Viên phụ tá quân sự sẽ mang theo một chiếc túi, trong đó có chứa chiếc cặp được gọi là "cặp hạt nhân". Bên trong chiếc cặp này là một tấm thẻ khoảng từ 3 inch (7,6 cm) đến 5 inch (12,7 cm), gọi là “bánh quy”.
Cái “bánh quy” này có chứa các mã khởi động cho một cuộc tấn công hạt nhân chiến lược. Việc chỉ dẫn cho Tổng thống mới về cách để kích hoạt chúng diễn ra ngoài tầm mắt của công chúng. Tuy nhiên, vào thời điểm Tổng thống đắc cử Trump tuyên thệ nhậm chức, viên phụ tá mang chiếc túi sẽ lặng lẽ đi cạnh ông.
“Cặp hạt nhân”, biểu tượng sức mạnh quân sự của Mỹ cũng như trách nhiệm khổng lồ mà Tổng thống nước này phải mang theo. (Nguồn: Getty) |
Sau lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Trump sẽ là người duy nhất có quyền đưa ra một hành động có thể dẫn đến cái chết của hàng triệu người trong chưa đầy một tiếng đồng hồ.
Đã có những lo ngại rằng nếu khủng hoảng hạt nhân bùng phát, "tính cách bất ổn của ông Trump dễ khiến ông có những quyết định thiếu đúng đắn”. Trong khi đó, các phát ngôn của ông Trump về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch tranh cử đã nhận được không ít ý kiến trái chiều từ các chuyên gia an ninh.
“Kẻ nào đó thuộc IS đánh chúng ta, bạn sẽ không đáp trả bằng một cuộc tấn công hạt nhân ư?”, ông Trump nói với bình luận viên Chris Matthews trên kênh truyền hình MSNBC hồi tháng 3/2016. Tuy nhiên, tại cuộc phỏng vấn diễn ra một tháng sau đó trong chương trình “Today” của đài NBC, ông Trump lại nói: “Tôi sẽ là người cuối cùng dùng chúng”. Rõ ràng, ông Trump vẫn không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
“Cặp hạt nhân” được sử dụng như thế nào?
Mark Fitzpatrick, chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington, cho biết thẩm quyền tối cao để khởi động một cuộc tấn công hạt nhân thuộc về Tổng thống. Tuy nhiên, “từ lúc Tổng thống ủy quyền cho một ai đó đến thời điểm thực hiện mệnh lệnh sẽ có những người khác liên quan”, Fitzpatrick nói.
Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống ra lệnh và Bộ trưởng Quốc phòng phải thực hiện mệnh lệnh này. Bộ trưởng Quốc phòng có thể, về mặt lý thuyết, không chấp hành lệnh nếu ông có lý do để nghi ngờ sự tỉnh táo của Tổng thống. Nhưng điều đó sẽ tạo ra một cuộc nổi loạn và Tổng thống có thể sa thải vị Bộ trưởng này, đồng thời giao nhiệm vụ cho Thứ trưởng Quốc phòng.
Theo Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ, về mặt lý thuyết, Phó Tổng thống có thể tuyên bố Tổng thống không có khả năng đưa ra một quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, Phó Tổng thống cần phải nhận được sự ủng hộ của phần lớn nội các.
Để khởi động một cuộc tấn công hạt nhân, Tổng thống Mỹ phải xác nhận danh tính bằng cách sử dụng tấm thẻ nhựa luôn mang bên mình. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng làm thất lạc thẻ nhận dạng khi ông để quên nó trong một chiếc áo khoác được gửi đến cửa hàng giặt là.
Ông Donald Trump cho rằng, "nước Mỹ phải tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân”. (Nguồn: Getty) |
Bên trong “chiếc cặp hạt nhân" không bao giờ rời khỏi tầm với của Tổng thống Mỹ là một "cuốn sổ đen" có chứa các lựa chọn tấn công hạt nhân dành cho chủ nhân Nhà Trắng. “Cuốn sổ đen” này giống như một thực đơn. Song thay vì chọn món ăn, Tổng thống Mỹ sẽ lựa chọn các thành phố hay cơ sở quân sự của đối phương để tấn công. Khi Tổng thống đã đưa ra lựa chọn, mệnh lệnh được truyền qua Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ tới phòng chiến tranh của Lầu Năm Góc và sau đó, chỉ thị của Tổng thống về đến trụ sở Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ tại căn cứ không quân Offutt ở Nebraska.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tốc độ hơn 17.000 dặm/giờ (trên 27.000 km/giờ), bay cao trên bầu khí quyển của Trái đất trước khi hướng tới mục tiêu được lập trình sẵn. Thời gian bay cho một tên lửa trên mặt đất giữa Nga và Mỹ là từ 25-30 phút. Đối với tên lửa được phóng từ các tàu ngầm, thời gian bay có thể ngắn hơn đáng kể, thậm chí chỉ còn 12 phút. Điều này không mang lại cho Tổng thống Mỹ nhiều thời gian để quyết định xem đó là báo động giả hay sắp xảy ra một cuộc chiến vô cùng quyết liệt. Khi ICBM đã được phóng đi, không thể thu chúng về.
Nếu việc tiến hành cuộc tấn công phủ đầu vào nước X là sự việc dự kiến diễn ra trong tương lai, các Phó Tổng thống, Cố vấn An ninh Quốc gia cùng nhiều thành viên nội các… sẽ có khả năng được tham gia vào quá trình ra quyết định. Nhưng nếu mối đe dọa chiến lược sắp xảy đối với nước Mỹ, tức là nếu ICBM được phóng từ một nước thù địch đã bị phát hiện và chỉ có ít phút nữa ICBM này sẽ tới Mỹ, Tổng thống là người có quyền đặc biệt trong việc đưa ra quyết định duy nhất để khởi động “chiếc cặp hạt nhân”.
Các nước có nhiều đầu đạn hạt nhân nhất
Mỹ và Nga đang sở hữu số lượng tên lửa hạt nhân mà có thể hủy diệt các thành phố của nhau nhiều lần. Theo một báo cáo, có 100 đầu đạn hạt nhân của Mỹ nhằm vào Moscow. Hai nước này chiếm hơn 90% tổng số đầu đạn hạt nhân của thế giới.
Topol - một trong những tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga. (Nguồn: Getty) |
Tính đến tháng 9/2016, Nga là nước sở hữu nhiều nhất với 1.796 đầu đạn hạt nhân chiến lược có trong các vũ khí “siêu khủng” như ICBM, tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBMs) và máy bay ném bom chiến lược. Gần đây, Moscow đã đầu tư hàng tỷ Ruble để nâng cấp lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược.
Tính đến tháng 9/ 2016, Mỹ có 1.367 đầu đạn hạt nhân, được triển khai trong các hầm chứa dưới mặt đất và tại căn cứ không quân, nơi đầu đạn hạt nhân có thể được nạp vào các máy bay ném bom.
Vương quốc Anh có khoảng 120 đầu đạn hạt nhân, trong đó một phần ba được triển khai trên biển. Hải quân Hoàng gia Anh luôn duy trì một phần lực lượng hạt nhân Trident ở nơi nào đó trong các đại dương trên thế giới nhằm tiếp tục duy trình khả năng răn đe hạt nhân bằng tàu ngầm mang tên lửa chiến lược.