Nhiều khả năng Tổng thống Putin sẽ tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 18/3. |
Bầu cử Tổng thống Nga
Cuộc bầu cử Tổng thống Nga đã được ấn định vào ngày 18/3 năm nay. Theo đó, giới quan sát tin chắc rằng ông Vladimir Putin sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư của mình. Ông làm Tổng thống hai nhiệm kỳ bốn năm từ năm 2000-2008, và sau đó có nhiệm kỳ thứ ba 6 năm vào 2012. Theo Russia Today, trong số 30 ứng viên tuyên bố tham gia tranh cử, tỷ lệ ủng hộ ông Putin luôn giữ ở mức ổn định, khoảng 80%, trong khi các đối thủ đối lập còn lại hiện có tỷ lệ chưa vượt quá mốc 10%. Do vậy, giới quan sát cho rằng, khả năng đương kim Tổng thống Nga chiến thắng là lẽ tất nhiên. Ông Putin được cho là người lãnh đạo nước Nga vượt qua những thách thức về kinh tế, cấm vận và ổn định chính trị. Ông cũng đồng thời giúp Nga thể hiện vị thế nước lớn trên trường quốc tế khi tiếp nhận bán đảo Crimea dựa trên tiến trình trưng cầu dân ý dân chủ hay hỗ trợ Syria dập tắt chủ nghĩa khủng bố hoành hành. Nhờ đó, ảnh hưởng của Nga tăng mạnh, khiến nhiều quốc gia trong khu vực, vốn là đồng minh thân cận của Mỹ, như Saudi Arabia, Ai Cập... đã thay đổi chính sách theo hướng tăng cường quan hệ chặt chẽ với Nga.
Bầu cử Quốc hội Cuba
Trong phiên họp toàn thể ngày 21/12/2017, Quốc hội Cuba đã quyết định kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội khóa VIII tới ngày 19/4/2018. Do đó, theo quy định của luật pháp Cuba, ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhà nước khóa mới cũng được chuyển sang ngày 19/4. Chủ tịch Cuba Raul Castro sẽ từ nhiệm vào tháng 4/2018, sau khi diễn ra cuộc bầu cử nhằm chọn ra người kế nhiệm ông. Đây là cuộc bầu cử quan trọng tại Mỹ Latinh bởi nó đánh dấu sự chuyển giao cho một thế hệ lãnh đạo mới trong Chính phủ Cuba. Đặc biệt, cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ có xu hướng quay trở lại chính sách cô lập Cuba và thay đổi nhiều kết quả tích cực của tiến trình bình thường hóa quan hệ Cuba - Mỹ đạt được dưới thời cựu Tổng thống Obama. Theo đó, người kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro sẽ phải gánh vác những trọng trách lớn như bảo vệ thành quả cách mạng Cuba, giữ vững mức tăng trưởng kinh tế mà Cuba đã đạt được năm 2017. Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean của Liên hợp quốc (CEPAL) cũng dự đoán, Cuba sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) với tốc độ khoảng 1% trong năm 2018.
Những cuộc bầu cử đáng chú ý năm 2018. |
Tổng tuyển cử ở Italy
Cuộc tổng tuyển cử ở Italy năm nay sẽ diễn ra không muộn hơn ngày 20/5. Người Italy có vẻ "yêu" chính phủ mới, gần như mỗi năm có một chính phủ mới. Họ đã có 65 chính phủ kể từ khi Italy trở thành nước Cộng hòa vào năm 1945. Sau hai cuộc bầu cử lớn diễn ra tại Pháp và Đức hồi năm ngoái, cuộc bầu cử Italy diễn ra vào tháng 5 này dường như rất được giới quan sát trông đợi. Nhất là sau khi chính trị gia 31 tuổi Luigi Di Maio, một luật sư, nhà báo, người giữ chức Phó Chủ tịch Nghị viện Italy năm 26 tuổi, tuyên bố trở thành ứng cử viên của đảng Phong trào 5 sao (M5S). Các cuộc thăm dò cho thấy, ông Di Maio đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 28% và có tiềm năng trở thành Thủ tướng Italy. M5S là đảng hoạt động theo tôn chỉ “hoài nghi châu Âu”, không ủng hộ Liên minh châu Âu và đồng tiền chung Euro. Vì vậy, kết quả cuộc bầu cử Italy có ý nghĩa rất quan trọng với nền kinh tế khu vực và thị trường chứng khoán, cũng như chính sách nhập cư với người tị nạn mà quốc gia này đang ban hành. Các nhà phân tích nhận định, nếu Italy tổ chức trưng cầu dân ý rời khỏi EU sẽ gây hậu quả lớn hơn nhiều so với Brexit ở Anh. Nó có thể là khởi đầu cho “cái chết” của đồng tiền chung Euro vì Italy là nước sử dụng đồng Euro trong khi Anh thì không.
Tổng tuyển cử ở Campuchia
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ký Quyết định chọn ngày 29/7/2018 là ngày bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ 6 năm (2018 - 2023). Việc sớm ấn định ngày bầu cử là để cho các đảng phái chính trị có nhiều thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Đây là cuộc bầu cử rất quan trọng, vì đảng nào có số ghế trong Quốc hội nhiều hơn sẽ được cử đại diện của mình làm Thủ tướng, thành lập nội các và điều hành Chính phủ. Campuchia hiện có khoảng 60 đảng phái chính trị, tuy nhiên phần lớn các đảng đăng ký, nhưng không có điều kiện hoạt động. Chỉ có khoảng 10 đảng có điều kiện hoạt động, tham gia tranh cử tại các cuộc bầu cử, trong đó Thủ tướng Hun Sen được cho là sẽ tiếp tục nối dài thời gian cầm quyền cùng với đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông kể từ năm 1985 trong cuộc bầu cử năm nay. Đảng Cứu hộ Quốc gia Campuchia (CNRP), đảng đối lập lớn nhất của CPP, vừa bị cấm tham gia chính trị và yêu cầu giải thể sau khi lãnh đạo Kem Sokha bị cáo buộc tội phản quốc và bị bắt giữ. Mỹ và Liên minh châu Âu đã chỉ trích việc này, trong khi Trung Quốc ủng hộ. Tờ Council on foreign relations nhận định, nếu ai đó vẫn nghi ngờ Hun Sen muốn nắm giữ quyền lực, hãy cân nhắc điều này: "Chiến tranh sẽ xảy ra nếu CPP không kiểm soát được đất nước nữa" - ông Hun Sen từng cảnh báo như vậy trong mùa hè năm ngoái.
Tổng tuyển cử ở Libya
Theo Ủy ban Bầu cử Libya, các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội tại nước này sẽ được tổ chức trước ngày 30/9/2018. Cuộc bầu cử diễn ra khi Libya vẫn đang khủng hoảng và chia rẽ sau khi cựu lãnh đạo Gaddafi bị giết hại trong cuộc xung đột quân sự năm 2011. Quyền lực hiện bị phân tán sâu sắc. Ở thành phố Tobruk phía Đông Libya, quyền lực thuộc về Nghị viện do dân bầu, còn ở thủ đô Tripoli phía Tây Libya thuộc Chính phủ được hình thành nhờ sự ủng hộ của Liên hợp quốc và châu Âu. Trong khi đó, ở phía Bắc Libya lại có sự hiện diện của một số lượng lớn các bộ lạc không chịu phục tùng Chính phủ. Việc các phe phái nội bộ Libya thời gian qua đấu đá lẫn nhau đã mở cửa cho phong trào nổi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan phần lớn liên quan đến Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và khiến tình hình Libya rất phức tạp. Các nhà quan sát dự báo rằng, nhiều khả năng việc tổ chức cuộc bầu cử này cũng chưa thể giúp ổn định tình hình.
Bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ
Tổng thống Donald Trump. |
Các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ thường không mang lại kết quả tích cực cho đảng của Tổng thống đương nhiệm. Vào năm 2010, đảng Dân chủ của cựu Tổng thống Barack Obama đã mất 63 ghế trong Hạ viện. Trung bình trong 70 năm qua, mỗi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ thường khiến đảng của Tổng thống cầm quyền mất đi khoảng 25 ghế trong Hạ viện. Trong tình thế hiện tại, đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump cũng đang lâm vào thế khó khi tỷ lệ tín nhiệm của ông Trump ở mức khá thấp và nhiều đạo luật do đảng và ông Trump đề xuất chưa được thông qua. Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump ký thông qua cắt giảm 1.500 tỷ USD thuế đang được kỳ vọng giúp đảng Cộng hòa tăng phiếu ủng hộ trong kỳ bầu cử này. Trong khi đó, về phía đảng Dân chủ, nhiều nghị sĩ cho rằng cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton có thể sẵn sàng trở lại các cuộc vận động để giành thêm lá phiếu ủng hộ đảng Dân chủ mặc dù bà đã rút khỏi những sự kiện chính trị sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ còn 11 tháng nữa mới diễn ra và không ai có thể đoán trước kết quả. Nếu đảng Dân chủ giành được nhiều ghế hơn trong Hạ viện, tình hình chính trị tại Mỹ cũng như thế giới sẽ có những thay đổi nhất định.
- Bầu cử Tổng thống Nga (18/3/2018) - Bầu cử Quốc hội Cuba (4/2018) - Bầu cử Tổng thống Ai Cập (giữa 2/2018 và 5/2018) - Bầu cử Quốc hội Hungary (4/2018 hoặc 5/2018) - Bầu cử Quốc hội Iraq (12/5/2018) - Tổng tuyển cử ở Italy (5/2018) - Bầu cử Tổng thống Pakistan (5/6/2018) - Bầu cử Tổng thống Czech (6/2018) - Bầu cử Tổng thống Mexico (1/7/2018) - Tổng tuyển cử ở Campuchia (29/7/2018) - Tổng tuyển cử ở Libya (trước ngày 30/9/2018) - Tổng tuyển cử ở Brazil (7/10/2018 và 28/10/2018) - Tổng tuyển cử ở Thái Lan (11/2018) - Bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ (6/11/2018) |