Trong nhiều thập kỷ qua, vai trò của các lực lượng hải quân trên toàn thế giới ngày càng được mở rộng và tăng cường nhằm đảm trách nhiều nhiệm vụ hơn và đương đầu với nhiều thách thức mới cam go hơn. Các lực lượng hải quân hiện nay thường có nhiệm vụ ngăn chặn những mối đe dọa hạt nhân, phòng thủ tên lửa, hỗ trợ các hoạt động không gian và cứu trợ nhân đạo.
Xét trên nhiều yếu tố, tạp chí The National Interest đã lựa chọn ra năm lực lượng hải quân hùng mạnh, tiêu biểu nhất trên thế giới.
Hải quân Mỹ
Vị trí số một trong danh sách này không mấy bất ngờ khi thuộc về siêu cường Mỹ. Với sự đa dạng và quy mô các loại tàu hải quân lớn nhất thế giới cùng với phạm vi hoạt động rộng lớn từ Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải, Vịnh Ba Tư đến vùng Sừng châu Phi. Có thể nói, đây là một lực lượng hải quân hoạt động xa có khả năng triển khai lực lượng đến tất cả vùng biển cạn, sâu trên thế giới, phản ứng nhanh trong trường hợp có các cuộc khủng hoảng vùng, là một lực lượng tích cực phục vụ cho chính sách phòng thủ và ngoại giao của Mỹ.
Thống kê cho thấy hải quân Mỹ hiện nắm trong tay 288 tàu chiến, trong đó một phần ba số tàu luôn sẵn sàng triển khai bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, hải quân siêu cường thế giới còn có 10 tàu sân bay, 9 tàu đổ bộ tấn công, 22 tàu tuần dương, 62 tàu khu trục, 17 tàu hộ vệ và 72 tàu ngầm các loại.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ. (Nguồn: Wiki). |
Ngoài ra, Hải quân Mỹ còn sở hữu 3.700 máy bay và là lực lượng không quân lớn thứ hai trên thế giới. Với biên chế 430.000 người, Mỹ cũng có số nhân lực hải quân lớn nhất thế giới.
Ước tính, riêng số tàu sân bay Mỹ đang sử dụng nhiều hơn tất cả số tàu sân bay của các nước khác trên thế giới cộng lại. Thậm chí, phản lực chiến đấu chuyên dụng có khả năng cất và hạ cánh trên 9 tàu đổ bộ tấn công lớp Tarawa và Wasp của Mỹ.
Đặc biệt, 54 tàu ngầm tấn công hạt nhân của Mỹ, bao gồm các loại lớp Los Angeles, Seawolf và Virginia, là những loại tàu tối tân nhất, có khả năng răn đe hạt nhân chiến lược trên biển. Thêm vào đó, 14 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio trang bị tổng cộng 336 tên lửa đạn đạo Trident và 4 tàu ngầm lớp Ohio trang bị 154 tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk cũng khiến Mỹ luôn giữ vững vị trí “anh cả” trong làng hải quân quốc tế.
Hải quân Nga
Nga vốn đã nổi tiếng với đội tàu chiến hùng hậu từ thời Chiến tranh Lạnh. Lực lượng hải quân Nga hiện nay thừa hưởng phần lớn đội tàu chiến của Hải quân Liên Xô sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tuy nhiên, đội tàu chiến này đã dần “già nua” và buộc Nga phải hiện đại hóa và bổ sung những mẫu chiến hạm mới nhằm tăng cường sức mạnh hải quân của mình. Sự quan tâm đầu tư cho lực lượng hải quân của Moscow được thấy rõ khi chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin công bố kế hoạch hiện đại hóa hải quân từ nay đến năm 2020.
Hải quân Nga hiện sở hữu 79 tàu hộ tống loại lớn, 1 tàu sân bay, 5 tàu tuần dương, 13 tàu khu trục và 52 tàu ngầm. Giống như Liên Xô trước đây, sức mạnh hải quân của Nga chủ yếu dựa vào lực lượng tàu ngầm của mình. Cụ thể, Nga có 15 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 16 tàu ngầm tấn công thông thường, 6 tàu ngầm tên lửa hành trình và 9 tàu ngầm tên lửa đạn đạo.
Nga cũng đang đầu tư vào nhiều chương trình lớn như việc đóng tàu sân bay dài 330m có tên Shtorm, thuộc Dự án 23000E. Ngoài ra, trong thời gian tới, Nga cũng sẽ phát triển siêu tàu khu trục lớp Leader mới với chiều dài 200m, lượng giãn nước 17.500 tấn và mang được 200 tên lửa các loại.
Hải quân Trung Quốc
Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến những bước dài về phát triển hải quân trong những năm gần đây. Sự tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế Trung Quốc đã giúp ngân sách quốc phòng nước này tăng gấp 10 lần kể từ năm 1989, tạo tiềm lực cho lực lượng hải quân nước này ngày một hiện đại hơn. Từ một lực lượng hải quân nghèo nàn gồm các tàu khu trục và tàu chiến lỗi thời, Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã nhanh chóng phát triển thành một hạm đội hải quân thật sự hùng mạnh.
Hai tàu ngầm hạt nhân lớp Borey Yury Dolgoruky và Alexander Nevsky tại căn cứ Hải quân Nga ở Gadzhiyevo. |
PLAN hiện có 1 tàu sân bay, 3 tàu vận tải đổ bộ, 25 tàu khu trục, 42 tàu hộ vệ, 8 tàu ngầm hạt nhân tấn công và khoảng 50 tàu ngầm tấn công. Quân số PLAN có 133.000 người, trong đó hai lữ đoàn thủy quân lục chiến chiếm khoảng 12.000 người.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng phát triển các loại máy bay để phục vụ yêu cầu của hải quân. PLAN hiện có 650 máy bay bao gồm phản lực J-15 (nhái máy bay Su-33 của Nga) cất cánh từ tàu sân bay ,máy bay chiến đấu đa năng J-10, máy bay tuần duyên Y-8 và máy bay chống tàu ngầm Z-9. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đang trong quá trình tăng cường số lượng tàu sân bay. Ít nhất 2 tàu sân bay đã nằm trong kế hoạch bổ sung của Trung Quốc và thậm chí con số này còn có thể tăng lên 5 tàu.
Hải quân Anh
Từ đầu thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX, Hải quân Anh là lực lượng hải quân lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, lực lượng này đánh mất vị thế dẫn đầu trong thế kỷ XX trước sự lớn mạnh của Mỹ, Nga và gần đây là Trung Quốc.
Mặc dù quy mô đã bị thu nhỏ nhưng việc biên chế đủ 2 tàu sân bay cỡ lớn mới và nâng cấp xong hạm đội tàu ngầm hạt nhân vẫn khiến hải quân Anh trở thành một lực lượng hùng hậu hàng đầu. Xét về trọng lượng của các hạm tàu, Hải quân Hoàng gia Anh hiện là lực lượng hải quân lớn thứ hai trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hải quân Hoàng gia Anh có 33.400 nhân viên chính thức và 2.600 lính dự bị. Hạm đội hải quân Anh bao gồm 3 tàu đổ bộ cỡ lớn, 19 tàu khu trục và tàu hộ vệ, 7 tàu ngầm tấn công hạt nhân và 4 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân chiến lược. Không quân Hải quân Hoàng gia Anh có 149 máy bay, chủ yếu là máy bay trực thăng.
Hiện nay, Anh đang vận hành 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Vanguard và có kế hoạch hiện đại hóa toàn bộ lực lượng tàu ngầm hạt nhân với chi phí lên tới hàng chục tỉ USD. Trong khi đó, 2 tàu sân bay cỡ lớn Queen Elizabeth cùng Prince of Wales, chuẩn bị hoàn thành vào năm 2019, sẽ có thể mang theo khoảng 50 chiến đấu cơ trên mỗi chiếc.
Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF)
Xếp cuối cùng trong danh sách là MSDF của Nhật Bản. Về mặt lý thuyết, đây không thực sự là một lực lượng hải quân. Tuy nhiên, MSDF được Nhật Bản đầu tư xây dựng đến mức hoàn toàn có thể sánh ngang với hàng ngũ những lực lượng hải quân tiên tiến và chuyên nghiệp nhất trên thế giới.
MSDF có tổng cộng 114 tàu và 45.800 nhân viên. Nòng cốt của MSDF là các hạm đội tàu khu trục lớn, giúp bảo đảm các tuyến đường biển đến và đi từ Nhật Bản không bị chia cắt như trong Chiến tranh thế giới Hai.
Mặc dù hiện không sở hữu tàu sân bay nào nhưng Nhật Bản có tới 46 tàu khu trục, nhiều hơn số tàu cùng loại của cả Anh và Pháp cộng lại. Kể từ giữa những năm 2000, Tokyo sở hữu khu trục hạm lớp Aegis nhằm chống lại những đe dọa từ hệ thống tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Gần đây, Nhật Bản tiếp tục đóng mới 3 tàu khu trục trực thăng, phục vụ cho việc cất và hạ cánh của máy bay tàng hình F-35B.
Dù không có tàu ngầm hạt nhân nhưng lực lượng tàu ngầm của Nhật Bản được đánh giá là một trong những lực lượng tốt nhất trên thế giới với những đặc điểm kỹ - chiến thuật tương đối cao và sở hữu vũ khí điện tử, ngư lôi và tên lửa hiện đại. Hiện tại, MSDF đang sở hữu 6 tàu ngầm tấn công lớp Soryu, 11 tàu lớp Oyashio và 2 tàu lớp Harushio (dùng cho nhiệm vụ huấn luyện thủy thủ).
Nhật Bản gần đây tuyên bố sẽ tăng cường số tàu ngầm lên tới 22 chiếc và nâng số tàu khu trục lên 48-50 chiếc trong thời gian tới.