📞

Quân đội Trung Quốc 2016 (Kỳ 1): Cải tổ và kiểm soát

14:22 | 29/03/2016
Bắc Kinh hy vọng đạt được gì với sự cải cách quân đội hiện nay?  
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện là Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC). (Nguồn: news.cn)

Kể từ nửa cuối năm 2015, đã có sự suy đoán đáng kể về các cải cách quân sự được đồn đoán của Trung Quốc. Sự suy đoán đã đặc biệt trở nên mạnh mẽ sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ duyệt binh ngày 3/9/2015 ở Bắc Kinh đã tuyên bố một kế hoạch cắt giảm 300.000 binh lính.

Trên thực tế, tin tức đưa về việc thay thế các quân khu bằng các vùng tác chiến trước tiên bắt đầu xuất hiện vào năm 2012, chứ không phải đến khi ông Tập đưa ra những phát biểu quan trọng trong một cuộc họp của Quân ủy Trung ương (CMC) về cải cách quân đội vào tháng 11/2015 thì các mục tiêu và mục đích cải cách mới được tiết lộ, dẫn đến việc thay thế các quân khu bằng các vùng tác chiến cũng như những xem xét toàn diện chủ yếu khác về tổ chức. Vào tháng Một vừa qua, việc tái cơ cấu đã bắt đầu hình thành.

Cải tổ hệ thống

Ở tuyến đầu của các cải cách là việc thay thế 4 Tổng cục của CMC bằng 15 cơ quan mới, không chỉ báo hiệu một sự thay đổi về tên gọi mà còn chuyển đổi hoàn toàn chức năng. Nó cũng thể hiện sự một “sự xuống cấp” đối với 4 Tổng cục. Chẳng hạn, Bộ Tổng tham mưu (GSD) trước đây thường được biết đến như là cơ quan số 1 trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), một phần là bởi nó chịu trách nhiệm về các hoạt động tác chiến và tình báo, bao gồm tình báo con người, điện tử và Internet, và một phần là bởi nó chỉ huy lục quân mà đến lượt mình, kiểm soát 7 quân khu trên khắp cả nước.

GSD giờ đây trở thành Bộ Tham mưu liên hợp của CMC, với các đơn vị và chức năng tình báo ban đầu của nó được hợp nhất vào Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF). Nó không còn thực thi quyền kiểm soát tác chiến của lục quân, mà giờ đây có sở chỉ huy riêng của mình. Bộ Tham mưu liên hợp mới sẽ chỉ đơn thuần thực hiện chức năng là một tổ chức tham mưu, tương tự với hệ thống tham mưu trưởng liên quân của Mỹ.

Tư lệnh mới nhậm chức của SSF là Trung tướng Cao Tân (Gao Jin), một thành viên kỳ cựu của Lực lượng Pháo binh 2 mà giờ đây được đổi tên lại thành Lực lượng Tên lửa, trước khi trở thành trợ lý Tham mưu trưởng của GSD và Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Quân sự của PLA. Với những thành tích nổi trội với tư cách là một sĩ quan chỉ huy, Cao Tân được nhìn nhận là có sự tinh thông cần thiết trong các hoạt động tác chiến và trao đổi tình báo. Đặt SSF dưới sự chỉ huy của Cao ngụ ý rằng SSF vẫn giữ một phần những chức năng của GSD trước đây.

Nữ quân nhân Trung Quốc trong lễ diễu binh. (Nguồn: Tân Hoa Xã)

Thay đổi lớn nhất về chức năng của Tổng cục Chính trị (GDP) là việc chuyển quyền kiểm soát của nó đối với hệ thống pháp lý quân đội sang cho Ủy ban Chính trị và Pháp luật mới. Nó báo hiệu một sự chấm dứt các chức năng kỷ luật, an ninh và nhân sự mà GDP thường giữ độc quyền. Ủy ban Chính trị và Pháp luật, cùng với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, có thể ngăn không cho các chức năng nhân sự bị kiểm soát bởi một cơ quan duy nhất trong khi đó đóng góp vào mục tiêu của Tập Cận Bình nhổ tận gốc các nhóm tham nhũng trong quân đội, như được thấy trong tình huống có liên quan đến cựu Phó Chủ tịch CMC Từ Tài Hậu.

Quách Bá Hùng, một cựu Phó chủ tịch khác của CMC, người cũng đã “ngã ngựa” trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình, có liên hệ mật thiết tới Tổng cục Trang bị (GAD), cơ quan bị “giáng cấp” đáng kể trong vòng cải cách quân đội này. GAD không chỉ chịu trách nhiệm phát triển trang thiết bị quân sự mà còn quản lý các đơn vị hàng không được tiếp quản từ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng mà giờ đây không còn tồn tại nữa.

Theo đường lối chỉ đạo mới, mỗi một quân chủng sẽ “theo đuổi công cuộc xây dựng của chính mình”, và như vậy việc phát triển trang thiết bị quân sự được cho là sẽ được phân chia giữa 4 quân chủng. Quan trọng hơn là, sự phát triển hàng không và không gian vũ trụ đã được giao cho SSF. Điều này cho thấy rằng GAD không còn quyền lực như trước đây. Chúng ta không thể loại bỏ khả năng GAD và Tổng cục Hậu cần (GLD) có thể sáp nhập trong tương lai.

Việc “kích hoạt” Lực lượng Tên lửa có nghĩa rằng Lực lượng Pháo binh 2 cuối cùng cũng có tên gọi đúng. Điều đáng chú ý là nó tương tự như Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga, mặc dù có một vài sự khác biệt. Lực lượng tương đương này của Nga kiểm soát tất cả các tên lửa đạn đạo tầm xa và tầm trung ở Nga. Trước đây nó cũng được giao nhiệm vụ phát triển không gian vũ trụ, nhưng sau đó Lực lượng Không gian được thành lập để tiếp quản vai trò đó.

Tương tự, Trung Quốc đã giao nhiệm vụ phát triển không gian vũ trụ cho SSF, không phải cho Lực lượng Tên lửa. Sự dàn xếp này gần như có khả năng được thực hiện nhằm tạo điều kiện cho không quân giữ vai trò lãnh đạo trong việc phát triển không gian vũ trụ, một động thái hướng tới hiện thực hóa chiến lược “không quân và lực lượng không gian tích hợp” được chú trọng nhiều. Trên chiến trường hiện đại, việc xác định vị trí vệ tinh, thông tin liên lạc và viễn thám là những yếu tố then chốt.

Nhằm đạt được ưu thế trong không gian, Trung Quốc có thể tự lựa chọn thiết lập một Lực lượng Không gian tách biệt. Lực lượng Tên lửa hiện nay kiểm soát tất cả các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn, liên lục địa của nước này, cho thấy rằng nó vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự ứng phó của Trung Quốc với các nước láng giềng xung quanh các tranh chấp.

Lễ diễu binh của quân đội Trung Quốc. (Nguồn: HKFP)

Kiểm soát vững chắc hơn

Theo quan điểm về cơ cấu, các cải cách của PLA một mặt là động thái hướng tới việc phát triển một lực lượng chuyên dụng và đáp ứng được những nhu cầu của chiến trường tương lai, và mặt khác là một sự cải tổ quyền lực nhằm mục tiêu nắm chắc quân đội hơn.

Điều này gợi nhớ đến Hội nghị Gutian năm 1929, khi Chủ tịch Mao Trạch Đông nắm lấy cơ hội thiết lập vai trò lãnh đạo của Đội quân thứ tư của Hồng quân. Trong cuộc cải tổ quyền lực hiện tại, 4 tổng cục đã bị suy yếu thông qua việc vô hiệu hóa một số đơn vị của họ. Một số vị tướng thậm chí đã bị cách chức. Những dấu hiệu này đủ để kết luận rằng các cải cách quân đội đang diễn ra một phần được dựa trên mong muốn của Tập Cận Bình củng cố vị trí của chính ông như là người lãnh đạo quân đội.

Nhằm giáng một đòn mạnh hơn xuống các nhóm tham nhũng được hình thành bởi 2 cựu Phó Chủ tịch CMC đã “ngã ngựa”, Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, ông Tập Cận Bình đã quay sang lực lượng không quân và hải quân cho đến nay nhận được ít đặc quyền hơn để lựa chọn nhân sự từ trong số các tướng lĩnh. Chẳng hạn, Tướng Hứa Kì Lượng của Không quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã được đề bạt lên vị trí Phó Chủ tịch CMC, vị trí theo truyền thống do các tướng lục quân nắm giữ. Chính việc Hứa Kì Lượng từng làm việc với Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều năm trước, khi hai người được điều đến tỉnh Phúc Kiến trong khoảng cùng thời điểm, đã giúp ích cho ông này.

Các cải cách quân đội, làm nổi bật việc giảm biên chế binh lính, có thể được sử dụng để làm giảm bớt vị thế và quyền lực của các tướng lĩnh nào đó, điều có lẽ là lý do thực sự để ông Tập Cận Bình thúc đẩy tái cơ cấu.  

Đón đọc Quân đội Trung Quốc 2016 (Kỳ 2): khả năng tác chiến và ảnh hưởng quốc tế

(theo The Diplomat)