Kể từ nhiều năm nay, chưa lần nào Mỹ phóng tên lửa lại vấp phải sự phản đối và phê trách mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc như vụ phóng tên lửa ngày 19/8 vừa rồi. Nga và Trung Quốc không dừng lại ở những tuyên bố thể hiện quan điểm thái độ chính thức mà còn đưa vụ việc ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nguyên do chính chỉ có thể là hai nước này ngờ vực và lo ngại Mỹ chủ ý kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang mới mà họ khó có thể không bị lôi kéo vào.
Có thể nhận ra được chủ ý này của Mỹ khi xâu chuỗi những động thái trước đấy của Mỹ. Đầu tiên là việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước về vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) ký kết với Liên Xô năm 1987 buộc Nga phải ngừng thực thi Hiệp ước này. Tiếp đến là tuyên bố của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper về dự định của Mỹ phát triển thế hệ tên lửa tầm trung mới và triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á. Qua đó có thể thấy việc Mỹ rút khỏi INF rõ ràng đã được Mỹ liệu tính trong sự hoạch định chiến lược mới cho lâu dài và được thực hiện bài bản và có lộ trình.
Chấm dứt hiệu lực của INF là cách thức Mỹ tự rũ bỏ hết mọi ràng buộc xưa nay về giải trừ tên lửa tầm trung, để rồi từ đó lại tăng cường tiềm lực tên lửa hạt nhân tầm trung theo hướng không chỉ tăng về số lượng mà còn có được tên lửa tầm trung thuộc những thế hệ mới hiện đại hơn và uy lực hơn trước.
Mục tiêu đối phó của Mỹ giờ không còn chỉ là Nga nữa mà đồng thời còn là nhiều đối tác và đối thủ khác, đặc biệt và trước hết là Trung Quốc, Triều Tiên và Iran. Các bên này coi đấy là mối đe doạ về an ninh nên sẽ phải đối phó bằng biện pháp tương tự, sẽ bị Mỹ dẫn dắt trong cuộc chơi mới, sẽ phải chấp nhận chạy đua vũ trang trước và sau đó mới giải trừ vũ khí này với Mỹ.
Chính Dung