Ảnh: Biếm hoạ của trang al Jazeera về “Thoả thuận Thế kỷ” cho Trung Đông. |
Tại Hội nghị ở Bahrain tổ chức trong hai ngày 25 và 26/6 tới, con rể Jared Kushner của tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ lần đầu tiên giới thiệu về hình hài và nội dung của ý tưởng của phía Mỹ về vãn hồi hoà bình cho khu vực Trung Đông mà ông Trump tán dương đã từ lâu với cụm mỹ từ "Thoả thuận thế kỷ". Việc công bố nó đã bị trì hoãn nhiều lần vì tình hình chính trị quyền lực mất ổn định ở Israel buộc phía Mỹ phải trì hoãn công bố để giúp thủ tướng đương nhiệm của Israel Benjamin Netanyahu không bị mất vị thế cầm quyền. Ở Israel, ông Netanyahu không thành lập được chính phủ mới và vì thế đất nước này lại có tổng tuyển cử mới vào cuối tháng 9 tới. Số phận chính trị của ông Netanyahu lại một lần nữa rất chênh vênh. Cho nên Mỹ đã hoãn thời điểm công bố "Thoả thuận thế kỷ" kia đến tận tháng Mười một.
Từ điềm bất lành…
Hội nghị ở Bahrain chỉ xử lý khía cạnh kinh tế của kế hoạch lớn của Mỹ. Trong thực chất, đấy không phải là cái gì khác ngoài gây dựng một dạng quỹ đầu tư nhằm phát triển kinh tế xã hội cho Palestine, tập trung vào 4 lĩnh vực chính là cơ sở hạ tầng, công nghiệp, phát triển xã hội và cải cách chính quyền. Mỹ chủ ý dùng hội nghị này để kêu gọi đóng góp và quyên góp tài chính cho quỹ được ít nhất 50 tỷ USD, chủ yếu từ những nước giàu ở vùng Vịnh. Chính quyền tự trị Palestine đã tẩy chay hội nghị và chính giới Israel cũng không tham dự. Hội nghị với chủ đề "Hoà bình cho thịnh vượng" vì Palestine nhưng lại bị chính Palestine khước từ. Mọi giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đều cần sự tham gia của cả hai bên mà chính giới Israel cũng không tham dự sự kiện này.
Đấy là những điềm bất lành cho kết cục của hội nghị này nói riêng và cho "Thoả thuận thế kỷ" của Mỹ nói chung. Song, đây cũng chẳng phải là những điềm bất lành duy nhất. Việc trong kế hoạch này của Mỹ hoàn toàn không đề cập gì đến "Giải pháp Hai nhà nước", có nghĩa là có nhà nước Israel và nhà nước Palestine cùng tồn tại, cũng như việc ông Trump có nhiều quyết sách thiên lệch hẳn về phía Israel bất chấp luật pháp quốc tế, thực tiễn lịch sử ở khu vực và quan điểm chính thức lâu nay của các nước trong thế giới Ả rập đã đẩy các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực vào tình thế khó xử là vừa có nhu cầu tranh thủ Mỹ nhưng lại không thể hoàn toàn ủng hộ những quan điểm chính sách của Mỹ đối với Israel. Điềm bất lành nữa là Mỹ thiên lệch Israel như thế thì làm sao còn có được uy tín và sự tin cậy cần thiết để đảm trách được thành công vai trò trung gian hoà giải và kiến tạo hoà bình giữa Israel và Palestine.
Thoả thuận thế kỷ thất bại ngay từ khi chưa được công bố chính vì thế và hội nghị Bahrain này chỉ là nỗ lực vớt vát của Mỹ đúng như câu "cố đấm ăn xôi".
…đến sai lầm và ngộ nhận
Cách tiếp cận của Mỹ ở đây không còn là một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột dựa trên hoà bình và hoà giải để rồi xây dựng nhà nước Palestine độc lập có chủ quyền và lãnh thổ cùng tồn tại với nhà nước Israel mà là dùng tiền của trong dạng một kiểu "Kế hoạch Marshall" để phát triển kinh tế, tăng thu nhập và giảm đói nghèo trong cộng đồng người Palestine đổi lấy việc người Palestine từ bỏ ý chí đấu tranh vì tự do và độc lập, vì nhà nước độc lập riêng có chủ quyền và lãnh thổ. Những kiểu sáng kiến hoà bình như thế trong thực chất đều là vì lợi ích của Israel mà bất chấp ý nguyện và lợi ích của Palestine thì làm sao có thể được người Palestine chấp nhận, làm sao có thể khắc phục được tận gốc rễ và dứt điểm cuộc xung đột dai dẳng lâu nay giữa Israel và Palestine ở Trung Đông.
Sai lầm của Mỹ ở đây là sự ngộ nhận rằng cứ làm khác so với lâu nay thì ắt sẽ thành công hơn trong khi để được thành công hơn thì phải làm đúng hơn so với trước, thì phải tháo gỡ những vướng mắc then chốt nhất và những vướng mắc này hiện ở cả hai phía nhưng ở phía Israel nhiều hơn là ở phía Palestine.
Mỹ cố đấm ăn xôi với hội nghị Bahrain chắc vì đã nhận thấy rằng kế hoạch lớn của Mỹ cho Trung Đông với tên gọi mỹ miều "Thoả thuận thế kỷ" có nguy cơ bị chìm nghỉm giữa những biến động thời sự ở khu vực, trong mất ổn định chính trị xã hội ở Israel, trong sự bàng quan của Palestine, trong sự nghi ngại của các đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực, trong sự phân rẽ nội bộ của thế giới Arab và thế giới Hồi giáo, trong bối cảnh chiến tranh và xung đột vũ trang ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh, đặc biệt và mới nhất là trong tác động của căng thẳng và đối địch giữa Mỹ và Iran.
Ngoài ra, ông Trump và con rể cũng đâu còn nhiều thời gian để thực hiện tham vọng lớn này khi cuộc vận động tranh cử tổng thống đã chính thức được bắt đầu ở Mỹ. Thực hiện nó mà không thành công thôi chứ chưa nói đến thất bại sẽ rất nguy hại đối với ông Trump.
Cho nên thôi thì vớt vát được chút nào hay chút đó khi đằng nào thì kết cục cũng đã rõ ràng rồi.