Vì sao Hà Nội?
Thưa ông, ngoại giao trung gian, ngoại giao hòa giải có ý nghĩa như thế nào trong “đời sống” quan hệ quốc tế? Ông có thể cho bạn đọc biết một số ví dụ điển hình về ngoại giao trung gian góp phần tạo ra những đột phá trong quan hệ quốc tế?
Tôi cho rằng, việc đứng ra làm trung gian hoà giải là một thực tiễn trong ngoại giao từ xưa. Để giải quyết các vấn đề tranh chấp, xung đột cần có ý chí chính trị của các bên trực tiếp liên quan, nhưng cũng cần có sự trợ giúp của bên thứ ba.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình. (Ảnh: NVCC) |
Ở dạng thứ nhất, những nước đóng vai trò này có thể là các nước lớn hoặc các tổ chức quốc tế. Họ thường thuyết phục các bên đến bàn đàm phán hoặc giúp giải quyết những khúc mắc, trở ngại trong quá trình đàm phán, thúc đẩy các bên nhượng bộ lẫn nhau để đưa đàm phán đến thành công. Riêng trong thế kỷ 20 có thể kể đến vai trò trung gian hòa giải của Anh, Liên Xô trong cuộc đàm phán và ký kết Hiệp nghị 1954 về Đông Dương; Liên Xô, Mỹ, Pháp, Trung Quốc trong Hiệp định Geneva về Lào năm 1962; vai trò Liên hợp quốc trong các cuộc xung đột ở châu Phi, Ấn Độ - Pakistan, giải pháp Campuchia cho vấn đề năm 1991, Indonesia - Đông Timor; Cộng đồng Châu Âu (EC) trong các tranh chấp giữa các thành viên cộng đồng Châu Âu... Trong trường hợp này, nước lớn hoặc tổ chức quốc tế thường có vai trò trực tiếp trong tiến trình đàm phán.
Ví dụ thứ hai là một số nước hoặc địa điểm không nhất thiết là nước lớn nhưng lại được các bên liên quan chấp nhận cho các cuộc đàm phán dẫn đến ký kết nhiều thỏa thuận quốc tế lớn, chẳng hạn như Paris, Geneva, Viena, Stockholm…. Tương tự, Singapore và Hà Nội đã và đang đóng góp cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Mỹ. Yêu cầu hàng đầu đối với các nước hoặc địa điểm này, trước hết là có quan hệ tốt với cả hai bên, trung lập và không thiên vị, có ảnh hưởng nhất định đối với hai bên tranh chấp, đảm bảo các yêu cầu thiết yếu về an ninh, thông tin, giao thông và hậu cần cho cả hai bên. Một điểm lợi quan trọng là người ta không phải lo ngại các nước hoặc các địa điểm này can thiệp trực tiếp vào tiến trình đàm phán.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến Việt Nam ngày 26/2. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Gắn với cặp quan hệ Mỹ - Triều, thưa ông, vai trò trung gian, hòa giải của ngoại giao cần được phát huy như thế nào? Đặc biệt ở đây là vai trò của ngoại giao Việt Nam?
Vấn đề hạt nhân, tên lửa trên bán đảo Triều Tiên từ nhiều năm qua và đặc biệt là những năm gần đây đã đẩy quan hệ Mỹ - Triều Tiên căng thẳng đến tột độ, đặt bán đảo Triều Tiên trước nguy cơ mất ổn định, thậm chí không thể loại trừ nguy cơ xảy ra chiến tranh. Nhưng cũng chính vì lẽ đó, các bên và dư luận quốc tế đều thấy rõ yêu cầu cấp bách là phải làm dịu tình hình và đi vào giải quyết các vấn đề cốt lõi tạo nên lò lửa này.
Do vậy, có nhiều nhân tố đã đóng vai trò tích cực trong tiến trình hoà giải, trung gian này. Không có vai trò của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, thì tiến trình đối thoại, hoà giải trên bán đảo Triều Tiên khó đạt được kết quả như ngày nay. Singapore với quan hệ chặt chẽ lâu đời với Mỹ, có quan hệ tốt với Triều Tiên lại là một trung tâm kinh tế, dịch vụ và giao tiếp quốc tế lớn ở Đông Nam Á, đã hoàn thành xuất sắc vai trò trung gian, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về hậu cần, an ninh cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất.
Hà Nội được chọn là địa điểm cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 do cũng có điều kiện tương tự Singapore nhưng đồng thời cũng có những điểm đặc biệt hơn. Bản thân tôi thấy rằng: So với Singapore, Việt Nam có quan hệ truyền thống thân thiết và lâu đời hơn với Triều Tiên. Việt Nam chưa bao giờ quên bạn cũ, chúng ta ghi nhớ sự giúp đỡ chí tình của Triều Tiên trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước trước đây, chúng ta luôn hỗ trợ bạn trong những lúc khó khăn nhất. Không nhiều nước trên thế giới có thể chung thuỷ với bạn bè như vậy.
Một điểm khác nữa là quá trình phát triển rất đặc biệt của Việt Nam: từ một đất nước bị hai cuộc chiến tranh tàn phá nặng nề, trải qua thời kỳ bị bao vây, cấm vận và khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề sau chiến tranh, đã mạnh mẽ đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế thành công. Việt Nam đã tự tin vươn lên, trở thành bạn bè tin cậy và đối tác có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tôi cho rằng, có thể quá trình cải thiện quan hệ với các nước cựu thù và mô hình phát triển của Việt Nam làm cho cả Mỹ và Triều Tiên quan tâm, tham khảo trong quá trình bình thường hóa quan hệ Triều Tiên - Mỹ cũng như cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế và hội nhập quốc tế của Triều Tiên trong tương lai.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, kinh nghiệm hay mô hình nào thì cũng mang tính tham khảo. Mỗi nước đều muốn duy trì độc lập, tự chủ, tự lựa chọn con đường phát triển của mình. Việt Nam ta mong muốn học hỏi và tiếp thu có chọn lọc từ nhiều nước, Triều Tiên cũng vậy. Dân tộc Triều Tiên cả hai miền Bắc và Nam là một dân tộc có truyền thống độc lập, tự chủ từ lâu đời, rất tự hào về bản sắc và những thành tựu của mình.
Cũng như Singapore, để được lựa chọn làm địa điểm cho sự kiện có tầm quan trọng lịch sử này, quan trọng nhất Việt Nam phải được các bên tin cậy. Tôi muốn trích nguyên văn nhận định của Bộ trưởng Ngoại giao Nga S. Lavrov vừa qua: “Việt Nam được lựa chọn để tổ chức cuộc gặp này vì Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại rất có trách nhiệm, là đất nước cởi mở cho sự hợp tác với tất cả các bên, Việt Nam không bao giờ quên bạn bè và cũng không muốn đối đầu với bất kỳ nước nào. Nhiều nước thấy rõ ở Việt Nam bầu không khí thích hợp cả cho các cuộc đàm phán chính trị cũng như chỉ đơn giản là thăm thủ đô mến khách của Việt Nam. Chẳng hạn, tôi bao giờ cũng thấy rất thoải mái khi đến Hà Nội”. Đó là những đánh giá rất khách quan đối với đất nước, con người Việt Nam cũng như đối với chính sách đối ngoại và nền ngoại giao Việt Nam.
Cánh cửa đối thoại mở ra khó lòng có thể khép lại
Cả thế giới đang hướng về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên diễn ra tại Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của cuộc gặp thượng đỉnh lần này?
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất diễn ra tại Singapore đã đánh dấu kết thúc thời kỳ đối đầu căng thẳng và mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước cũng như tình hình bán đảo Triều Tiên với những điểm mang tính nguyên tắc.
Từ đó đến nay, tiến trình đối thoại giữa hai bên Triều - Mỹ cũng như tiến trình hoà bình trên bán đảo Triều Tiên tuy còn gặp nhiều khó khăn, có thể chưa tiến triển nhanh như chúng ta mong muốn, nhưng rõ ràng là có những bước tiến triển quan trọng. Lợi ích của hai bên Triều - Mỹ có thể còn nhiều khác biệt, nhưng trong ngoại giao, điều quan trọng là tìm được mẫu số chung về lợi ích. Một trong những mẫu số chung đó là cả hai bên Triều - Mỹ đều thực sự có nhu cầu tạo chuyển biến thực chất. Nếu không, họ đã không tiến hành đàm phán với nhau ở cấp cao nhất.
Từ thực tế đó, có thể thấy rõ chắc chắn sẽ có tiến triển tốt trong cuộc họp thượng đỉnh Hà Nội, với những kết quả cụ thể hơn. Chẳng hạn, Triều Tiên sẽ có bước tiến mới trong việc giải trừ hạt nhân, còn Mỹ có thể công bố một số biện pháp nới lỏng trừng phạt Triều Tiên. Mặc dù chưa thể tiến ngay đến Hiệp ước hòa bình vì còn liên quan đến nhiều bên khác, nhưng có thể có tuyên bố khẳng định chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai nước. Chắc chắn, hai bên sẽ khẳng định tiếp tục các cuộc họp thượng đỉnh trong tương lai. Tiến trình này có thể còn rất nhiều khó khăn, trở ngại và còn kéo dài. Nhưng cánh cửa đối thoại đã mở ra sẽ khó lòng có thể khép lại.
Hà Nội tích cực chuẩn bị cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nếu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội thành công trong việc mở ra một lộ trình tiến tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, liệu chúng ta có thể kỳ vọng vào một “Tiến trình hòa bình mang tên Hà Nội”, trong đó các nhà đàm phán Mỹ -Triều có thể gặp nhau những lần tiếp nữa tại Hà Nội, thưa ông?
Việc Triều Tiên và Mỹ lựa chọn Hà Nội là địa điểm đến cho hội nghị Thượng đỉnh lần hai trước hết thể hiện sự tin cậy của hai nước đối với Việt Nam và cũng chứng minh uy tín và vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.
Như lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chỉ ra, các nước lựa chọn Việt Nam vì chúng ta có những chính sách đóng góp cho hoà bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới. Cái lợi đối với uy tín và vị thế của đất nước là lớn nhất.
Cái lợi thứ hai đem lại cho Việt Nam là với khoảng 3.000 phóng viên nước ngoài đến Hà Nội, với mọi luồng thông tin, truyền thông sẽ xoay quanh sự kiện thượng đỉnh, Việt Nam thực sự là tâm điểm quan trọng nhất của thế giới trong những ngày này. Thế giới sẽ biết đến Việt Nam và Thủ đô Hà Nội thanh bình với những nét văn hóa cổ kính đan xen với sự phát triển hiện đại, hình ảnh về những người dân hiền hòa, cởi mở, mến khách… chắc chắn sẽ làm cho Việt Nam nổi tiếng hơn, thu hút nhiều du khách hơn.
Điểm thứ ba là về công tác tổ chức. Nhiều nước có thể tổ chức những hội nghị hay sự kiện quốc tế lớn, nhưng người ta thấy ở Việt Nam quyết tâm và năng lực tổ chức cao, mặc dù chưa phải là một nước phát triển. Chỉ trong vòng 10 ngày mà hàng nghìn đầu việc lớn đã được thực hiện. Đó là sự thần kỳ. Điều đó cũng nói lên một khi Việt Nam đã quyết tâm thì chúng ta có thể làm được.
Tới đây, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng Hà Nội không chỉ nổi danh xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” mà còn là địa danh “kiến tạo hòa bình”. Không chỉ Hà Nội và các địa danh khác trên khắp cả nước cũng có thể đóng vai trò này, đưa Việt Nam trở thành một địa chỉ đáng tin cậy ở khu vực cho du lịch, tổ chức các sự kiện lớn, đồng thời cũng là nơi những nỗ lực hoà giải có thể diễn ra.
Tại sao chúng ta không có thể nghĩ đến các thành phố Việt Nam như những Paris, Geneva, Viena, Stockholm tại châu Á?
Điều tôi muốn nói thêm là sự kiện thượng đỉnh Triều - Mỹ lần này cũng đem lại cho chúng ta những bài học. Chúng ta phải nỗ lực rất cao mới đem lại kết quả. Tôi rất tâm đắc với những chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong những ngày qua đối với công tác tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh này. Không chỉ chuẩn bị tốt về nội dung, ngoại giao, lễ tân, mà chúng ta phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, giữ gìn bộ mặt đô thị trật tự, an toàn, khang trang, sạch đẹp, nâng cao ý thức văn minh, lịch sự, hiếu khách, nâng cao chất lượng du lịch. Đây là những cơ hội lớn không thể bỏ lỡ, đồng thời có thể là cú hích thúc đẩy chúng ta chuyển mình. Nên cố gắng làm sao để sự chuyển mình này trở thành thường xuyên.
Tôi tin rằng, với uy tín quốc tế cao kinh nghiệm phong phú tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lớn và đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó có lãnh đạo những nước có vị trí hàng đầu thế giới, đạt sự đông thuận và hiệu quả chính trị cao, đảm bảo an toàn tuyệt đối, thành công của cuộc họp thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ lần này sẽ đưa Hà Nội và Việt Nam trở thành một trong những địa điểm ưu tiên không chỉ cho tiến trình hòa bình và phát triển cho bán đảo Triều Tiên, mà cho cả việc giải quyết nhiều vấn đề phức tạp khác của khu vực và trên thế giới.
Xin cảm ơn ông!