Chuyến thăm được đánh giá là rất quan trọng trước thềm giai đoạn chuyển giao quyền lực của chính quyền mới của Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh an ninh
Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Nhật Bản Tomomi Inada đã tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh an ninh Mỹ - Nhật trong bối cảnh tồn tại những mối đe dọa về hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên cũng như diễn biến phức tạp trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận về tiến triển bổ sung các chi tiết của thỏa thuận song phương đạt được hồi tháng 7 vừa qua, theo đó thu hẹp phạm vi hoạt động của nhân viên làm việc tại căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản. Thỏa thuận trên đạt được do sức ép từ chính quyền và người dân tỉnh Okinawa, nơi đồn trú của rất nhiều căn cứ quân sự Mỹ, sau vụ một nhân viên căn cứ quân sự Mỹ bị bắt giữ vì liên quan đến cái chết của một phụ nữ địa phương.
Sau cuộc thảo luận, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter cho biết, quân đội nước này có kế hoạch trả lại gần 4.000 ha đất ở phía Bắc tỉnh Okinawa cho Chính phủ Nhật Bản tại một lễ trao trả chính thức dự kiến vào ngày 21- 22/12 tới và đây là sự chuyển giao lớn nhất kể từ năm 1972.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã thực hiện chuyến thăm Nhật Bản trong hai ngày 6 -7/12. (Nguồn: AFP) |
Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Inada diễn ra trong bối cảnh vẫn chưa biết chắc chắn quan hệ song phương sẽ thay đổi như thế nào dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người từng chỉ trích Nhật Bản chưa đóng góp tài chính đầy đủ cho sự hỗ trợ an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Carter cam kết sẽ nỗ lực để đảm bảo một sự chuyển giao quyền lực êm thấm, đồng thời cho biết Tướng về hưu James Mattis, người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền mới của ông Trump, là một nhân vật “rất có năng lực”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter cũng đã thăm tàu chở trực thăng Izumo, tàu hải quân lớn nhất của Nhật Bản kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, tại căn cứ hải quân Yokosuka của Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF), ở tỉnh Kanagawa phía Tây Nam Tokyo.
Cùng chung thách thức
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố khẳng định chính sách xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì Nhật Bản là một trong những nước đồng minh vô cùng quan trọng mà Mỹ hướng tới. Các nhà phân tích cho rằng, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật hiện đang ở trong một giai đoạn được coi là bước ngoặt lịch sử, trong đó cả hai nước cũng như mỗi nước đang đứng trước những thách thức mang tính chất sống còn và do đó rất cần sự hợp tác cùng nhau và hành động chung để hóa giải.
Đối với Nhật Bản, thách thức từ phía Trung Quốc được thể hiện trước hết trên ba bình diện. Một là, sự cạnh tranh chiến lược trong không gian phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương - một khu vực được coi là phát triển năng động nhất thế giới, là đầu tàu của sự tăng trưởng kinh tế thế giới. Hai là, Nhật Bản đang chịu sức ép ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ba là, tham vọng Biển Đông của Trung Quốc có thể chặn lối giao thương hàng hải với thế giới của Nhật Bản.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố khẳng định chính sách xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì Nhật Bản là một trong những nước đồng minh vô cùng quan trọng mà Mỹ hướng tới. (Nguồn: Reuters) |
Ngoài những thách thức từ phía Trung Quốc, Nhật Bản còn bị thách thức từ cuộc tranh cãi với Nga về chủ quyền đối với nhóm đảo Kurile mà Liên Xô cũ làm chủ trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Còn đối với Mỹ, mối quan hệ liên minh xuyên Thái Bình Dương với Nhật Bản có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc cùng nhau đối mặt với sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Theo các nhà phân tích, những thách thức từ phía Trung Quốc đối với Mỹ được thể hiện trên ba bình diện.
Một là, trong khi Mỹ đang theo đuổi tham vọng biến “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương” thành “Thế kỷ Mỹ” thì Trung Quốc đang thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, mà trong đó bao gồm cả tham vọng biến “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương” thành “Thế kỷ Trung Quốc”.
Hai là, Trung Quốc đang chủ động và tích cực cùng với Nga và các nước trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Cộng hòa Nam Phi) và nhiều nước khác xúc tiến quá trình xây dựng cấu trúc mới của nền kinh tế thế giới không dựa trên cơ sở đồng USD của Mỹ và các thể chế kinh tế toàn cầu do Mỹ kiểm soát, gồm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Chủ trương này được giới phân tích nhìn nhận là mở đầu cho sự kết thúc vai trò toàn cầu của Mỹ.
Ba là, nếu tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông đối với Nhật Bản chỉ là chặn ngay lối ra thế giới của Tokyo, thì đối với Mỹ đó là thách thức nghiêm trọng đối với chiến lược toàn cầu của Washington. Đối với Mỹ, Biển Đông không chỉ là lợi ích tự do hàng hải, mà còn là môi trường để họ thực hiện chiến lược “tiếp cận từ biển” theo học thuyết quân sự của Lầu Năm Góc.
Nhìn vào những thách thức trên, có thể thấy cả Mỹ và Nhật Bản đều có chung những mối lo ngại mà cả hai cần phải phối hợp nỗ lực để hóa giải trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu không chỉ trong thời điểm hiện tại, mà cả trong thời gian tới.
Trong chuyến thăm Mỹ kéo dài 8 ngày từ 26/4 đến 3/5/2015 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai nước từng công bố văn bản định hướng hợp tác quốc phòng mới nhằm gia tăng hợp tác trong các vấn đề an ninh và quốc phòng, lần đầu kể từ năm 1997. Theo đó, tính chất liên minh quân sự giữa hai nước sẽ thay đổi căn bản. Và những cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong chuyến thăm Nhật Bản lần này đã một lần nữa khẳng định mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật là không thể tách rời.