📞

Những quan điểm đối ngoại "gây sốc" của Donald Trump

21:00 | 22/07/2016
New York Times (Mỹ) ngày 21/7 phân tích những quan điểm đáng chú ý trong lĩnh vực đối ngoại của ứng cử viên Tổng thống Donald Trump bên lề Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa. 

Trong bài diễn văn kết thúc Đại hội toàn quốc lần thứ 41 của đảng Cộng hòa diễn ra ở thành phố Cleverland (bang Ohio) ngày 21/7, ông trùm bất động sản Donald Trump đã tuyên bố chấp nhận đề cử của đảng Cộng hòa trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng này trong cuộc bầu cử năm nay.

Như vậy, ông Donald Trump sẽ chính thức bước vào cuộc chạy đua "song mã" với một đối thủ Dân chủ sau khi đảng Dân chủ tiến hành đại hội đảng toàn quốc từ ngày 25-28/7 tới.

Trả lời phỏng vấn của New York Times bên lề Đại hội đảng, đại diện tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 của đảng Cộng hòa tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến đáng chú ý về đối ngoại.

Donald Trump - ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 của đảng Cộng hòa. (Nguồn: Getty)

Theo đó, nếu đắc cử Tổng thống, ông sẽ không gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ hay một số đồng minh khác khi các nước này thực hiện những cuộc thanh trừng đối thủ chính trị hay đàn áp các tổ chức dân sự. Mỹ cần phải "chỉnh đồn chính ngôi nhà hỗn loạn của mình" trước rồi mới tìm cách "lên lớp" hành vi của các quốc gia khác. Ông nói: "Hãy nhìn những gì đang xảy ra ở đất nước chúng ta. Làm sao mà chúng ta có thể đi rao giảng được khi mà người dân bắn chết cảnh sát".

Bài toán kinh tế đối ngoại

Tỷ phú Trump tự hỏi về điều khoản quy định Mỹ phải tự khắc bảo vệ các đồng minh NATO trong trường hợp họ bị tấn công và nói thêm rằng ông sẽ xem xét lại những đóng góp của Mỹ đối với NATO.

Ông Trump tái nhấn mạnh cách tiếp cận theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, mô tả cách thức ông sẽ buộc các đồng minh phải gánh chịu những phí tổn mà Mỹ đã phải trả suốt những thập niên qua, hủy bỏ các hiệp ước lâu đời mà ông cho là "không còn phù hợp", đồng thời xem xét lại định nghĩa "thế nào là đối tác của Mỹ".

Ông Trump tuyên bố thế giới sẽ phải học cách điều chỉnh để thích nghi với cách tiếp cận của ông khi nói: "Tôi muốn tiếp tục duy trì các hiệp định hiện có" song với điều kiện là các đồng minh phải chấm dứt lợi dụng Mỹ bởi đã qua rồi cái thời Mỹ có thể "vung tiền làm từ thiện".

Quan hệ Mỹ - NATO sẽ được "kinh tế hóa" nếu ông Donald Trump đắc cử. (Nguồn: The Daily Beast)

Thậm chí, ông Trump còn tạo cảm giác rằng nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ chấm dứt những đảm bảo an ninh cho 28 quốc gia thành viên NATO. Chẳng hạn như khi được hỏi về những hoạt động của Nga đang gây quan ngại cho các quốc gia nhỏ vùng Baltic mới gia nhập NATO, ông Trump đã nói thẳng rằng nếu Moscow tấn công những nước này, ông sẽ chỉ quyết định có trợ giúp hay không sau khi đánh giá liệu những quốc gia đó "có thực hiện các bổn phận đối với Mỹ hay không?".

Nhà tỷ phú thừa nhận rằng cách tiếp cận của ông trong quan hệ với các đồng minh và kẻ thù của Mỹ rất khác biệt so với truyền thống của đảng Cộng hòa - kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai đến nay - khi các ứng cử viên tổng thống gần như đều hối thúc chủ trương quốc tế hóa, trong đó Mỹ đảm nhận vai trò gìn giữ hòa bình cho thế giới.

"Bây giờ không phải là 40 năm trước", ông Trump nói, đồng thời nhắc lại lời đe dọa rút binh sĩ Mỹ đang được triển khai trên toàn thế giới. "Chúng ta đang chi cả một gia tài (800 tỷ USD) cho quân đội. Đối với tôi, việc đó không hề khôn ngoan".

Các căn cứ quân sự Mỹ trên toàn thế giới 2015. (Nguồn: Politico)

Ông Trump liên tục dùng các thuật ngữ kinh tế thuần túy để xác định những lợi ích của Mỹ trên toàn cầu. Vai trò của Mỹ như một nhà gìn giữ hòa bình, người răn đe những đối thủ như Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân, người cổ xúy nhân quyền, người bảo vệ biên giới của các đồng minh - tất cả đều bị biến thành bài toán kinh tế của nước Mỹ.

Tuy nhiên, ông Trump không nêu quan điểm của ông về cách thức đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hay cách "hành xử" của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Tề gia rồi mới bình thiên hạ

Phần thảo luận của ông Trump về cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ là rất đáng chú ý vì nó "hé mở" phong cách lãnh đạo nếu ông trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Ông Trump hoàn toàn tán dương Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, một nhà lãnh đạo dân cử song ngày càng chuyên quyền.

Nói về vụ đảo chính bất thành cuối tuần trước, ông Trump tuyên bố: "Tôi đánh giá cao việc ông ta có thể làm xoay chuyển tình thế". Tuy nhiên, ông Trump không kêu gọi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng luật pháp hay học tập các tiêu chuẩn pháp lý của phương Tây. Ông nói: "Tôi cho rằng chúng ta không có tư cách để rao giảng".

Chính sách đối ngoại của Donald Trump - "Nước Mỹ trên hết". (Nguồn: Youtube)
Trên thực tế, những lập luận của ông Trump về quyền "giảng đạo đức" của nước Mỹ không mới. Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và một số quốc gia khác thường xuyên viện dẫn bạo lực và tình trạng mất trật tự trên đường phố của Mỹ để biện minh cho những hành động của họ và để chứng tỏ rằng nước Mỹ không có tư cách chỉ trích họ.

Về việc thay đổi chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ông Trump cho rằng đây là một ưu tiên thấp hơn nhiều so với việc đánh bại IS - một kết luận mà Nhà Trắng cũng đã đưa ra song chưa công bố công khai.

Ông Trump đặc biệt nhấn mạnh đến việc ông sẵn sàng rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nếu Mexico và Canada không đồng ý đàm phán về những điều khoản mới vốn sẽ cản trở các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Mỹ. Ông tuyên bố: "Tôi sẽ rút khỏi NAFTA với một tốc độ nhanh chưa từng có".

Ông Trump đề cập đến cả vấn đề tài trợ cho việc củng cố quân đội, bắt đầu từ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ông cho rằng Mỹ đang có nhiều vũ khí lỗi thời, có vũ khí hạt nhân song thậm chí không biết liệu chúng có còn hoạt động được không.

Ứng cử viên đảng Cộng hòa cũng giải thích khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" (America First) của ông đề ra "không giống với khẩu hiệu mà Charles A. Lindbergh và một số chính khách theo chủ nghĩa biệt lập sử dụng trước Chiến tranh Thế giới Thứ hai".

Ông giải thích: "Với tôi 'Nước Mỹ trên hết' là một thuật ngữ mới, không liên quan đến quá khứ. Vì vậy, chúng ta cần phải chăm lo cho quốc gia của chúng ta đã rồi mới nên lo lắng cho những người khác trên thế giới".

(theo New York Times)