớn phần lớn vẫn chỉ xoay quanh sự hoài nghi và cảnh giác.

Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục nằm trong nhóm ba hoặc bốn cường quốc kinh tế và nhóm hai hoặc ba cường quốc quân sự trong tương lai không xa. Tuy nhiên Washington sẽ phải có những điều chỉnh nhất định khi nó không còn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và mất vị trí siêu cường số 1. 

(theo the National Interest)