Ngoại trưởng Antony Blinken (thứ hai từ trái) cùng Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns đi dạo ở Yu Gardens, Thượng Hải ngày 24/4. (Nguồn: Pool) |
Ngày 24-26/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm chính thức Trung Quốc, đánh dấu lần thứ hai nhà ngoại giao xứ cờ hoa tới đất nước Đông Bắc Á này trong chưa đầy một năm.
Tại điểm đến đầu tiên là thành phố Thượng Hải, ông đã gặp Bí thư Thành ủy Trần Cát Ninh, tiếp xúc lãnh đạo một số doanh nghiệp Mỹ, giao lưu với sinh viên và dự khán một trận bóng rổ. Tới thủ đô Bắc Kinh ngày 26/4, ông gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị và gặp Bộ trưởng Công an Vương Hiểu Hồng.
Duy trì xu thế
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đã có một số cải thiện. Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá: “Chúng ta đang ở một vị trí rất khác so với một năm trước, thời điểm quan hệ song phương ở mức thấp chưa từng có trong lịch sử”. Trong khi đó, Tân hoa xã (Trung Quốc) dẫn lời quan chức Bộ Ngoại giao nước này nhận định quan hệ “có xu hướng ngừng xấu đi và dần ổn định” sau Thượng đỉnh tại San Francisco (Mỹ), hồi tháng 11/2023.
Đánh giá này là có cơ sở, nếu nhìn vào một số diễn biến gần đây trong quan hệ hai nước. Giới chuyên gia nhận định, sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden, hoạt động quân sự của Bắc Kinh quanh eo biển Đài Loan có phần lắng xuống. Giao lưu giữa hai bên cũng sôi động hơn nhờ tăng gấp đôi số chuyến bay giữa hai nước.
Quan trọng hơn, chuyến thăm là động thái mới nhất trong hàng loạt trao đổi đoàn các cấp, gặp gỡ giữa nhóm làm việc song phương thời gian qua. Điện đàm đầu tháng Tư, lãnh đạo hai nước nhất trí duy trì liên lạc cấp cao. Ba tuần sau, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã tới Trung Quốc, còn Bộ trưởng Quốc phòng nước này Lloyd Austin trao đổi với người đồng cấp Đổng Quân. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken góp phần duy trì xu hướng liên lạc đó.
Đề cập mục tiêu chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Blinken sẽ “thảo luận về các nỗ lực hiện thực hóa cam kết của Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh Woodside tháng 11 trong hợp tác chống ma túy, đường dây liên lạc quân sự, trí tuệ nhân tạo và củng cố giao lưu nhân dân”. Phát biểu khi gặp Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Cát Ninh, Ngoại trưởng Antony Blinken nêu lại thông điệp xuyên suốt của chính quyền Mỹ về Trung Quốc - “quản lý quan hệ song phương một cách có trách nhiệm”.
Khó tạo đột phá
Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không dễ dàng. Thực tế cho thấy ngay cả khi quan hệ song phương đã cải thiện, hai nước vẫn có hàng loạt động thái nhắm vào nhau.
Ngay trước chuyến thăm của ông Blinken, Thượng viện Mỹ đã thông qua đạo luật buộc ByteDance, công ty Trung Quốc sở hữu TikTok, phải bán nền tảng này trong chín tháng tới, đồng thời từ bỏ quyền sở hữu thuật toán gợi ý video dựa trên sở thích người dùng. Đó là chưa kể tới hàng loạt biện pháp kinh tế khác như nâng thuế quan với thép, tấm nền pin năng lượng mặt trời và nhiều mặt hàng khác. Mỹ còn cân nhắc giới hạn hơn nữa quyền tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ bán dẫn hiện đại, có thể được sử dụng trong phát triển trí thông minh nhân tạo.
Đáp lại, năm ngày trước chuyến thăm của ông Blinken, website Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đăng tải bài viết chỉ trích viện trợ nước ngoài của Mỹ là “ích kỷ”, “tự đại”, “đạo đức giả”, là công cụ để can thiệp công việc nội bộ, duy trì sự kiểm soát với các quốc gia khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm bác cáo buộc của ông Joe Biden rằng quốc gia châu Á “bài ngoại”, khẳng định chính Mỹ mới đang đối mặt tình trạng này.
Về đối ngoại, eo biển Đài Loan vẫn là điểm nóng đặc biệt. Ngay khi ông Blinken tới Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden đã ký phê chuẩn dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó gồm 8 tỷ USD cho đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Đài Loan (Trung Quốc). Ngay lập tức, Trung Quốc đã phản ứng mạnh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân khẳng định nỗ lực của Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) “sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ xung đột, đối đầu ở eo biển Đài Loan, cuối cùng sẽ phản tác dụng”.
Trong vấn đề Biển Đông, Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Philippines tại Nhà Trắng đầu tháng này tái khẳng định hợp tác an ninh chặt chẽ “trước các hành động nguy hiểm và ngày một quyết đoán trên Biển Đông”. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho rằng đây là “cáo buộc vô căn cứ, bôi nhọ có chủ đích”, đồng thời phản đối “chính trị bè phái”, kích động, gây căng thẳng và tổn hại tới an ninh chiến lược và lợi ích tại khu vực.
Về xung đột Nga-Ukraine, Washington nhiều lần quan ngại về lập trường của Bắc Kinh, đặc biệt là thông tin nước này chuyển công cụ sản xuất, chất bán dẫn và vật liệu đa dụng cho Moscow. Ông Blinken từng chỉ trích Trung Quốc là “nhà đóng góp chủ chốt” cho công nghiệp quốc phòng của Nga. Do đó, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông sẽ kêu gọi Trung Quốc “giảm” hỗ trợ Nga, bằng không xứ cờ hoa “sẵn sàng cho các hành động tiếp theo” với doanh nghiệp Trung Quốc. Vấn đề Triều Tiên và tình hình tại Trung Đông cũng có thể xuất hiện trong cuộc trao đổi giữa ông Blinken cùng các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc.
Theo ông Thời Ân Hoằng, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc), trong quan hệ Mỹ-Trung hiện có 16 điểm căng thẳng và “chưa có điểm nào hạ nhiệt một cách lâu dài, bất chấp thời lượng đối thoại gia tăng kể từ sau khi ông Donald Trump rời nhiệm sở”. Duy trì kênh liên lạc là cần thiết, song chắc chắn chưa đủ để quan hệ Mỹ-Trung thực sự hạ nhiệt.