Tùy quy định từng đảng
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, 68 tuổi, hiện đang nghỉ ngơi tại nhà riêng ở Chappaqua, New York và đã hủy chiến dịch vận động ở California vào ngày 12-13/9. Bác sỹ riêng Lisa Bardack cho biết bà Clinton được chẩn đoán bị viêm phổi ngày 9/9 và chỉ định dùng thuốc kháng sinh, nhưng sau đó bà bị mất nước khi tham dự sự kiện tưởng niệm ở New York.
Một đoạn video trên mạng cho thấy bà Clinton được các trợ lý đưa vào xe sau khi sớm rời khỏi buổi lễ. Nick Merrill, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của bà Clinton cho biết: "Bà Clinton đang cảm thấy tốt hơn, song bà muốn nghỉ ở nhà ngày hôm nay theo khuyến cáo của bác sỹ".
Bà Clinton được trợ lý dìu ra xe sau khi bà rời khỏi lễ tưởng niệm ở New York. (Nguồn: Reuters) |
Hiến pháp Mỹ không có bất cứ chỉ dẫn cụ thể nào về trường hợp một ứng viên không thể hoàn thành được cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, các quy định này lại nằm trong quy chế của mỗi đảng phái chính trị. Theo điều 2, khoản 7 của Quy chế đảng Dân chủ, nếu ứng viên của đảng bỏ cuộc, “một cuộc họp đặc biệt nhằm lấp khoảng trống mà ứng viên đó để lại sẽ được tổ chức bởi Chủ tịch đảng”. Quy chế đảng Cộng hòa cũng có quy định tương tự. Tại cuộc họp đảng Dân chủ, quyết định sẽ được đưa ra dựa trên đa số phiếu bầu của những người có mặt.
Khả năng bà Clinton bỏ cuộc
Mặc dù bà Clinton được cho rằng sẽ bình phục hoàn toàn, song giới phân tích cũng để ngỏ những cái tên có thể đại diện cho đảng Dân chủ nếu bà Clinton bị buộc phải từ bỏ cuộc đua. Những nhân vật đang được chú ý là Tim Kaine - ứng viên Phó Tổng thống của đảng Dân chủ, Bernie Sanders - đối thủ của bà Clinton ở vòng bầu cử sơ bộ, và Phó Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.
Giáo sư David Lublin (Đại học American) cho rằng lãnh đạo đảng Dân chủ có thể lựa chọn bất cứ ai đạt đủ tiêu chuẩn để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất quốc gia, và “điều này chắc chắn sẽ rất bí mật”. Theo ông Lublin, trong trường hợp bà Clinton bỏ cuộc, lựa chọn hợp lý nhất có thể là ông Kaine, tiếp theo là ông Sanders và ông Biden.
Trong khi đó, Giáo sư chính trị học Jeanne Zaino (Đại học Iona) nhận định hai đảng đang giữ quá trình tranh cử “mập mờ có chủ đích”, bởi điều đó cho họ cơ hội đưa ra quyết định sáng suốt nhất, hơn là hoàn toàn phụ thuộc vào một ứng viên mà họ cảm thấy không hài lòng.
Cả hai chuyên gia nói trên đều cho rằng, khả năng bà Clinton rời bỏ cuộc đua vì vấn đề sức khỏe sẽ khó xảy ra. Ông Lublin nói: “Tôi không tin bà Clinton sẽ bỏ cuộc đua. Bà Clinton bị bệnh, song đó là bệnh có thể chữa được”. Bà Zaino cho biết thêm: “Đây là một mùa bầu cử gay cấn, và tôi đã chuẩn bị tinh thần cho bất kỳ điều bất ngờ nào. Tuy nhiên, điều mà tôi thực sự không mong đợi chút nào là tình hình sức khỏe của bà Clinton trở nên tồi tệ hơn những gì mà chúng ta được biết qua truyền thông”.
Những suy đoán và thuyết âm mưu
Một đoạn video nghiệp dư quay cảnh bà Clinton rời khỏi buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 cho thấy khi chuẩn bị lên xe, bà Clinton đã bất ngờ loạng choạng và được những thành viên tùy tùng trợ giúp. Tình tiết này làm dấy lên những suy đoán và thuyết âm mưu ngập tràn trên mạng, cùng với những tin đồn rằng bà Clinton có thể có một khối u não, bị bệnh Parkinson hay mắc chứng tâm thần phân liệt.
Bà Clinton được dìu lên một ngôi nhà ở North Charleston, bang Nam Carolina, tháng 2/2016. (Nguồn: Reuters) |
Nguồn gốc của những đồn đoán trên mạng về sức khỏe của bà Clinton xuất phát từ giai đoạn cuối nhiệm kỳ Ngoại trưởng của bà. Năm 2012, bệnh viêm đường ruột và mất nước khiến bà bị ngất đi. Các bác sỹ cho biết thêm, họ đã tìm thấy cục máu đông trong não của bà, tuy nhiên bà Clinton đã hoàn toàn bình phục sau ca phẫu thuật năm 2012. Bác riêng của bà Clinton cho rằng bà có “sức khỏe tuyệt vời và thích hợp để đảm nhiệm vị trí Tổng thống Mỹ”.
Trong lịch sử Mỹ, chỉ có duy nhất một trường hợp ứng viên phải dừng cuộc đua vào Nhà Trắng. Năm 1972, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Thomas Eagleton, người cạnh tranh với ứng cử viên của đảng Dân chủ George McGovern, đã bị buộc phải dừng cuộc chơi sau khi thông tin ông từng mắc chứng trầm cảm được chứng thực.