📞

‘Nhà báo Việt Minh’ ở Geneva

Yên Khê 14:00 | 30/06/2024
Trong thời gian diễn ra Hội nghị Geneva 1954 tại Thụy Sỹ, có hai “quan sát viên của Việt Minh” tác nghiệp đầy nhiệt huyết giữa Trung tâm báo chí - “ngân hàng thông tin” của Hội nghị.
Thành viên Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Geneva chụp ảnh chung tại trụ sở Phái đoàn ở Villa Cadre. (Ảnh tư liệu)

Tháng 4/1954, Phái đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đến Bắc Kinh để chuẩn bị, sẵn sàng đi Geneva khi có lời mời tham dự chính thức. Lúc này, việc cần làm là cử người đi tiền trạm để thu xếp cụ thể và nắm tình hình, tạo điều kiện cho Phái đoàn có thể làm việc ngay khi đến Geneva.

Những người tiền trạm

Nhà báo Ngô Điền - khi đó là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam và nhà báo Nguyễn Văn Đặng, đặc phái viên báo Nhân Dân nhận nhiệm vụ lên đường tới Thụy Sỹ khi Hội nghị Geneva về Triều Tiên sắp khai mạc.

Hai nhà báo đến Prague, thủ đô của Tiệp Khắc và được hai sinh viên Việt Nam tại đây thu xếp để đi tiếp đến Geneva. Thế nhưng, máy bay từ Prague cất cánh muộn nên đến Zurich thì chuyến bay đi Geneva đã khởi hành. Cả hai phải nghỉ tạm tại Zurich để đón chuyến bay vào sáng sớm hôm sau.

Sáng 26/4/1954, hai nhà báo Việt Nam đến Geneva. Sân bay vắng vẻ, không có ai ra đón. Sẵn có số điện thoại của đoàn nhà báo Trung Quốc, ông Ngô Điền liền gọi điện báo và chỉ chừng nửa giờ sau, bạn đã có mặt, đưa hai ông về khách sạn Angleterre - “Khách sạn Anh” ở bờ Nam hồ Léman. Nghỉ ngơi và ăn sáng xong, hai ông đi bộ đến Trung tâm báo chí của Hội nghị để làm thủ tục lấy thẻ tác nghiệp. Mấy nhân viên người Thụy Sỹ nhận giấy tờ, xem xét chăm chú, thì thầm trao đổi rồi bảo: “Mời các ông đi chơi một lát, khi quay về sẽ có thẻ”.

Gần một giờ sau, khi quay lại Trung tâm báo chí, hai ông thấy xung quanh bàn thủ tục có rất nhiều nhà báo, chụp ảnh, quay phim... Thì ra các nhân viên Thụy Sỹ đã cố tình đề nghị hai nhà báo Việt Nam “đi dạo” để có thời gian thông báo cho giới truyền thông.

Hai nhà báo Việt Nam tỏ ra phớt tỉnh, làm thủ tục bình thường, nhận lấy hai tấm thẻ nhà báo trong lúc các đồng nghiệp tới tấp chụp ảnh và phỏng vấn. Ông Ngô Điền trả lời: “Chúng tôi là nhà báo, như các bạn thôi. Có gì chúng ta trao đổi chứ phỏng vấn thì không thích hợp”.

Thủ tục xong xuôi, hai ông trở về khách sạn định nằm nghỉ một lát thì có chuông điện thoại. Đó là phóng viên báo Paris Match. Anh ta mời hai nhà báo xuống chụp ảnh với lý do lúc trước đã chụp nhiều nhưng lộn xộn quá, nay chỉ muốn chụp một số ảnh đẹp cho báo kỳ tới. Yêu cầu của Paris Match được chấp thuận.

Chiều hôm đó và mấy ngày sau, hình ảnh hai nhà báo của Việt Nam được đăng lên trang đầu các báo và tạp chí với tiêu đề rất giật gân: “Quan sát viên Việt Minh đến Geneva!”, “Việt Minh đầu tiên trên đất Thụy Sỹ”... Có tờ báo còn đi xa hơn, miêu tả cả ngôi nhà của “quan sát viên Việt Minh” ở ngoại ô Geneva với “cổng sắt rỉ kêu cót két mỗi khi có chiếc xe cửa kín đi vào, cửa sổ đều che rèm đỏ. Chủ nhà người thấp bé, da tái xanh vì bị bệnh sốt rét…”. Những chi tiết thú vị trên chắc hấp dẫn sự tò mò của người đọc phương Tây trong lúc mà tin chiến cuộc ở Điện Biên Phủ đang chiếm trang đầu của hầu hết các báo Thụy Sỹ, Pháp, Đức, Mỹ...

Tâm điểm chú ý

Mấy ngày đầu, trên danh nghĩa nhà báo theo dõi Hội nghị Geneva về Triều Tiên, hằng ngày, ông Ngô Điền và ông Nguyễn Văn Đặng đến Trung tâm báo chí - nơi tụ họp khoảng 2.000 nhà báo các nước, đông nhất là báo phương Tây, đặc biệt là Pháp. Những ngày này, vấn đề Triều Tiên bế tắc và sắp kết thúc, nhưng các nhà báo vẫn tụ tập đông nghẹt vì Hội nghị quốc tế về Đông Dương sắp khai mạc...

Qua mối quan hệ với các đồng nghiệp, hai nhà báo Ngô Điền và Nguyễn Văn Đặng đã nhờ thu xếp được nơi ăn chốn ở cho Phái đoàn Việt Nam, một khu nhà nhỏ nằm trên ngọn đồi ở bờ Bắc hồ Léman. Hằng ngày, hai ông đến Trung tâm báo chí, làm công việc của phóng viên săn tin, viết bài nhưng chủ yếu là để thông báo cho các đồng nghiệp tại đây những thông tin cần thiết về tình hình ở Việt Nam mà cái “đỉnh” hấp dẫn chính là chiến sự ở Điện Biên Phủ. Trọng tâm quan hệ của hai ông là với các nhà báo Pháp. Ngoài các phóng viên báo L'Humanité (Nhân đạo) – Pierre Hentgès, Pierre Courtade, Madeleine Riffaud..., hai ông còn có quan hệ khá tốt với phóng viên các báo khác.

Nhà báo Ngô Điền trao đổi với một đồng nghiệp Pháp. (Ảnh tư liệu)

Sau này, khi đoàn Việt Nam do Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng dẫn đầu đến Geneva, bên cạnh năm gương mặt chủ chốt tham gia đàm phán, có thêm năm người khác thuộc tổ tuyên truyền báo chí, được dẫn dắt bởi nhà báo Nguyễn Thành Lê. Trong tổ truyên truyền, có một phóng viên ảnh duy nhất là Vũ Năng An. Những bức ảnh đen trắng với các khuôn hình, góc bấm đẹp của Vũ Năng An đã khắc họa rõ nét hoạt động sôi nổi nhưng không kém phần căng thẳng, quyết liệt trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị.

Trước những diễn biến mới ở Điện Biên Phủ, đoàn Việt Nam có chủ trương tổ chức gặp mặt nhà báo Pháp để giải thích cho họ hiểu chính sách của Việt Nam đối với tù binh và thương binh. Ông Ngô Điền có nhiệm vụ liên hệ mời các nhà báo dự cuộc gặp mặt và họ đều vui vẻ nhận lời.

Sáng 7/5/1954, báo chí phương Tây liên tục giật những dòng tít lớn về tình hình nguy ngập của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đến khoảng 1-2h chiều ngày 7/5 (tức 7-8h tối ở Việt Nam), một bầu không khí khác thường bao trùm các phòng họp ở Trung tâm báo chí. Các nhà báo nhốn nháo chạy về các buồng làm việc, thì thầm trao đổi với vẻ nghiêm trọng. Ông Ngô Điền đoán có tin mới quan trọng về chiến sự ở Việt Nam, đặc biệt là về Điện Biên Phủ nhưng không tiện hỏi công khai nên tìm đến phòng làm việc của báo L'Humanité. Vừa bước vào, phóng viên Pierre Courtade đã tiến tới ôm chầm, hôn hai má ông và nói: “Chúc mừng, chúc mừng bạn. Các bạn đã thắng ở Điện Biên Phủ rồi. Lúc nãy thấy bạn ngoài hành lang nhưng không tiện hôn bạn trước mặt bọn họ”.

Các đồng nghiệp khác của Pierre chen nhau đến ôm hôn nồng nhiệt và cho ông xem những mẩu tin nhanh về Điện Biên Phủ. Ông Điền điện thoại về Phái đoàn, anh em cho biết mới được tin qua các đài, nhưng chưa có tin chính thức của Chính phủ Việt Nam.

Liền sau đó, đại diện các nhà báo Pháp thông báo không thể dự cuộc họp mặt với người phát ngôn Phái đoàn Việt Nam như đã nhận lời. Ông Ngô Điền trả lời: “Chúng tôi thông cảm và hẹn thu xếp một cuộc gặp khác. Lúc này, tại trụ sở Phái đoàn, báo chí đã tới vây quanh đông nghẹt”.

Đoàn Việt Nam tỏ thái độ lịch sự nhưng không có tuyên bố gì. Đến tối, khi nhận được tin chính thức, đoàn Việt Nam và các đại biểu Lào Issara, Khmer Issarak tổ chức bữa tiệc nhỏ ăn mừng chiến thắng. Báo chí hôm sau đưa tin: “Tại trụ sở của Phái đoàn Việt Minh, cửa vẫn đóng im ỉm, bên trong nghe thấy tiếng chạm cốc và vỗ tay”. Chiều 8/5/1954, Hội nghị quốc tế về Đông Dương khai mạc. Ngoại trường Pháp Georges Bidault dẫn đầu đoàn Pháp, mặc comple đen, thắt cà vạt đen, đến dự trong tư thế ủ rũ.

Họp báo đầu tiên

Sau phiên khai mạc Hội nghị Geneva về Đông Dương, ngày 11/5/1954, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ động tổ chức họp báo. Cuộc họp báo đầu tiên này nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới báo chí quốc tế.

Phóng viên Michel Gordey trên tờ France Soir (Nước Pháp Buổi chiều) trong bài báo ngày 12/5 tường thuật về cuộc họp theo cách của báo chí phương Tây lúc đó: “17h30. Lần đầu tiên Việt Minh gặp gỡ báo chí. Trong một phòng xem phim tại tầng hầm của Cung các dân tộc, 200 nhà báo chen nhau ngồi chật kín. Ba người đàn ông nhỏ bé đến đúng giờ, mỉm cười một cách khiêm tốn. Đèn chụp ảnh liên tục lóe sáng khắp phòng. Một người tự giới thiệu là người phát ngôn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nói tiếng An Nam. Người ngồi bên dịch từng câu sang tiếng Pháp. Người nhỏ bé thứ ba không nói gì suốt cuộc họp. Trong suốt 45 phút, người phát ngôn và người phiên dịch nói rất nhanh (quá nhanh đối với các nhà báo) về những điều cần trình bày: “Việt Nam sẵn sàng cho phép chuyển thương binh ra khỏi Điện Biên...”. Những tiếng thì thầm giữa các nhà báo. Nhiều phóng viên chạy vội ra chỗ điện thoại gọi về tòa soạn.

Người đàn ông nhỏ bé vẫn tiếp tục bằng giọng cứng rắn: “Trưởng đoàn Pháp Bidault giới thiệu kế hoạch của mình cứ như là người chiến thắng ở Đông Dương”. Sau đó ông ta đọc “kế hoạch hòa bình” của Việt Minh. Tiếng thì thầm giữa các nhà báo ngày càng to hơn. Cuộc họp kết thúc lúc 18h15”.

Gần ba tháng tại Geneva, hai “nhà báo Việt Minh” liên hệ, trao đổi thông tin với các đồng nghiệp, đặc biệt là với các nhà báo Pháp tiến bộ. Họ tìm mọi cách nắm những tin tức cần thiết cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam và cả những tin tích cực cho cuộc đấu tranh quân sự và chính trị ở trong nước.

Ngoài tiếp xúc với đồng nghiệp tại Trung tâm báo chí, hai nhà báo tham gia hỗ trợ bộ phận tiếp khách của Phái đoàn. Qua thông tin có được trong quá trình tiếp các đoàn khách Pháp và quốc tế, hai ông biết mối liên hệ của họ với chính giới, đảng phái ở Pháp, nắm rõ yêu cầu cụ thể của họ để kịp thời thông báo cho Phái đoàn phối hợp đấu tranh nhịp nhàng, hiệu quả với các đoàn nhân dân Pháp đến Geneva nói riêng và dư luận toàn nước Pháp nói chung, tạo phong trào phản đối cuộc “chiến tranh bẩn thỉu”.