Bầu cử giữa kỳ Mỹ (tên gọi đầy đủ là bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống) năm nay diễn ra vào ngày 8/11 - Ảnh minh họa. (Nguồn: Morgan Stanley) |
Ngày 8/11 theo giờ địa phương, hàng chục triệu cử tri Mỹ thực hiện quyền công dân của mình khi bỏ phiếu trong bầu cử giữa kỳ Mỹ. Có gì trong sự kiện đặc biệt này?
Bầu cử giữa kỳ là gì?
Cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra 2 năm sau bầu cử tổng thống, ngay giữa nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Mỹ. Năm nay, vào ngày 8/11 (theo giờ địa phương), tất cả 435 ghế trong Hạ viện Mỹ cũng như 35 ghế Thượng viện cũng được bầu lại.
Số lượng cử tri Mỹ đủ điều kiện thường bỏ phiếu ít hơn trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ so với các cuộc bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, theo Cục Điều tra dân số nước này, lần bầu cử giữa kỳ cuối cùng gần nhất vào năm 2018 có tỷ lệ cử tri đi bầu cao hơn bình thường, tăng đến 11% so với năm 2014.
Cơ quan trên cũng cho biết, 53% cử tri đủ điều kiện đã tham gia vào năm 2018. Đây là tỷ lệ cử tri đi bầu giữa kỳ cao nhất trong 4 thập niên qua. Tính đến trước ngày 8/11, đã có 42 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm.
Đồng thời, trong một vài năm qua, một số bang của Mỹ đã ban hành các hạn chế về bỏ phiếu, trong đó có việc hạn chế những lá phiếu gửi qua thư.
Tuy nhiên, trong bầu cử giữa nhiệm kỳ, một số nhà hoạt động vì công bằng xã hội đang nỗ lực thúc đẩy, giúp những tù nhân ở Mỹ có khả năng tiếp cận các tài liệu bầu cử cũng như bỏ phiếu.
Ý nghĩa đặc biệt
Cuộc bỏ phiếu giữa kỳ lần này diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với sự phân cực chính trị mạnh mẽ, với nhiều mối quan ngại về kinh tế, quyền nạo phá thai, kiểm soát súng đạn và tương lai của nền dân chủ.
Vì thế, theo ông Alan Abramowitz, Gáo sư khoa học chính trị tại Đại học Emory, mặc dù tên của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không có trên bất kỳ lá phiếu nào, nhưng “các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, phần nào đó là một cuộc trưng cầu dân ý về khả năng làm việc của tổng thống đương nhiệm”.
Đồng thời, kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể tới 2 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, bởi một đảng Cộng hòa lớn mạnh cũng có thể thay đổi, cản bước các chính sách của nhà lãnh đạo đảng Dân chủ này.
Cuộc bầu cử giữa kỳ lần này cũng tập trung phản ánh các ưu tiên của cử tri trong đối nội hơn là đối ngoại. Trước ngày bỏ phiếu, nhiều ứng cử viên đảng Cộng hòa đã tập trung vào kinh tế, đặc biệt khi người Mỹ gặp khó khăn trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao.
Về phần mình, đảng Dân chủ hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ trong việc bảo vệ quyền sinh sản và các thể chế dân chủ. Nhìn chung, chủ đề chính của bầu cử giữa kỳ sẽ xoay quanh kinh tế, việc phá thai, nhập cư và dân chủ.
Về kinh tế, trong nhiều tháng nay, người dân Mỹ ngày càng lo ngại về lạm phát tăng cao do khủng hoảng toàn cầu như xung đột Nga-Ukraine. Thăm dò của Đại học Monmouth (Mỹ) từ đầu tháng 10 cho thấy, 82% người Mỹ coi lạm phát là vấn đề “cực kỳ” hoặc “rất quan trọng” chính phủ cần giải quyết.
Vì vậy, đây là tâm điểm của bầu cử giữa kỳ lần này. Năm vấn đề kinh tế hiện đang được cử tri quan tâm nhất là lạm phát, tình trạng thất nghiệp và tăng lương, giá xăng dầu, khủng hoảng nhà ở và khủng hoảng nợ vay sinh viên.
Trong câu chuyện về nhập cư, xuyên suốt các cuộc vận động tranh cử, ứng viên đảng Cộng hòa đã sử dụng khẩu hiệu chống nhập cư mạnh mẽ và đổ lỗi cho đảng Dân chủ để cho lượng lớn người tị nạn tập trung ở khu vực biên giới phía Nam của Mỹ và Mexico.
Về câu chuyện thể chế, đảng Dân chủ đã nhiều lần khẳng định tương lai của nền dân chủ Mỹ đang gặp rủi ro sau khi đảng Cộng hòa đề cử các ứng cử viên từng phản đối kết quả bầu cử năm 2020.
Theo một số chuyên gia, hệ thống bầu cử của Mỹ khiến các ứng viên này khó có thể làm nên chuyện, song sự xuất hiện của "chủ nghĩa phủ nhận" các cuộc bầu cử từ đảng Cộng hòa có thể gây xói mòn lòng tin của người dân vào các thể chế dân chủ.
Tính đến nay, hầu hết chiến dịch vận động bầu cử giữa nhiệm kỳ tập trung vào các vấn đề trong nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách đối nội đóng vai trò chi phối chính sách đối ngoại.
Do đó, sự thay đổi trong chính sách đối nội của Mỹ sau bầu cử giữa kỳ có thể ảnh hưởng đáng kể tới cách tiếp cận các vấn đề quốc tế của Washington, bao gồm các vấn đề có ảnh hưởng toàn cầu như xung đột Nga-Ukraine hay cạnh tranh với Trung Quốc.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, nếu đảng Cộng hòa chiếm ưu thế tại lưỡng viện, Mỹ có thể cân nhắc hơn trong cung cấp các gói hỗ trợ cho chính phủ Ukraine như hiện nay.
Những “điểm nóng” cần theo dõi
Trong bối cảnh bầu cử giữa kỳ ngày 8/11 bầu lại 35 ghế trong Thượng viện, đảng Cộng hòa đang nỗ lực giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp đặc biệt quan trọng này.
Mặc dù nhiều ghế trong số đó thuộc về các “thành trì” của đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ, nơi ứng cử viên tương ứng mỗi bên có nhiều khả năng giành chiến thắng, song cạnh tranh tại một số bang có thể rất gay gắt, đặc biệt là tại các bang “dao động”.
Đồng thời, cũng trong ngày 8/11, 36 bang cũng tiến hành bầu thống đốc mới. Đây là diễn biến đáng chú ý bởi ở một số bang quan trọng, các thống đốc có tầm ảnh hưởng lớn, nhất là trong nhiều vấn đề then chốt như quyền nạo, phá thai và quyền bỏ phiếu.