📞

Paju - bình yên nơi khói lửa

15:44 | 28/07/2017
Từng là chiến trường ác liệt nhất trong chiến tranh bán đảo Triều Tiên 1950 – 1953, nhưng Paju giờ đây đã trở thành địa điểm hấp dẫn hàng triệu lượt khách tới du lịch và mua sắm.

Chỉ cách phía Bắc thủ đô Seoul khoảng 30 phút lái xe, trên con đường cao tốc với các hàng rào dây thép gai chằng chịt phủ kín là hai trung tâm mua sắm lớn đồ sộ, với kích thước của vài sân bóng đá.

Những khẩu hiệu “Cổ tích ngoài đời thực ở Paju” của Hội đồng du lịch Hàn Quốc đã thu hút không ít khách tham quan đến để tận hưởng những giờ phút nghỉ ngơi, du lịch và mua sắm thú vị. Chứng kiến những ánh sáng lấp lánh tỏa ra từ khu vực nhộn nhịp, khó ai có thể tưởng tượng rằng đây là thành phố Paju, vùng biên giới quân sự đáng sợ nhất thế giới, nơi từng chứng kiến sự ngã xuống của nhiều binh lính Trung Quốc và Triều Tiên.

Điểm nóng du lịch

Tuy nhiên, chiến tranh đã chỉ còn là dĩ vãng. Giờ đây, không ít người nước ngoài và dân bản địa tò mò thường kéo đến làng Panmunjom để nhìn thấy những quân nhân Triều Tiên đứng gác phía bên kia biên giới với khuôn mặt nghiêm nghị. Bên cạnh đó, những địa đạo được xây dựng bởi Triều Tiên hay cầu Tự Do, nơi trao đổi tù nhân cũ ở Imjingak cũng là những địa điểm thu hút các du khách tham quan. Trên tầng thượng của Trung tâm thương mại Lotte ở Paju, khi đã thỏa mãn với những trò chơi quay ngựa gỗ, rạp chiếu phim và tàu lửa mini, nhiều du khách có sở ngắm nhìn Triều Tiên bên kia con sông Imjin qua kính viễn vọng.

Một du khách Hàn Quốc bên cạnh dàn dây thép gai gần khu vực phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên tại Paju. (Nguồn: Reuters)

Những ngày tháng 7, đài phun nước ở trung tâm thương mại Shinsegae Paju luôn rộn rã tiếng cười trẻ em. Cách đó vài kilometre, một ngôi làng mô phỏng theo phong cách vùng Provence của Pháp với nhà hàng, tiệm bánh và cửa hàng quần áo được trang trí đa sắc màu giống như những cuốn sách thiếu nhi. Chiều chiều, những đứa trẻ cùng nhau tạc tượng gỗ Pinocchio, trong khi người lớn thong thả thưởng thức hương vị khó quên của rượu meoru, làm từ một loài nho dại đặc biệt của Hàn Quốc.

Dường như bầu không khí căng thẳng bao trùm bán đảo Triều Tiên, kể từ sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo ngày 4/7, không có tác động gì đến cuộc sống người dân nơi đây. Sau khi vụ phóng tên lửa diễn ra, quân đội Mỹ - Hàn đã tổ chức cuộc tập trận với máy bay ném bom tại một địa phận gần Paju.

Chiến tranh và dĩ vãng

Tuy nhiên khi được phỏng vấn, anh Kim Ki-deok, 41 tuổi, một du khách ở làng Provence, hiện đang làm nhân viên văn phòng ở Seoul, nói rằng anh không hề cảm thấy bị đe dọa khi tới gần khu vực biên giới này: “Nếu Triều Tiên thực sự muốn, họ có thể phóng tên lửa từ xa. Không khí nơi đây rất trong lành và tôi thực sự muốn quay trở lại thành phố này”.

Tại căn cứ quân sự Bonifas của quân đội Mỹ ở ngoại ô Paju, khung cảnh cũng rất êm đềm. Nơi đây còn có sân golf ba lỗ mà tạp chí thể thao Sports Illustrated từng gọi là “sân golf nguy hiểm nhất thế giới” vì những bãi mìn còn sót lại từ thời chiến tranh.

Du khách trong khu mua sắm của Trung tâm thương mại Lotte tại thành phố Paju. (Nguồn: Reuters)

Chiến tranh Triều Tiên kết thúc cùng với lệnh ngừng bắn nhưng đến nay vẫn chưa có hiệp ước hòa bình nào được thông qua. Do đó, chiến tranh giữa hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt cơ bản vẫn chưa chấm dứt. Điều này có nghĩa là người dân Hàn Quốc luôn sống trong trạng thái đề phòng cuộc chiến bùng nổ trở lại, đặc biệt là khi Triều Tiên đã lắp đặt khoảng 10.000 khẩu pháo hướng về phía Hàn Quốc và có thể bất kỳ lúc nào, theo Bình Nhưỡng, biến Seoul thành “biển lửa” hay “đống tro tàn”.

Tuy nhiên, Park Chol-min, 30 tuổi, cho rằng đây hoàn toàn chỉ là những lời đe dọa vô căn cứ: “Đây hoàn toàn là những lời khoe khoang sáo rỗng. Tôi nghĩ rằng Triều Tiên sẽ phạm sai lầm chết người nếu như họ cố tình biến Seoul thành biển lửa”. Hẳn là những tuyên bố cứng rắn từ phía Triều Tiên cũng chẳng ngăn được nhà phát triển game đến từ Seoul đi du lịch đến Shinsegae để mua quà sinh nhật cho bạn gái của mình.

Nguy hiểm rình rập

Paju bắt đầu các chương trình du lịch liên quan đến Triều Tiên từ những năm 2000, khi Chính phủ Hàn Quốc triển khai “Chính sách Ánh Dương” nhằm thúc đẩy quan hệ liên Triều. Ngành du lịch ở khu vực này đã có bước tiến lớn vào cuối năm 2011, khi hai trung tâm thương mại lớn Lotte và Shinsegae mở cửa, thu hút tới hơn 12 triệu lượt du khách vào năm ngoái.

Không lâu sau khi hai trung tâm thương mại được thành lập, Triều Tiên bắt đầu bước vào các cuộc thử tên lửa và vũ khí hạt nhân dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, người kế nhiệm quyền lực khi người cha Kim Jong-il qua đời vào tháng 12/2011.

Tuy nhiên, những động thái này chẳng khiến khách du lịch mảy may suy nghĩ. Một quan chức Paju cho biết: “Các vụ thử tên lửa và hạt nhân không hề ảnh hưởng tới sự hào hứng khám phá của du khách. Chúng tôi đã quá quen với điều này, thật đáng buồn khi phải nói sự thật là như vậy”.

Bình thường hóa những mối đe dọa của Triều Tiên là một phần cơ chế phòng vệ của Hàn Quốc. Chuyên gia tâm lý đại học Seoul Kwak Keum-joo chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất lo lắng vì Triều Tiên khi đi ra nước ngoài. Nhưng khi quay trở lại Hàn Quốc, tôi không còn để tâm nữa”.

Ông Woo Jong-il trong căn hầm trú ẩn được xây từ những năm 70 của mình. (Nguồn: Reuters)

Dù vậy, không phải ai cũng có niềm tin như vậy. Cụ ông Woo Jong-il (74 tuổi), đang sống tại làng Manu-ri, nằm ở phía Nam bờ sông Imjin chia cắt hai miền. Như những người làng Manu-ri khác từng chứng kiến lửa đạn của Triều Tiên tàn phá ngôi làng và làm nhiều người bị thương, ông Woo đã xây một hầm trú ẩn ở sân sau nhà.

Dẫn một vài vị khách tham quan một căn hầm tối đủ chỗ cho một gia đình 7 người, ông cho biết: “Tôi không cho rằng đây là việc làm lỗi thời… Tôi cảm thấy vô cùng lo lắng, khi mà chúng tôi nằm ở ngay tiền tuyến và có thể là nạn nhân bất kỳ lúc nào. Nếu một ngày nào đó quan hệ với Triều Tiên tệ đi, căn hầm này sẽ bảo đảm an toàn cho tôi”.

(theo Reuters)