Vị Thủ tướng 93 tuổi của Malaysia được cho là có nhiều điểm tương đồng với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Cả hai nhân vật chính trị này đều thực hiện chính sách đối ngoại không liên kết, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế bền vững, phản đối các hành vi tham nhũng, đồng thời nhận thức sâu sắc về sự đa dạng văn hoá tại quốc gia của họ. Thủ tướng Mahathir - nhà lãnh đạo có những quyết sách cải cách và phát triển táo bạo, đã đưa Malaysia từ một quốc gia có nền kinh tế tụt hậu hơn so với Singapore trở thành một trong những câu chuyện thành công lớn của Đông Nam Á.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tại Kuala Lumpur tháng 7/2018. |
Là một quốc gia Hồi giáo tại châu Á, Kuala Lumpur hy vọng thông qua chuyến thăm Manila lần này, các doanh nghiệp và doanh nhân Malaysia sẽ hỗ trợ xây dựng năng lực của người dân nhằm tạo ra sự phát triển toàn diện và tìm kiếm những lĩnh vực đầu tư tiềm năng mới tại quốc gia láng giềng. Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Philippines trong ASEAN và đứng thứ 5 trong số các quốc gia nước ngoài đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Philippines với 287,3 triệu USD.
Khu vực phía Nam Philippines luôn coi “người anh em” Malaysia như một "hình mẫu" để phát triển, do vậy chuyến thăm lần này được kì vọng là “chất xúc tác” cho mối quan hệ kinh tế sôi động giữa Malaysia và miền Nam Philippines, qua đó củng cố mối quan hệ chiến lược, không chỉ là “huynh đệ vì hòa bình” mà còn là “đối tác vì sự tiến bộ”.
Sau khi Manila phê chuẩn đạo luật Bangsamoro (BOL) cho phép cộng đồng người Hồi giáo thiểu số ở Mindanao, miền Nam Philippines chuyển sang chế độ tự trị vào năm 2022, Bộ Ngoại giao Malaysia kỳ vọng chuyến thăm này sẽ tạo đà cho tiến trình hòa bình, phát triển và chấm dứt mâu thuẫn kéo dài gần nửa thế kỉ tại thành trì của phiến quân Hồi giáo Mindanao.
Chứng kiến hàng nghìn người thiệt mạng sau nhiều thập kỷ xung đột, Malaysia khẳng định luôn ủng hộ tiến trình hòa bình tại Mindanao và vinh dự khi là bên trung gian góp phần xây dựng tiến trình hòa bình để đảm bảo an toàn và ổn định tại Philippines cũng như trong khu vực.
Cuối cùng, chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Mahathir diễn ra trong bối cảnh Philippines đang “mắc kẹt” sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong chuyến thăm Manila, đã có tuyên bố khẳng định sẽ bảo vệ Philippines nếu nước này bị tấn công vũ trang trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lo ngại các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của Washington có thể dẫn tới chiến tranh, qua đó kéo Manila vào “một cuộc chiến không mong muốn”. Tuy nhiên, ngay cả khi mở rộng quan hệ hợp tác với Trung Quốc, Philippines cũng khó có thể phớt lờ Mỹ, bất chấp những tuyên bố trước đó của Tổng thống Duterte.
Khi đó, chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia là một cơ hội tốt để Philippines tham khảo ý kiến của nhà lãnh đạo 93 tuổi, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xử lý quan hệ với các cường quốc, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Ngay sau khi lên nhậm chức, ông Mahathir đã dừng nhiều dự án hợp tác kinh tế giữa Manila và Bắc Kinh, đồng thời không ngại chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dứt khoát, quyết liệt nếu cần thiết trong quan hệ với các nước lớn nhằm duy trì sự tự chủ về chính trị/kinh tế, xây dựng quan hệ gần gũi với các nước bạn bè anh em, khai thác tối đa tiềm lực đất nước là cách mà ông Mahathir đã xây dựng một Malaysia phát triển như ngày nay và ông Duterte có thể học hỏi nhà lãnh đạo quốc gia “anh em” này.