Trong khi đó, nội các của Tổng thống lâm thời Michel Temer (ảnh) mới thành lập đã vấp phải phản ứng khá tiêu cực. Bối cảnh chính trị này đang đẩy đất nước Mỹ Latinh này trước thách thức nghiêm trọng.
Bà Rousseff, trên cương vị Tổng thống, đã thông qua nhiều dự luật mang tính bước ngoặt như bảo vệ phụ nữ trước tình trạng bạo lực và đặt ra chỉ tiêu tiếp nhận sinh viên da màu ở các trường đại học. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, bà lại bị tấn công vì những nghi vấn gian lận tài chính. Các kiến nghị luận tội được đệ trình vào tháng 8/2015 và được thông qua ngày 17/4 vừa qua liên quan đến quản lý yếu kém về tài chính hay thao túng tài chính - tức che giấu chi tiêu của chính quyền liên bang mà không được ủy quyền bởi Quốc hội. Cuộc điều tra hướng vào Tập đoàn Petrobras do vai trò của bà Rousseff là cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị của Petrobras (2003 - 2010) và là Bộ trưởng Mỏ và năng lượng dưới thời cựu Tổng thống Lula.
Trong quá trình luận tội, một khi đa số Thượng viện bỏ phiếu ủng hộ việc chấp nhận những cáo buộc từ Hạ viện, Tổng thống sẽ buộc phải rời nhiệm sở. Hiện ông Temer là Tổng thống lâm thời và sau đó nếu 2/3 Thượng viện bỏ phiếu để loại bỏ bà Rousseff, bà sẽ bị cách chức vĩnh viễn và ông Temer sẽ làm đến hết nhiệm kỳ Tổng thống vào năm 2018.
Tuy nhiên, cho dù có sự chuyển giao quyền lực thì chính trường Brazil vẫn không hề yên ả. Trước mắt, nội các mới của ông Temer đang gặp phải một số chỉ trích. Khoảng hơn 20 tân bộ trưởng trong nội các đều có một điểm chung: người da trắng, nam giới, giàu có và cùng dính líu vào các vấn đề pháp lý. Ông Temer đã nói đến việc đoàn kết dân tộc với một chính quyền trung hữu, song sự thiếu vắng nữ giới hay những người da màu - hai nhóm đại diện cho khoảng một nửa dân số Brazil - ngay lập tức đặt ra câu hỏi về tính đại diện của chính quyền này. Một số nhân vật được ông Temer bổ nhiệm cũng báo hiệu khả năng Brazil sẽ chuyển hướng sang những giá trị bảo thủ.
Ở khía cạnh khác, cuộc khủng hoảng ở Brazil cũng cho thấy ảnh hưởng nhạt nhòa của các chính quyền cánh tả ở khu vực Mỹ Latinh. Các nhà lãnh đạo Nam Mỹ về cơ bản đã giữ im lặng và khoanh tay đứng nhìn sự thất bại của Tổng thống Dilma Rousseff. Họ dường như không mấy hứng thú với việc can thiệp vào những gì đang diễn ra tại Brazil khi phải dành sự tập trung vào việc giải quyết nhiều vấn đề nội bộ thay vì giúp đỡ bà Rousseff trong các cuộc tranh cãi chính trị kéo dài nhiều tháng qua, nguyên nhân làm bùng phát làn sóng giận dữ trong dư luận về tình trạng tham nhũng và cuộc suy thoái nghiêm trọng tại nền kinh tế lớn nhất châu lục này. Một số nước như Uruguay, Venezuela, Ecuador và Bolivia thể hiện sự ủng hộ đối với bà. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và nhà lãnh đạo Evo Morales của Bolivia nhắc lại những từ ngữ mà bà hay dùng, gọi cuộc luận tội bà Rousseff là một cuộc đảo chính do Quốc hội cầm đầu. Tuy nhiên, sự ủng hộ của những nước láng giềng cánh tả chỉ dừng ở lời nói.
Người dân Brazil hy vọng đất nước họ có thể có những biến chuyển sau nhiều tháng diễn ra các cuộc tranh cãi chính trị, vụ việc khiến giới lãnh đạo bị phân tâm, không chú ý tới hàng loạt vấn đề nhức nhối của đất nước, kể cả cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Thế nhưng khó khăn mà Tổng thống lâm thời Michel Temer phải đối mặt sẽ rất lớn, bởi ông không chỉ thay thế Dilma Rousseff mà còn "kế thừa" hàng loạt vấn đề tương tự như người tiền nhiệm đòi hỏi ông phải nỗ lực để vượt qua.