📞

Những bài học đắt giá từ tính toán sai lầm

11:15 | 15/09/2016
Những câu chuyện tiếp sau về vụ khủng bố 11/9, báo chí đã nói nhiều. Tuy nhiên, hệ quả, cái giá phải trả vì các tính toán và sai lầm chiến lược của Mỹ từ vụ khủng bố này thì lại ít được đề cập đến.

Hoàn toàn không quá lời khi so sánh vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ với sự kiện Phát xít Đức tấn công Liên Xô ngày 22/6/1941, chính thức khởi đầu Chiến tranh Thế giới thứ Hai và đưa đến sự hình thành của thế giới hậu chiến mà đến nay vẫn chưa xử lý hết hậu quả. Hay có thể ví sự kiện như sự sụp đổ của Bức tường Berlin ngày 9/11/1989 dẫn đến sự sụp đổ của phe XHCN và Liên Xô sau đó.

Cuộc tấn công “vô tiền khoáng hậu”

Sau 15 năm nhìn lại, mới thấy những hệ quả sâu rộng của vụ tấn công đối với nước Mỹ, đặc biệt là những thay đổi toàn diện của nước này về nội trị, các chính sách liên quan đến quan hệ đối ngoại, so sánh bàn cờ địa chính trị ở châu Âu cũng như quan hệ giữa các nước lớn.

9h sáng thứ Ba 11/9/2001, các kênh truyền hình bỗng nhiên ngừng phát sóng và quay cảnh một trong hai tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) bốc cháy. Lúc đó, đa số người xem truyền hình chỉ nghĩ đó là một vụ cháy bình thường. Theo dõi kỹ hơn, họ mới biết tòa nhà bị bốc cháy là do máy bay đâm. Tuy nhiên, mọi người cũng cho đó là tai nạn máy bay do vô tình.

Một cậu bé đi qua khu vực cắm gần 3.000 lá cờ ở công viên Winnetka, bang Illinois, ngày 11/9/2016. (Nguồn: Reuters).

Tiếp đó là những hình ảnh chiếc máy thứ hai đâm thẳng vào tòa tháp còn lại. Rồi tin tức dồn dập về vụ một máy bay rơi tại Pennsylvania, một máy bay tấn công Lầu Năm Góc. Lúc này, người Mỹ mới bắt đầu biết mình bị tấn công. Nhưng vụ tấn công này là “vô tiền khoáng hậu” nên cả chính quyền lẫn người dân đều lúng túng đối phó. Truyền hình còn kịp đưa tin Tổng thống Mỹ, khi đó đang đến thăm một  trường tiểu học ở Florida, đã ngồi "bất động", không biết xử lí ra sao trước tin nước Mỹ bị tấn công!

Những câu chuyện tiếp sau về vụ khủng bố 11/9, báo chí đã nói nhiều. Tuy nhiên, hệ quả, cái giá phải trả vì các tính toán và sai lầm chiến lược của Mỹ từ vụ khủng bố này thì lại ít được đề cập đến.

Mở chiếc hộp Pandora

Mỹ lầm tưởng can thiệp trực tiếp bằng quân sự có thể nhanh chóng tiêu diệt được khủng bố. Nhưng Mỹ đã sai lầm. Khủng bố không những không bị diệt tận gốc mà càng lan rộng ra khắp các khu vực trên thế giới.

Khi can thiệp vào Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003, Mỹ mới chỉ có chiến lược quân sự thay đổi chính quyền, chứ chưa hề có kế hoạch xây dựng đất nước ở các nước này cũng như đối phó với các cuộc tấn công khủng bố quy mô nhỏ. Kết cục, số lính Mỹ thiệt mạng và bị thương khi tham chiến và lật đổ chính quyền Hussein hay Taliban chỉ vài trăm người trong vài tháng, nhưng hàng chục ngàn người lại chịu thương vong trong hơn 10 năm sau đó, và bây giờ vẫn chưa rút ra được cũng như chưa thể đem lại hòa bình cho hai nước và khu vực xung quanh.

Tính tổng thể, cuộc chiến chống khủng bố đã ngốn của Mỹ trực tiếp và gián tiếp tổng số tiền khoảng 4.000 tỷ USD, tương đương tổng GDP của Đức và khoảng 1/4 GDP của Mỹ. Tất nhiên, đó là tổng số chi phí quân sự trực tiếp trong hơn 10 năm, và các phí tổn chi cho bảo dưỡng khí tài, chi phí cho tử sĩ và thương binh khoảng vài chục năm kế tiếp.

Gánh nặng tài chính quá lớn cũng là một trong những nguyên nhân đẩy nước Mỹ đến chỗ vay nợ quá đà (hiện là 21.000 tỷ USD) và hạn chế nguồn lực cho việc cải thiện hạ tầng phát triển, cung cấp bảo hiểm y tế và phúc lợi cho người dân, khiến nhiều vấn đề xã hội thêm trầm trọng. Ở góc độ nào đó là kéo dài việc khắc phục hậu khủng hoảng 2007-2008, đưa đến "Phong trào chiếm phố Wall", phân cách giàu nghèo trầm trọng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, sự xuất hiện của "hiện tượng" Trump...

Sự can thiệp của Mỹ tại Trung Đông không làm cho tình hình ổn định hơn, mà giống như việc mở “chiếc hộp Pandora”, phá vỡ sự cân bằng quyền lực mong manh khiến tình hình khu vực này vốn đã bất ổn lại càng bất ổn và mất an ninh hơn bao giờ hết trong suốt chiều dài lịch sử của khu vực này, thể hiện qua các sự kiện như phong trào "Mùa xuân Arab", nội chiến tại Syria, sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Và quan trọng nhất, nhưng cũng đầy nghịch lý là tuy tình hình Trung Đông rối ren nhưng sức mạnh của hầu hết các kẻ thù tiềm tàng và trực tiếp của Israel như Syria, Hamas, lại suy yếu hơn bao giờ hết. Việc thế giới Arab bị chia năm xẻ bảy bởi các mâu thuẫn và cuộc chiến sắc tộc, tôn giáo đã giúp an ninh của Nhà nước Do Thái, kẻ thù truyền kiếp của thế giới Arab, được đảm bảo...

Có vẻ như nghịch lý, nhưng sự thật là sau vụ 11/9, nhờ hàng loạt biện pháp thắt chặt an ninh chưa từng có mà nước Mỹ có vẻ tương đối an toàn hơn trước các nguy cơ tấn công khủng bố. Bằng chứng là sau vụ 11/9, về cơ bản Mỹ chịu rất ít các cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng. Mặc dù vậy, các nước đồng minh châu Âu, khu vực Bắc Phi, Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á... lại đứng trước mối đe dọa tấn công khủng bố lớn hơn bao giờ hết. Làn sóng tị nạn gây bất ổn toàn châu Âu, rồi “Brexit”... cũng từ đây mà ra.

Sai lầm chiến lược của Mỹ

Nguy hại nhất với Mỹ là việc tính toán chiến lược và chi phối nguồn lực sai lầm. Khủng bố dù sao cũng chỉ là một trong rất nhiều nguy cơ an ninh mà Mỹ phải đương đầu, và không nhất thiết phải sắm “dao mổ trâu để giết ruồi”.

Với nguy cơ khủng bố, sau khi tấn công Taliban, không nhất thiết phải lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein, mà hoàn toàn có thể triển khai quân quy mô nhỏ, kết hợp sử dụng các công cụ tài chính và các lực lượng bảo vệ luật pháp, hợp tác quốc tế... để chống khủng bố hiệu quả với chi phí thấp.

Thật ra sau vụ 11/9, cả nước Mỹ như bị "lên đồng", các chiến lược gia, chính trị gia, báo giới... mở miệng ra là nói đến chống khủng bố, thậm chí Tổng thống Bush còn nói nước Mỹ xác định bạn - thù qua thái độ đối với cuộc chiến chống khủng bố qua tuyên bố: "Hoặc đứng về phía chúng tôi (Mỹ), hoặc đứng về phe những kẻ khủng bố”.

Ngày 11/9 vừa qua, Mỹ tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố đẫm máu cách đây 15 năm. Tại thủ đô Washington, Tổng thống Barack Obama cùng gia đình và các quan chức đã tham dự lễ tưởng niệm tại Nhà Trắng và Lầu Năm Góc - vốn là một trong những mục tiêu bị tấn công vào ngày 11/9/2001.

Bên cạnh việc khẳng định nước Mỹ sẽ không bao giờ khuất phục trước chủ nghĩa khủng bố, ông Obama phát biểu tại Lầu Năm Góc rằng: “Sự đa dạng của chúng ta không phải là một điểm yếu mà đó sẽ luôn là một trong những sức mạnh lớn nhất của chúng ta. Đây là nước Mỹ bị tấn công vào buổi sáng tháng 9 năm đó. Đây là nước Mỹ mà chúng ta phải luôn trung thành”.

Tại New York, người thân các nạn nhân trong vụ khủng bố đã tập trung tại “Khu vực số 0” (Ground Zero), nay là Bảo tàng tưởng niệm các nạn nhân vụ 11/9 và khu Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) mới, để tưởng nhớ những người đã khuất. Cả hai ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và bà Hillary Clinton cũng tham gia sự kiện này.

Việc tập trung nguồn lực "lệch pha" đã làm Mỹ không nhìn thấy thách thức và nguy cơ từ Trung Quốc đối với vị thế siêu cường toàn cầu của mình. Giai đoạn 2001-2011, khi Mỹ "say sưa" với cuộc chiến chống khủng bố, rồi lao đao trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 thì cũng là thời kỳ Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ nhất trong lịch sử của mình. Thời kỳ này cũng tạo đà để Trung Quốc thu hẹp nhanh nhất sức mạnh tổng hợp so với Mỹ và bắt đầu thể hiện vị thế mới, thách thức Mỹ về nhiều mặt, đặc biệt từ khi có lãnh đạo mới từ 2012.

Khi nước Mỹ nhận ra điều này, họ mới bắt đầu sốt sắng "xoay trục", "tái cân bằng"... nhưng có vẻ như đã quá ít và quá trễ để đối phó với sự quyết đoán và trỗi dậy của Trung Quốc hiện nay.

Nhìn lại lịch sử cận đại, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ mắc sai lầm chiến lược. Giai đoạn 1965-1973, Mỹ cũng từng dồn nguồn lực sai chỗ vào cuộc Chiến tranh Việt Nam, đến khi rút khỏi Việt Nam vào năm 1973 đã quá muộn. Lúc này, Liên Xô tuy tiềm lực kinh tế yếu hơn nhưng do tận dụng được thời cơ xây dựng bộ ba vũ khí chiến lược, giành được thế cân bằng chiến lược với Mỹ.

Cân bằng chiến lược quân sự vẫn là một trong những câu chuyện chiến lược mà Mỹ phải xử lí trong quan hệ với Nga, kể cả sau khi Liên Xô sụp đổ.

Như vậy, sự suy yếu tương đối về sức mạnh toàn diện của Mỹ trong so sánh lực lượng Mỹ-Trung ở phạm vi khu vực và thế giới đã và sẽ là câu chuyện của hàng thập kỷ chứ không phải câu chuyện ngày một, ngày hai.

Ngày 11/9 vừa qua, Mỹ tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố đẫm máu cách đây 15 năm.

Tại thủ đô Washington, Tổng thống Barack Obama cùng gia đình và các quan chức đã tham dự lễ tưởng niệm tại Nhà Trắng và Lầu Năm Góc - vốn là một trong những mục tiêu bị tấn công vào ngày 11/9/2001.

Bên cạnh việc khẳng định nước Mỹ sẽ không bao giờ khuất phục trước chủ nghĩa khủng bố, ông Obama phát biểu tại Lầu Năm Góc rằng: “Sự đa dạng của chúng ta không phải là một điểm yếu mà đó sẽ luôn là một trong những sức mạnh lớn nhất của chúng ta. Đây là nước Mỹ bị tấn công vào buổi sáng tháng 9 năm đó. Đây là nước Mỹ mà chúng ta phải luôn trung thành”.

Tại New York, người thân các nạn nhân trong vụ khủng bố đã tập trung tại “Khu vực số 0” (Ground Zero), nay là Bảo tàng tưởng niệm các nạn nhân vụ 11/9 và khu Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) mới, để tưởng nhớ những người đã khuất. Cả hai ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và bà Hillary Clinton cũng tham gia sự kiện này.