📞

Qatar lâm nguy, Thổ Nhĩ Kỳ bất lực

09:21 | 10/06/2017
Dù ủng hộ đồng minh thân cận Qatar trong cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn “lực bất tòng tâm” khi còn vướng bận mối quan hệ với Saudi Arabia. 

Ngày 5/6, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain cùng một loạt các nước trong tuần này đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với lý do rằng vương quốc này đang tài trợ cho các nhóm khủng bố và có quan hệ với Iran, cựu thù của Saudi Arabia. Sinan Ulgen, Chủ tịch Trung tâm Kinh tế và Đối ngoại, nhận xét: “Đây là một cuộc khủng hoảng không mong muốn đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này có quan hệ gần gũi với cả Qatar và Saudi Arabia”. 

Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ với Qatar, nhất là trong vấn đề năng lượng, và chính sách Trung Đông của hai bên tương đối đồng nhất, song Thổ Nhĩ Kỳ cũng duy trì quan hệ tốt với các nước khác ở vùng Vịnh. Cũng như Qatar khi khiến Saudi Arabia tức giận, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ một số phong trào Hồi giáo như tổ chức Anh em Hồi giáo và nhóm Hamas. Ankara cũng có quan hệ thân thiết với Iran; các nhà ngoại giao hai bên vừa gặp gỡ nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/6 để thảo luận các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề về cuộc khủng hoảng đã kéo dài hơn 6 năm ở Syria. 

Với mong muốn không làm xấu đi mối quan hệ tốt đẹp của mình với Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu đã đề xuất giúp đỡ giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao được coi là tồi tệ nhất trong nhiều năm qua ở khu vực này. Tuy nhiên, Tổng thống Tayyip Erdogan ngày 6/6 đã tỏ ra bất cẩn khi chỉ trích các lệnh trừng phạt đối với Doha và cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có ý định phát triển quan hệ với Qatar khi Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên ủng hộ ông Erdogan sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. (Nguồn: Rsf)

Những lợi ích kinh tế 

Trong một động thái khác nhằm ủng hộ Qatar, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/6 đã phê chuẩn việc triển khai quân đội tới một căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar, mặc dù chưa xác định thời gian cụ thể. Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hậu thuẫn cho các nhóm đối lập trong cuộc nội chiến ở Libya, nhóm Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, đồng thời cũng ủng hộ phe nổi dậy đang chiến đấu chống chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. 

Bên cạnh mối quan hệ ngoại giao thân thiết, quan điểm của Ankara còn có thể được lý giải bằng lượng đầu tư của Qatar, ước tính tới 1,5 tỷ USD, ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được các hợp đồng trị giá hơn 13 tỷ USD cho các dự án xây dựng ở Qatar chuẩn bị cho World Cup 2022. So sánh sự giống nhau giữa chính sách đối ngoại của Doha và Ankara, một số nhà bình luận ở Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại quốc gia này trở thành mục tiêu cho các hành động trả đũa của Saudi Arabia và các đồng minh.

Đánh giá viễn cảnh này là không có khả năng “trở thành hiện thực”, song nhà phân tích Ulgen cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể cũng bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Doha. Ông nói: “Việc Qatar mất quyền độc lập trong chính sách đối ngoại sẽ làm suy yếu quan hệ đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ với nước đồng minh vùng Vịnh này”. 

Việc Qatar bị cấm vận sẽ khiến các dự án của Thổ Nhĩ Kỳ tại quốc gia này bị đình trệ. (Nguồn: zec.hautetfort.com)

Ít hi vọng hòa giải 

Marc Pierini thuộc cơ quan tư vấn Carnegie Europe cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng này chưa chắc đã thành công. Ông Pierini nhận định: “Tác động của một chính sách hòa giải sẽ bị hạn chế bởi sự tranh cãi gần như thường xuyên giữa Ankara và Cairo sau sự kiện Tướng (Abdel Fattah) Sisi lật đổ Tổng thống (Mohamed) Morsi”.

Tháng 7/2013, quân đội Ai Cập do Tướng Sisi lãnh đạo đã lật đổ Tổng thống Morsi, là người của tổ chức Anh em Hồi giáo. Ông Pierini nói tiếp: “Ở vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là đồng minh chính trị thân cận của Qatar. Do đó, nước này có thể gián tiếp chịu tác động về mặt ngoại giao do diễn biến mới trên bán đảo Arập”. 

Didier Billion, Phó Giám đốc Viện Các Vấn đề Quốc tế và Chiến lược Pháp, nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang ở “thế khó”. Ông nói: “Thổ Nhĩ Kỳ mong các nước cấm vận có thể giảm bớt áp lực, song họ sẽ không lắng nghe lời thỉnh cầu này”. Tuy nhiên, ông Billion bác bỏ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là mục tiêu của Saudi Arabia do có quan hệ với tổ chức Anh em Hồi giáo hay với Iran. Ông nói: “Saudi Arabia đủ hiểu rằng họ đang đối mặt với Thổ Nhĩ Kỳ, một cường quốc khu vực quan trọng mà họ không thể trấn áp được trong trường hợp này”.

(theo AFP)