Động đất tàn phá nhiều thành phố, biến mọi thứ thành tro bụi, còn chiến tranh đã biến các thành phố lớn thành những đống đổ nát hoang tàn.
Hậu quả từ cuộc nội chiến của Syria tại Aleppo đã đặt ra câu hỏi liệu thành phố này có thể trở lại thời hoàng kim của mình hay không? Rồi trận động đất năm 2015 tại Nepal đã khiến cho thành phố Kathmandu sa lầy vào quá trình phục hồi chậm chạp và tốn kém. Hay như nhắc đến Nhật Bản là người ta lại nhớ đến thảm họa sóng thần xảy ra năm 2011 khiến cho đất nước này phải nỗ lực không ngừng cho đến tận ngày hôm nay để tái thiết lại thành phố Tohoku.
Nhưng tất cả các thành phố này đều không gục ngã. Bi kịch sẽ là động lực để đổi mới. Khi thành phố bị hủy hoại đến mức không thể kiểm soát, quá trình tái thiết sẽ mở ra nhiều cơ hội, nghĩa là một trang giấy trắng sẽ hiện ra để từ đó tất cả sẽ cùng chung tay đổi mới tất cả, tạo ra một thành phố với diện mạo mới, hoành tráng và mạnh mẽ hơn.
Chúng ta cùng lật lại lịch sử để thấy rằng có nhiều thành phố đã hồi sinh đến mức ngoạn mục như thế nào. Điển hình nhất là thành phố Hiroshima của Nhật Bản, nơi mà người ta đã từng cho rằng mọi nỗ lực phục hồi đều sẽ như dã tràng xe cát, nhưng rồi cuối cùng nơi đây đã lại đâm chồi nảy lộc và trở thành biểu tượng của hiện đại hóa và hòa bình.
Trận Đại hỏa hoạn ở Chicago năm 1871
Lửa bùng phát từ kho thóc nằm ở phía Tây Nam thành phố Chicago rồi nhanh chóng lan vào trung tâm thương mại do đúng vào thời điểm đó đang có gió vô cùng lớn, hậu quả là 17.500 tòa nhà cùng với các con phố dài tổng cộng khoảng 80km đã bị thiêu rụi. Ước tính có 300 người đã thiệt mạng, 90.000 người phải di tản đến nơi ở mới.
Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, nơi đây đã mọc lên tòa nhà chọc trời đầu tiên của thế giới và trở thành trung tâm kinh tế và giao thương thuộc hàng lớn nhất.
Thành phố Chicago năm 1871. (Nguồn: City Lab) |
Thành phố Chicago ngày nay. (Nguồn: City Lab) |
Thảm họa động đất năm 1906 tại San Francisco
Chỉ vài tuần sau khi cơn động đất mạnh tới 7,8 độ Richter làm rung chuyển vùng bờ biển California, tại thành phố San Francisco, xe điện đã lại đi vào hoạt động, các đường ống nước được sửa chữa, người dân cùng chung tay thu dọn các tàn dư còn sót lại. Và chỉ sau sáu tuần, ngân hàng tiếp tục giao dịch, vài tháng sau, công nhân khôi phục lại hệ thống đường ray xe lửa.
Theo báo San Francisco Chronicle, đây quả là một ví dụ điển hình về tốc độ hồi sinh thành phố sau thảm họa.
Thành phố San Francisco hoang tàn sau trận động đất năm 1906. (Nguồn: City Lab) |
Thành phố San Francisco hiện đại. (Nguồn: City Lab) |
Thảm họa động đất tại Tokyo năm 1923
Khi nhìn thấy những tòa nhà chọc trời tại Tokyo (Nhật Bản) ngày nay chắc chẳng có ai mường tượng ra được thành phố này cũng đã từng bị tàn phá bởi động đất và sóng thần y hệt như những gì đã xảy ra tại Tohoku năm 2011. Vào lúc 0 giờ kém 2 phút ngày 01/09/1923, trận động đất mạnh 7,9 độ Richter mang theo sóng thần cao hàng chục mét tràn vào thành phố. Sau đó, ngọn lửa bùng lên thiêu rụi tất cả những ngôi nhà gỗ, cướp đi mạng sống của hơn 100.000 người dân.
Hậu quả sau đó là bạo lực lan tràn, bất đồng về diện mạo mới của thành phố, tranh cãi giữa quân đội Nhật Bản và quân đội Mỹ. Nhưng rồi mọi thứ cứ như có phép màu, Tokyo trở thành thành phố hiện đại sánh ngang với các thành phố lớn nhất trên thế giới.
Tokyo sau thảm họa động đất năm 1923. (Nguồn: City Lab) |
Thành phố Tokyo hoa lệ ngày nay. (Nguồn: City Lab) |
Warsaw bị ném bom năm 1944
Không chỉ thảm họa tự nhiên mới tàn phá thành phố. Trong Thế chiến thứ Hai, quân đội Đức phát xít đã thả bom san bằng khu phố cổ tại thủ đô Warsaw của Ba Lan để trả đũa, bởi trong một trận đánh nổi tiếng trước đó, lực lượng kháng chiến Ba Lan đã giết hàng ngàn lính Đức Quốc xã.
Và để tái thiết, Warsaw đã phải tận dụng hết tất cả những gì còn sót lại, biến những vật liệu đổ nát thành gạch xây mới, thậm chí họ còn phải tận dụng cả nguyên vật liệu từ các thành phố cũng bị tàn phá khác. Họa sĩ người Italy Bernardo Bellotto là người có công rất lớn trong công cuộc đưa Warsaw trở lại thời hoàng kim như ngày hôm nay, do ông đã đưa toàn bộ phong cảnh của Warsaw vào trong các tác phẩm hội họa của mình, do đó người ta đã có những tư liệu hình ảnh phục vụ công cuộc tài thiết.
Thủ đô Warsaw của Ba Lan tan hoang trong Thế chiến thứ Hai. (Nguồn: City Lab) |
Thành phố Warsaw ngày nay. (Nguồn: City Lab) |
Dresden, Đức, sau Thế chiến thứ Hai năm 1945
Trong Thế chiến thứ Hai, quân Đồng Minh đã thả tới 2.400 tấn vật liệu nổ và 1.500 tấn bom xuống Dresden, khiến cho nhiệt độ ở đây khi đó chạm mức 1649 độ C, và mất nhiều năm mới thu dọn xong toàn bộ đống đổ nát.
Các nhà quy hoạch đô thị mong muốn tạo ra một diện mạo mới cho Dresden nên chỉ khôi phục lại một số hạ tầng có tính lịch sử. Nhà thờ Frauenkirche, nơi gây tranh cãi nhiều nhất, đã không được tái thiết hoàn toàn cho đến tận 60 năm sau chiến tranh. Các khu vực khác đều được giải tỏa để lấy chỗ xây dựng các công trình kiến trúc hiện đại.
Thành phố Dresden biến thành đống gạch vụn sau trận bom. (Nguồn: City Lab) |
Phong cảnh Thành phố Dresden ngày nay. (Nguồn: City Lab) |
Nội chiến tại Beirut, 1975-1990
Beirut đã phải hứng chịu trận bom hủy diệt trong cuộc nội chiến của Lebanon kéo dài tới 15 năm. Nhưng thời gian trôi đi, Beirut ngày nay đã trở thành biểu tượng của hiện đại và sang trọng với phong cách kiến trúc thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài và là chất xúc tác cho nền kinh tế mới.
Tuy nhiên công cuộc tái thiết cũng có mặt trái của nó. Các tòa nhà lịch sử bị phá dỡ và xây dựng lại trong quá trình tái thiết lại khiến cho thành phố này tách biệt hẳn với các dấu mốc lịch sử của nó. Hiện trạng thiếu sự ổn định về chính trị trong khi người ta lại luôn mong muốn kiếm lợi nhuận đã dẫn đến hệ quả là thành phố thiếu đi nhiều dịch vụ và hạ tầng cần thiết.
Beirut sau cuộc nội chiến. (Nguồn: City Lab) |
Bieirut sau khi đã được tái thiết. (Nguồn: City Lab) |
Có rất nhiều lý do khiến cho các thành phố rơi vào trạng thái bị hủy hoại – mỗi nơi mỗi khác, nhưng những hy vọng, khát khao và những nỗ lực không ngừng trong công cuộc tái thiết mà chúng ta thấy được từ các ví dụ điển hình trên đây cho thấy con người không bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ một thảm họa nào.