Trong bối cảnh này, hẳn sẽ có nhiều người tò mò nước Mỹ đã và sẽ bảo vệ môi trường như thế nào. Quốc gia phát triển hàng đầu thế giới này có hệ thống luật và quy định rất rõ ràng và cụ thể trong vấn đề bảo vệ môi trường. Song, các luật và quy định lại được xây dựng chủ yếu từ những năm 1970 dưới thời Tổng thống Richard Nixon.
Gần 5 thập kỷ trước
Theo Giáo sư luật Jedediah Purdy (thuộc Đại học Duke), đồng thời là tác giả của After Nature - một cuốn sách về lịch sử môi trường ở Mỹ cho biết tại nước này, khái niệm coi môi trường là một tổng thể mà trong đó mọi yếu tố cấu thành đều liên kết chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau tạo nên một "cơ thể sinh học", chỉ được đề cập từ giữa thế kỷ XX. Thậm chí, ông cho rằng quan điểm về việc cần quản lý tài nguyên như rừng, nước và đất trước nguy cơ bị lạm dụng và lãng phí đến mức có thể dẫn tới khủng hoảng nguồn cung không được coi trọng ở Mỹ cho đến những thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. "Môi trường" là khái niệm mà người ta biết tới sau "bàn tay vô hình", "sự bình đẳng trước pháp luật", hay "tự do ngôn luận".
Năm 1970, luật Chính sách môi trường quốc gia quy định chính quyền liên bang phải tổ chức nghiên cứu các tác động đến môi trường ở mức dài hạn khi họ muốn tu chỉnh hay cho phép xây dựng một công trình nào đó. Dưới thời Tổng thống Nixon, Đạo luật Khí sạch (1970) và Nước sạch (1972) đã được thông qua với sự ủng hộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tổng thống Nixon từng tuyên bố: "Năm 1970 sẽ được nhớ đến như năm khởi đầu của việc chúng ta bắt đầu giải quyết vấn đề không khí sạch, nước sạch và không gian cho các thế hệ tiếp theo của nước Mỹ". Luật Khí sạch cho phép Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) đưa ra tiêu chuẩn về những loại khí độc hại cho môi trường có thể do các nhà máy hay ô tô, xe tải thải ra. Luật Nước sạch quy định việc EPA đưa ra tiêu chuẩn chất ô nhiễm có thể được thải ra sông ngòi. Hai đạo luật trên được đánh giá là "hiệu quả", "không gây tốn kém cho dân kinh doanh nhiều như dự đoán" và đến nay vẫn được coi là các đạo luật chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Mỹ.
Đến năm 1973, Đạo luật Các loài có nguy cơ tuyệt chủng ra đời đã mở rộng quyền hạn của chính quyền liên bang trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đạo luật quy định Cơ quan quốc gia về đại dương và khí quyển (NOAA) và Cơ quan Dịch vụ về cá và động vật hoang dã (Fish and Wildlife Service) bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Theo The Atlantic, Đạo luật được soạn thảo bởi các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, và Tổng thống Nixon đã đồng ý một cách nhanh chóng, có lẽ để đánh lạc hướng sự chú ý của báo chí khỏi vụ bê bối Watergate của ông.
Trụ sở EPA tại Washington, D.C. (Nguồn: The Washington Post) |
Vai trò của EPA
Quốc hội Mỹ thông qua luật môi trường với mục tiêu rất chung, ví dụ như "không khí sạch". Từ đây, Quốc hội sẽ cho phép EPA - cơ quan độc lập của Chính phủ liên bang, ban hành các quy định cụ thể làm thế nào để có môi trường không khí sạch ở Mỹ. Quốc hội Mỹ cũng cấp tiền cho EPA nhằm bảo đảm các quy định này được áp dụng. Một phần tiền được giao cho các bang, trong trường hợp họ chủ động tự áp dụng một số quy định của EPA.
Khá thú vị là trong việc ra quy định cụ thể để bảo vệ môi trường, Quốc hội Mỹ lại giao quyền cho EPA. Cơ quan này có thể xây dựng các quy định bảo vệ môi trường nước và không khí nằm trong giới hạn quyền lực được giao. Quy định của EPA có sức ràng buộc như đạo luật, tuy nhiên nó có thể bị Quốc hội vô hiệu hóa, đơn giản vì Quốc hội vẫn có quyền lực cao hơn EAP. Việc chuyển giao quyền xây dựng luật cho các cơ quan độc lập hay hành pháp là cách tiếp cận được Quốc hội Mỹ sử dụng từ thế kỷ XX. Các nhà lập pháp thuộc hai Đảng ở Mỹ đều đồng tình rằng các chuyên gia làm việc tại những cơ quan mang tính kỹ thuật có khả năng xây dựng quy định hợp lý và bắt kịp thời đại hơn là các nhà lập pháp chuyên nghiệp.
EPA soạn ra quy định mới về bảo vệ môi trường theo quy trình cụ thể. Sau khi đưa ra khung cho quy định mới, EPA sẽ thuê chuyên gia tóm tắt các nghiên cứu đã có về môi trường và sức khỏe cộng đồng liên quan đến chủ đề của quy định mới. Tiếp đó, họ nghiên cứu mức chi phí, tác động của quy định này đối với sự phát triển kinh tế. Dựa trên các yếu tố này, EPA chỉnh sửa quy định muốn đặt ra, rồi trình dự thảo lên Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng - nơi có nhiệm vụ xem xét khía cạnh hành pháp. Khi Văn phòng này thông qua, dự thảo sẽ được EPA đăng lên Federal Register - tờ báo chính thức của Chính phủ liên bang - để công chúng (người dân, giới kinh doanh, báo chí, chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội…) đóng góp ý kiến và EPA phải trả lời từng ý kiến này. Đã có lần cơ quan này nhận được tới 4 triệu ý kiến đóng góp và bình luận. Dựa trên các ý kiến, EPA chỉnh sửa quy định sẽ ban hành một lần nữa, và lại trình lên Văn phòng Nhà Trắng. Đây là một quy trình khá phức tạp, bởi vì mỗi quy định mới sẽ động chạm đến lợi ích của một hay vài bên. Và để tránh thua trong các vụ kiện chống lại quy định mới, EPA phải chứng tỏ cho tòa án thấy việc xây dựng quy định được thực hiện một cách tỉ mỉ, hợp lý, đúng quy định.
Hiến Pháp Mỹ được ra đời vào thời kỳ khái niệm "bảo vệ môi trường" còn chưa được chú ý đến. Chính vì lẽ đó, văn bản tối cao này không có điều khoản cụ thể quy định việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo Điều khoản thương mại quy định ở điều 1, phần 8, Quốc hội Mỹ có quyền "điều chỉnh thương mại với các quốc gia khác, giữa một số bang, và với các bộ tộc da đỏ". Dựa trên nền tảng của điều khoản này, Quốc hội Mỹ thông qua các đạo luật chính về môi trường. |
Một bước lùi
Từ khi Tổng thống Nixon từ chức, Quốc hội Mỹ đã thông qua một vài đạo luật khác liên quan đến môi trường như Đạo luật 1976 điều chỉnh các vấn đề về hóa chất độc hại. Năm 1980, Tổng thống Jimmy Carter và Quốc hội Mỹ đưa ra một dự luật nhằm tạo "siêu quỹ" liên bang xử lý rác thải độc hại. Năm 1990, dưới thời Tổng thống George H. W. Bush, Quốc hội đã sửa đổi Đạo luật Không khí sạch liên quan đến các chất gây ô nhiễm mới và sự nguy hiểm của mưa axít. Tuy nhiên, đây không phải là những đạo luật có tác động lớn. Nói đúng ra, 30 năm trở lại đây, nước Mỹ chưa có thêm đạo luật cơ bản nào trong lĩnh bảo vệ môi trường. Tòa án Mỹ cho dù bảo vệ mạnh mẽ tính hợp hiến của các đạo luật trên, lại không làm gì nhiều để mở rộng việc áp dụng những quy định, ngược lại với mong muốn của các nhà hoạt động môi trường.
Trong vấn đề biến đổi khí hậu, gần 20 năm qua, các nhà lập pháp Mỹ đã cố gắng xây dựng các đạo luật nhằm giảm việc thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, họ đã không đạt được nhiều thành công. Hiện nay, EPA là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Thật đáng tiếc là cho dù dưới thời Tổng thống Barack Obama, nước Mỹ đã đi được những bước tiến dài trong vấn đề biến đổi khí hậu, chính quyền mới lên của Tổng thống Trump lật ngược thế cờ và đang xóa đi những chính sách của người tiền nhiệm. Bản thân ông Trump là người không tin vào thuyết biến đổi khí hậu, chính vì thế ông đã bổ nhiệm Scott Pruitt, một người hoài nghi về vấn đề này, làm lãnh đạo của EPA. Không ngạc nhiên rằng quyết định bổ nhiệm Scott Pruitt cũng như đường lối chính sách liên quan của ông Trump không chỉ gây lo ngại cho nhiều người dân Mỹ, mà còn gặp phải sự phản ứng dữ dội của giới khoa học trên toàn thế giới.