Quan điểm về chính sách đối ngoại hiệu quả
Trong suốt giai đoạn tranh cử vừa qua, ông D. Trump thể hiện quan điểm khá thực dụng về chính sách đối ngoại. Về cơ bản, ông cho rằng Mỹ đã và đang đứng trước một cục diện quan hệ quốc tế rất hỗn loạn và Mỹ có vai trò khá yếu trong đó. Những điều này có liên quan phần nào đến năng lực của đội ngũ hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Mỹ. Cho rằng bản chất của nước Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, D. Trump nhận định cách hành xử của Mỹ trong quan hệ đối ngoại phải xuất phát từ các lợi ích thiết thực của đất nước. Theo đó, Mỹ cần xây dựng một nền tảng sức mạnh vững chắc cả về kinh tế, chính trị và quân sự để đảm bảo cho việc triển khai chính sách đối ngoại hiệu quả và ít tốn kém. Mặt khác, ông D. Trump cũng kêu gọi phải chia sẻ các nguồn lực và chi phí (nhất là trong quan hệ với các đồng minh) cho việc đảm bảo hoà bình, nhất là khi Mỹ phải đứng ra và đầu tư các nguồn lực con người và vật chất cho việc gìn giữ an ninh tại các khu vực, các điểm nóng trên thế giới.
Đặc biệt, ông D. Trump có quan điểm rằng việc Mỹ sẽ tham gia sâu vào các xung đột đến mức nào phụ thuộc rất lớn vào việc các xung đột đó có đe doạ trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Mỹ hay không. Ngay cả khi xác định cần tham gia trực tiếp vào các xung đột để bảo vệ các lợi ích quốc gia trực tiếp của Mỹ, ông cũng cho rằng cần phải xác định rõ ràng các bước đi trong xử lý xung đột, bao gồm kế hoạch rút lui một cách hợp lý. Có hai ví dụ tiêu biểu được ông D. Trump đề cập trong các phát biểu, bài viết trong giai đoạn tranh cử. Một là, việc tham gia chiến tranh Iraq là sai lầm của Chính quyền Mỹ do Iraq không phải là mối đe doạ thực sự đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Chính quyền Mỹ đã ra quyết định dựa trên các thông tin bị bóp méo và việc Iraq sụp đổ đã tạo điều kiện cho Iran phát triển và đe doạ sự ổn định của cả khu vực. Hai là, các mối đe doạ do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây ra là thực tế và cần có giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề này, song cần có bước đi thực chất (chứ không chỉ đẩy mạnh truyền thông trong cuộc chiến chống IS), có các bước đi dứt khoát trong việc làm suy yếu và tiêu diệt IS, đồng thời cần tập trung vào các khâu then chốt để không lãng phí các nguồn lực.
Đối với châu Á - Thái Bình Dương, đáng chú ý ông D. Trump tỏ thái độ không ủng hộ Hiệp định TPP. Ngày 30/6/2016, Vox đã trích phát biểu của D. Trump: “Tôi sẽ rút nước Mỹ khỏi TPP”. Ông cũng có quan điểm tương tự đối với việc tham gia các liên minh chưa có tác động sát sườn đối với các lợi ích quốc gia lớn của Mỹ hay có thể tác động tiêu cực đến các nguồn lực để đầu tư cho nước Mỹ phát triển lớn mạnh. Bên cạnh đó, ông D. Trump xác định Mỹ cần phải đẩy mạnh hơn việc hợp tác và cạnh tranh với Nga và Trung Quốc. Không như một số dư luận vẫn đồn đoán, trọng tâm các phát biểu của D. Trump vẫn nhấn mạnh vào việc phải chú trọng lợi ích của việc hợp tác với các nước, song trên cơ sở cùng có lợi và đẩy mạnh đàm phán thực chất với các nước.
Những bước đi khó lường
Việc đoán định các bước đi tiếp theo của tân Tổng thống trong lĩnh vực chính sách đối ngoại nói riêng và điều hành đất nước nói chung là không hề đơn giản. Đối với ông D. Trump, có lẽ cần lưu ý một số điểm sau.
Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu sau khi giành chiến thắng. (Nguồn: Haaretz) |
Một là, mặc dù có tiếng là thẳng thắn và bạo miệng, ông D. Trump khá khôn ngoan và chủ trương không nên nói quá nhiều về các bước đi chiến lược hay để lộ những dự định trong đàm phán. Ông có thói quen buộc đối phương phải bối rối trước việc giữ kín các bước đi trong hành động và giành chiến thắng nhờ những yếu tố bất ngờ (đây có lẽ là một thói quen quan trọng trong thương trường của ông Trump và chiến thắng trong kỳ bầu cử Tổng thống là một minh chứng quan trọng cho điều này). Do vậy, có thể suy luận rằng những phát biểu trong kỳ bầu cử vừa qua không phản ánh hết những suy nghĩ thực chất và các bước đi tiếp theo của ông D. Trump khi trở thành ông chủ của Nhà Trắng.
Hai là, bản thân là một con người thực dụng, trải qua nhiều kinh nghiệm đàm phán quyết liệt trong các vấn đề liên quan lợi ích kinh tế và xã hội (bao gồm những tranh chấp với cả cộng đồng kinh doanh và Chính quyền Mỹ), lại tự tay tạo dựng được một khối tài sản khổng lồ (khai báo tài sản của ông đến năm 2014 đạt hơn 9 tỷ USD), ông D. Trump có lẽ sẽ tiếp tục nghiêng về cách tiếp cận thực dụng trong các vấn đề mang tính lợi ích. Trong tương lai, nhiều khả năng ông sẽ tiếp tục điều chỉnh linh hoạt việc triển khai các bước đi cụ thể trong chính sách đối ngoại (kể cả trong vấn đề TPP) nếu xuất hiện các lợi ích phù hợp chứ không hoàn toàn đi theo những gì đã tuyên bố trong quá trình vận động tranh cử.
Ba là, mặc dù là Tổng tư lệnh tối cao của Mỹ trong ít nhất 4 năm tới, bản thân ông D. Trump cũng chịu nhiều ràng buộc trong các quyết định về đối ngoại. Một trong những ràng buộc đó là sự phức tạp trong chính trị nội bộ Mỹ với những quy định, thủ tục chồng chéo để đảm bảo tính dân chủ phải được tôn trọng, qua đó, quyền lực phải được kiềm chế và đối trọng, đặc biệt là khi liên quan đến các lợi ích lớn của nước Mỹ.
Quan hệ với châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam
Mặc dù khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn nhiều thay đổi và hai điểm nóng là khu vực Biển Đông, Biển Hoa Đông và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ lâu dài, quan hệ giữa Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ tiếp tục ổn định. Nhiều thập niên trở lại đây, Mỹ vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ khá cân bằng với các khu vực để đảm bảo các lợi ích lớn của Mỹ về kinh tế, an ninh và dân chủ trên phạm vi toàn cầu, trong đó châu Á - Thái Bình Dương là một mắt xích quan trọng và điều này hoàn toàn phù hợp với tư duy của các nhà chiến lược lớn của Mỹ và quốc tế.
Với tâm lý thực dụng hoặc tính khó lường của Chính quyền D. Trump, Việt Nam có thể phải xử lý khéo léo hơn các sức ép trong các vấn đề chiến lược liên quan đến khu vực. (Nguồn: The Boston Globe) |
Cho đến nay, cũng chưa thấy có dấu hiệu Mỹ sẽ đổi chiều quan hệ với Trung Quốc, ASEAN hay trong vấn đề Biển Đông. Với những tuyên bố chính sách thời gian qua, tình hình phát triển trên thực tế của khu vực cũng như những lợi ích lâu dài của nước Mỹ, nhiều khả năng Chính quyền D. Trump sẽ tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với Trung Quốc và ASEAN, quan tâm xử lý vấn đề Biển Đông song song với việc đẩy mạnh hơn nữa đàm phán thực chất trong việc giải quyết xung đột và thúc đẩy các quốc gia đối tác tăng cường trách nhiệm hơn trong xử lý các vấn đề khu vực hay gánh vác các chi phí phát sinh trong các hoạt động chung.
Tình hình trên đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Về cơ bản, sự hấp dẫn của ổn định chính trị và phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như mối quan hệ ổn định và mạnh mẽ giữa Việt Nam và Mỹ (thị trường hơn 90 triệu dân, kim ngạch thương mại song phương 2015 đạt 45 tỷ USD, quan hệ đối tác toàn diện phát triển tốt) khiến Việt Nam tiếp tục là đối tác được Mỹ coi trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy nhiều hợp tác cụ thể (nhất là các hợp tác liên quan đến kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, văn hoá - giáo dục) trong thời gian tới. Để phục vụ cho những hợp tác này và sự ổn định của khu vực, Mỹ có thể sẽ tiếp tục chú trọng hợp tác trong vấn đề Biển Đông và hợp tác quốc phòng song phương và đa phương với Việt Nam. Mặt khác, khi tâm lý thực dụng hoặc tính khó lường của Chính quyền D. Trump lên cao, Việt Nam cũng có thể phải xử lý khéo léo hơn các sức ép trong các vấn đề chiến lược liên quan đến khu vực cũng như trong các mối quan hệ kinh tế - thương mại cụ thể với Mỹ.
Việc tranh thủ đà phát triển hiện nay của mối quan hệ tích cực giữa Mỹ với khu vực và Việt Nam, đồng thời xử lý khéo những phức tạp có thể có trong quan hệ Việt - Mỹ thời gian tới là cơ sở để hai nước tiếp tục đưa quan hệ đi vào chiều sâu và đóng góp cho ổn định và phát triển của khu vực.