Ngày 27/11, truyền thông Iran đưa tin nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh, 59 tuổi, người được coi là “cha đẻ” của chương trình hạt nhân Iran, đã thiệt mạng trong một vụ tấn công phục kích chưa rõ nghi phạm. Có ba nghi vấn đáng chú ý quanh việc này.
Thời điểm nhạy cảm
Cái chết của ông Fakhrizadeh diễn ra vào thời điểm nhạy cảm với khu vực Trung Đông, đặc biệt là trong câu chuyện Iran.
Đối đầu Israel-Iran tiếp tục nóng: Tel Aviv liên tục tấn công lực lượng được Tehran bảo trợ tại Syria. Đáng chú ý, quan tâm chung về Iran có thể khiến Israel và Saudi Arabia xích lại gần nhau, với cuộc gặp chưa được xác thực giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử Mohammed Bin Salman.
Hiện trường còn lại sau vụ tấn công ông Fakhrizadeh, được Iran cho là do Israel thực hiện. (Nguồn: AP) |
Quan hệ Mỹ-Iran vẫn chấp chới từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thậm chí, hai tuần trước cái chết của ông Mohsen Fakhrizadeh, ông chủ Nhà Trắng từng cân nhắc phương án tấn công cơ sở hạt nhân với các quan chức cấp cao, song cuối cùng đã không thực hiện.
Cuối cùng, Trung Đông đang dõi theo kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Mỹ và theo đó, chính sách tương lai của xứ cờ hoa tại đây. Ngày 18/11, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định Iran sẽ thực hiện đầy đủ cam kết trong Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) nếu Mỹ hành động tương tự.
Mập mờ diễn biến
Ngoài ra, diễn biến xung quanh vụ tấn công còn nhiều điều chưa sáng tỏ. Hiện có nhiều thông tin khác nhau quanh vụ việc. Theo truyền thông địa phương, đoàn xe chở ông Fakhrizadekh đã phải dừng lại gần thị trấn Absard, vùng Damavand, gần Tehran khi gặp một vụ tai nạn, trước khi chiếc xe tải gần đó ‘tình cờ’ phát nổ, sau đó là 5-6 tay súng bất ngờ xuất hiện và xả đạn từ ven đường.
Trong khi đó, New York Post ngày 29/11 lại cho rằng ông Fakhrizadeh đã bị phục kích bởi nhóm 12 người, với sự trợ giúp của 50 kẻ khác, trên một đường cao tốc gần Tehran. Những kẻ tấn công đã theo dõi nạn nhân từ lâu và nắm được lịch trình rằng nhà khoa học Iran sẽ tự lái xe từ Tehran tới biệt thự tại Absard tối 27/11. Họ đã cắt điện tại khu vực, kích nổ xe tải khi đoàn xe tới gần và nã đạn, thậm chí còn kéo ông Fakhrizadeh ra khỏi xe để tận tay kết liễu mạng sống của nhân vật này.
Tuy nhiên, điểm chung của hai câu chuyện này là cái chết của ông Fakhrizadeh đã được sắp đặt. Trong bối cảnh quan hệ Israel-Iran đang căng thẳng, xét khả năng thâm nhập và tấn công của đặc nhiệm Do Thái, Tehran có lý do nghi ngờ Tel Aviv đứng sau vụ này.
Đặc biệt, theo Al Arabiya, các quan chức và chuyên gia phương Tây tin rằng ông Fakhrizadeh có vai trò quan trọng trong việc giúp Iran tìm ra phương tiện lắp ráp đầu đạn hạt nhân, đằng sau “vỏ bọc” của chương trình làm giàu uranium dân sự. Song đây vẫn chỉ là suy đoán và thực hư câu chuyện ra sao vẫn là ẩn số.
Nhà khoa học xấu số người Iran Mohsen Fakhrizadeh. (Nguồn: Tasnim) |
Phản ứng “lạ”
Cuối cùng, phản ứng của Israel, Mỹ và Saudi Arabia xung quanh sự kiện này có điều “lạ”.
Không khó đoán khi Iran đã lên án mạnh mẽ vụ việc này. Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei tuyên bố nước này sẽ đáp trả và công trình nghiên cứu của ông Fakhrizadeh sẽ được tiếp tục. Tổng thống Hassan Rouhani khẳng định sẽ trả đũa vụ ám sát vào thời gian “thích hợp”. Ngày 29/11, ông Rouhani cũng tăng cường an ninh, ngăn chặn hành động tấn công vào các nhà khoa học nước này.
Trong thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht Ravanchi cho rằng có “dấu hiệu thực sự về trách nhiệm của Israel” trong vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh và Tehran bảo lưu quyền tự vệ.
Qatar, Iraq, UAE, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Venezuela đều lên án mạnh mẽ hành động tấn công này. LHQ và EU kêu gọi Iran “hành động kiềm chế”, tránh làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trong thư gửi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht Ravanchi cho rằng có “dấu hiệu thực sự về trách nhiệm của Israel” trong vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh và Tehran bảo lưu quyền tự vệ. |
Đáng chú ý, thay vì “ăn miếng trả miếng” với Iran như mọi lần, phía Israel lại im ắng lạ thường. Trong phát biểu hiếm hoi ngày 28/11, đồng minh thân cận của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Israel Tzachi Hanegbi cho biết “không có manh mối” về kẻ ám sát nhà khoa học Iran.
Tuy nhiên, cùng ngày, các đại sứ quán của nước này trên toàn thế giới đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Song khi được hỏi, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này khẳng định không bình luận về các vấn đề an ninh liên quan đến các đại diện ở nước ngoài.
Trong khi đó, Nhà Trắng và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã từ chối bình luận về tiết lộ của New York Times cho rằng có quan chức Mỹ khẳng định Israel đứng sau vụ tấn công tại Iran.
Tương tự, Saudi Arabia, người chơi đặc biệt quan trọng trong những ván bài về lợi ích tại khu vực Trung Đông, cũng “im hơi lặng tiếng” trước sự kiện chấn động này.
Vai trò của Israel
Những nghi vấn trên đã khiến New York Times đặt câu hỏi về sự liên quan của Israel tới cái chết của ông Fakhrizadeh. Tờ này dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ cho rằng Cơ quan tình báo Mossad của Israel đã “lên kế hoạch chính xác” và sự im lặng của Israel là minh chứng.
Theo họ, lâu nay Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu coi Tehran là mối đe dọa hiện hữu, gọi nhà khoa học Iran là kẻ thù số 1, có khả năng chế tạo vũ khí đe dọa đất nước 8 triệu dân chỉ bằng một vụ nổ.
Tuy nhiên, tờ này cho rằng ông Netanyahu còn có ý khác. Sau khi kết quả bầu cử Mỹ ngày càng có lợi cho ông Biden, ông đã tuyên bố: “Không thể quay lại thỏa thuận hạt nhân trước kia”.
Viết trên Twitter ngày 27/11, ông Mark Fitzpatric, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân tin rằng: “Lý do ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh không chỉ nhằm cản trở khả năng chiến tranh của Iran, mà còn nhằm cản trở tiến trình ngoại giao”.
Như vậy, không loại trừ khả năng ông Netanyahu muốn tạo sự đã rồi, chấm dứt hy vọng đưa Mỹ trở lại JCPOA của người kế nhiệm ông Trump và buộc Mỹ sát cánh trong hành trình chống Iran.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những suy đoán và cho đến khi có thêm thông tin, cái chết của “cha đẻ” chương trình hạt nhân của Iran vẫn là câu chuyện đầy bí ẩn.