📞

Phương Đông chấn động

09:22 | 21/03/2016
Hệ thống quan hệ quốc tế khu vực châu Á đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ bởi những thay đổi to lớn, bắt nguồn từ Trung Quốc.
Ảnh minh họa.

Thế kỷ XXI chứng kiến những thay đổi về cân bằng lực lượng toàn cầu giữa Đông và Tây: Phương Tây và Mỹ, vốn luân phiên chiếm vai trò chủ đạo trong các vấn đề quốc tế, nay đã nhận ra sự đe dọa "ngôi vương" của phương Đông - đặc biệt là khi "con sư tử" Trung Quốc thức tỉnh và chuyển mình mạnh mẽ. Các quốc gia châu Á láng giềng của Bắc Kinh cũng thấy rằng cấu trúc khu vực nơi họ đang chung sống là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng từ sự chuyển mình của "người hàng xóm lớn" này.

Những dàn xếp mới

Việc Trung Quốc đang ngày càng nổi lên như một đối trọng kinh tế - chính trị đối với Mỹ tạo ra những thay đổi trong trật tự tại châu Á. Thay đổi trong quan hệ của Ấn Độ với Washington là một minh chứng cho điều này. Ngược lại với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi mối quan hệ giữa hai quốc gia này vẫn còn khoảng cách và thậm chí đóng băng, hiện Mỹ và Ấn Độ đã bắt đầu tăng cường hợp tác quân sự thường xuyên hơn với việc Washington chiếm ưu thế trên thị trường vũ khí của Ấn Độ - thế chỗ cho sự độc quyền kể từ giữa những năm 1950 của Liên Xô. Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố bán 5 tỷ USD vũ khí cho Ấn Độ. Với kế hoạch sẽ sử dụng 100 tỷ USD đầu tư vào vũ khí trong thập kỷ tới của New Delhi, mối quan hệ hợp tác này sẽ càng thắt chặt hơn. Trên một mặt trận khác, Mỹ đã đi từ việc áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Ấn Độ (do tham vọng trở thành một cường quốc hạt nhân vào năm 1999) đến việc chấp nhận New Delhi; thậm chí, theo Hiệp định 1-2-3 năm 2007, Washington còn hỗ trợ chương trình hạt nhân dân sự của đất nước Nam Á này.

Điều này trái ngược với mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi duy trì một mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ, hai quốc gia này lại cho thấy dấu hiệu của sự căng thẳng và xung đột, gần như chắc chắn xảy ra, trong lĩnh vực an ninh. Nhưng nó không phải luôn như vậy. Sau khi xảy ra mâu thuẫn vào những năm 1950, có một khoảng thời gian mà Mỹ và Trung Quốc hợp tác chiến lược, bởi có chung mối quan tâm về Liên Xô trong những năm 1970 và 1980. Một sự cạnh tranh chiến lược phát triển đã nổ ra sau đó, được đánh dấu bởi sự quyết đoán và tự tin của Trung Quốc, đặc biệt nổi bật dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng lý do thực tế nhất đó là: Tài lực kinh tế và quân đội của Trung Quốc đã đủ lớn mạnh đến mức có thể buộc Mỹ phải đắn đo xem xét việc đứng về phe các đồng minh của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi những nước này có xung đột với Bắc Kinh.

Một ví dụ khác của việc thay đổi trật tự ở châu Á là mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Sự thù hằn sau những năm chiến tranh Việt Nam đã biến mất. Kể từ khi Tổng thống George W. Bush đưa ra một quy trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, mối quan hệ song phương này đã thực sự nở rộ. Quan hệ ngoại giao đã được tái lập vào năm 1995. Từ đó, hàng loạt các chuyến thăm cấp cao đã được thực hiện bởi các quan chức Mỹ: Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000 và George W. Bush vào năm 2006; Ngoại trưởng Warren Christopher năm 1995, Colin Powell vào năm 2001, Hillary Clinton vào năm 2010 và 2012, và John Kerry vào năm 2015; Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld vào năm 2006, Leon Panetta vào năm 2012, và Ashton Carter vào năm 2015. Còn về phía Việt Nam là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2008) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2015).

Năm 2008, Mỹ và Việt Nam đã tổ chức các cuộc đối thoại đầu tiên về chính trị, an ninh và quốc phòng giữa Bộ Ngoại giao của 2 nước, bên cạnh đó là những hội nghị cấp Thứ trưởng cũng được diễn ra thường niên. Trong chuyến thăm cuối cùng của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, hai nước đã thảo luận về "mối quan hệ đối tác chiến lược". Mỹ từng hạn chế việc bán một số loại thiết bị quân sự không sát thương tại Việt Nam trong năm 2007, để đến năm 2014, Washington xóa bỏ một phần lệnh cấm này - cho dù vẫn hạn chế doanh số - để Việt Nam trang bị cho việc phòng vệ trên biển. Thêm bằng chứng về việc hợp tác an ninh giữa Mỹ và Việt Nam là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Panetta năm 2012, khi Mỹ bày tỏ quan tâm trong việc tiếp cận Vịnh Cam Ranh, nơi đã nổi tiếng ở Mỹ như một căn cứ hải quân Soviet trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Sự quyết đoán và sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc sẽ dẫn đến những dàn xếp mới của châu Á -  trật tự khác hẳn so với những gì đã xuất hiện trong Chiến tranh Lạnh. Trong số đó sẽ là một sự thay đổi chậm chạp trong các chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Bất kỳ thay đổi lớn nào trong chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản được tiến hành do sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ châm ngòi cho những cuộc tranh cãi và lo ngại tại chính đất nước mặt trời mọc này, và tất nhiên là sẽ không dễ dàng chút nào trong việc thực hiện những thay đổi ấy.

Việc thúc đẩy thông qua đạo luật cho phép Nhật Bản tham gia tự vệ tập thể và có thể xa hơn nữa - trái ngược với việc chỉ đơn giản là tham gia nhiệm vụ tự vệ và gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc dưới điều kiện hạn chế - đã dấy lên sự chống đối trong người dân Nhật Bản. Dấu hiệu của sự thay đổi trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản cũng đã gây ra sự lo lắng cho các nước lân cận – đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc – bởi những tàn dư của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản trong những năm 1930 và 1940. Đây là điều trái ngược hoàn toàn với nước Đức - quốc gia đã thừa nhận và chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ.

Trong hoàn cảnh này, thách thức của Nhật Bản sẽ là có được sự cân bằng giữa một mặt là bảo đảm có đủ sức mạnh răn đe và mặt khác trấn an được các nước láng giềng song hành với sự đồng thuận trong nước. Nếu thành công, đây sẽ là sự hỗ trợ nhiều hơn về mặt quân sự cho những thay đổi trong cán cân quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực.

Khác với các nước trong khu vực Đông Á, Ấn Độ đã hoan nghênh những thay đổi của Nhật Bản. Hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản trong các vấn đề quốc phòng và an ninh đã tăng lên đáng kể. 

Còn có rất nhiều xu hướng khác cho thấy những thay đổi trong tính toán chiến lược của các quốc gia châu Á do sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đơn cử như việc Ấn Độ và Mỹ đã bắt đầu tập trận hải quân chung vào năm 1992, và từ năm 2007 mở rộng thành cuộc tập trận Malabar, bao gồm Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ. Năm 2015, Ấn Độ và Australia bắt đầu diễn tập hàng hải mang chung mật danh “AUSINDEX”.

Bên cạnh đó, là một phần trong các chính sách mới về châu Á, Ấn Độ đã thắt chặt thêm quan hệ an ninh với Việt Nam, bắt đầu cung cấp tàu tuần tra ven biển cho Việt Nam và có thể đây là mở đầu cho việc tăng cường bán vũ khí cho Hà Nội. Đối với các quốc gia Đông Nam Á khác: Ấn Độ cũng đã tìm cách đấu thầu một hợp đồng xây dựng tàu khu trục cho Philippines; ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Indonesia và đã đào tạo phi công của Indonesia điều khiển máy bay phản lực Sukhoi do Nga chế tạo. Hiện nay, các lực lượng hải quân Ấn Độ và Indonesia đang tiến hành tập trận hải quân và tuần tra thường niên ở vịnh Bengal và eo biển Malacca. Từ phía Đông, Nhật Bản cũng đã bán cho Ấn Độ máy bay tuần tra trên biển ShinMaywa US-2 và đã mạnh mẽ vận động hành lang để bán cho Australia tàu ngầm lớp Soryu.

Cạnh tranh và thách thức

Trong khi Trung Quốc cố gắng xoay xở trong cuộc khủng hoảng kinh tế, những biến động lớn ở trong nước nhưng vẫn tiếp tục trỗi dậy toàn cầu thì Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam và Indonesia sẽ quan tâm hơn đến việc hợp tác cùng nhau. Thách thức của Trung Quốc sẽ là phải tích lũy thêm tiềm lực trong khi trấn an các quốc gia châu Á rằng ý định của mình là tốt đẹp. Bên cạnh đó, Trung Quốc cố gắng để ngăn chặn các liên minh mới nổi bằng việc thiết lập những mối quan hệ có sự gắn kết về tài chính cũng như tận dụng tiềm lực kinh tế của mình để gây áp lực về thương mại-đầu tư, viện trợ song hành với cắt giảm giao thương và gây ra tranh chấp với từng quốc gia.

Các Hiệp định thương mại song phương của Trung Quốc với các quốc gia châu Á hay sáng kiến Ngân hàng Cơ sở hạ tầng châu Á (AIB), tích cực hình thành Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP - được đưa ra bởi ASEAN vào năm 2012) và các khoản vay cho các quốc gia châu Á từ Ngân hàng xuất nhập khẩu và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (mà tổng số tiền Bắc Kinh cho các quốc gia trong khu vực vay nhiều hơn cả khoản cho vay từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á) là các ví dụ về chiến lược hợp tác kinh tế của Trung Quốc. Những bước đi này cùng với những nỗ lực của chính phủ Mỹ (phần lớn là không thành công) nhằm thuyết phục các nước tránh xa AIB và việc Mỹ thành lập ra Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó không bao gồm Trung Quốc, cho thấy cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á sẽ có quy mô lớn và đa dạng ở các lĩnh vực kinh tế, chính trị cũng như quân sự.

Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì chính sách ngoại giao vừa trấn an vừa củng cố. Hiện quốc gia này có tranh chấp lãnh thổ với một số nước trong khu vực, và về cơ bản, sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh có thể khiến họ nghiêng về phía đối đầu hơn là hòa giải, khiến Trung Quốc có nguy cơ tự rơi vào cái bẫy do mình đặt ra. 

Các nước châu Á có cơ hội được hưởng lợi từ sự hồi sinh kinh tế tại châu lục nơi có ba nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhiều nước trong đó, bao gồm cả Trung Quốc, đã có được phần của mình trong nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau - về tài chính, thương mại và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Tất cả các quốc gia này đều biết rõ xung đột khu vực có thể dẫn đến kết cục thảm khốc không chỉ về mặt kinh tế. Tuy nhiên, cũng không ai bảo đảm sự giàu có và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng của châu Á sẽ mang lại đảm bảo về sự ổn định. Khi cán cân sức mạnh của châu Á thay đổi, cũng là cơ hội để các nước thay đổi chính sách của mình. 

(Theo Hội đồng Carnegie )