📞

Quan hệ Canada-Trung Quốc: Căng thẳng cũ, xu hướng mới

Minh Vương 08:00 | 01/04/2021
Phát biểu của quan chức Trung Quốc về Canada không chỉ là cột mốc buồn trong quan hệ song phương, mà còn báo hiệu thay đổi mới trong hành xử của Bắc Kinh. Báo Thế giới & Việt Nam bình luận.

“Cậu bé, thành tựu lớn nhất của cậu là đã phá hỏng tình hữu nghị Canada-Trung Quốc” - đó là một phần dòng tweet gây tranh cãi của Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Rio De Janeiro (Brazil) Lý Dương về Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 29/3. Gay gắt hơn, ông còn cáo buộc Ottawa “bám đuôi” Washington. Có gì đáng chú ý sau phát biểu này?

Thủ tướng Canada Justin Trudeau là đối tượng chỉ trích của quan chức ngoại giao Trung Quốc tại Brazil. (Nguồn: Bloomberg)

Đã găng thêm căng

Đầu tiên, phát ngôn của Tổng Lãnh sự Lý Dương đánh dấu tiến triển tiêu cực của quan hệ Canada-Trung Quốc trong ba năm qua.

Động thái trên được đưa ra ít lâu sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận định rằng các lệnh trừng phạt của Trung Quốc với hai quan chức Mỹ và một nghị sỹ Canada là “không thể chấp nhận được”, cam kết sẽ tiếp tục bảo vệ nhân quyền cùng các đối tác quốc tế ngày 27/3.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn đài CBC, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau đã ẩn ý: “Tôi đã từng gặp nhiều kẻ bắt nạt và tôi biết rằng họ có thể thay đổi, song chỉ khi nhận được một thông điệp rõ ràng”.

Vì thế, thông qua biện pháp trừng phạt, Canada muốn gửi một thông điệp tới Trung Quốc, kêu gọi nước này chấm dứt những hành động mang tính “bắt nạt”. Trong khi đó, cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc David Mulroney cho rằng động thái của ông Lý Dương đã đánh dấu sự “phá rào” hiếm hoi và đáng ngại về phát ngôn của quan chức ngoại giao.

Quan trọng hơn cả, phát biểu của ông Lý Dương cho thấy thực tế đáng báo động của quan hệ Canada-Trung Quốc dưới thời Thủ tướng Justin Trudeau.

Bên cạnh các lệnh trừng phạt lẫn nhau tuần qua, điểm nóng khác trong quan hệ song phương là việc Ottawa và Bắc Kinh đang bắt giữ công dân của nhau suốt ba năm qua. Trung Quốc đã nhiều lần đòi Canada thả Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, người bị bắt tại Vancouver năm 2018 theo lệnh của Mỹ.

Còn Canada cũng yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho hai công dân nước này là Michael Korvig và Michael Spavor, được Ottawa cho là nạn nhân từ “toan tính chính trị” của Bắc Kinh.

“Tôi đã từng gặp nhiều kẻ bắt nạt và tôi biết rằng họ có thể thay đổi, song chỉ khi nhận được một thông điệp rõ ràng”. (Ngoại trưởng Canada Marc Garneau)

Xu hướng mới

Thứ hai, điều này một lần nữa cho thấy thay đổi rõ nét trong cách hành xử của Trung Quốc từ năm 2020, đặc biệt là sau Đối thoại Alaska giữa quan chức ngoại giao Mỹ-Trung giữa tháng 3/2021 vừa qua.

Đành rằng, ông Lý Dương đã nhiều lần chỉ trích một số vấn đề ở Mỹ như bạo lực súng đạn, di sản của chế độ nô lệ hay cách đối xử với người xin tị nạn. Nói về Canada, nhà ngoại giao này từng gọi quyết định bắt giữ và cân nhắc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu là “bẩn thỉu” và Ottawa mới là kẻ “bắt con tin”. Song đây là lần đầu ông nêu đích danh và có lời gay gắt với lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia Bắc Mỹ này.

Đáng ngại hơn, giờ đây, nhiều quan chức ngoại giao Trung Quốc khác cũng cho thấy họ sẵn sàng phát ngôn cứng rắn để bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh. Điều này được thể hiện qua phát ngôn của một số quan chức ngoại giao Trung Quốc từ năm 2020, nổi bật nhất là phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì trong đối thoại với quan chức ngoại giao Mỹ ngày 18/3/2021.

Ngày 19/3, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã đã gây tranh cãi khi gọi ông Antoine Bondaz, chuyên gia về Trung Quốc tại Tổ chức Nghiên cứu chiến lược (FRS) của Pháp là “lưu manh”, khẳng định Bắc Kinh sẽ đáp trả bất kỳ ai muốn thay đổi nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

Thậm chí, tại giao thiệp với Bộ Ngoại giao Pháp ngày 26/3, ông Lư đã phản bác mọi chỉ trích, chỉ trích hành động của nước chủ nhà là cố tình đầu độc quan hệ Trung-Pháp, phản đối mọi trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), khẳng định phản ứng của phía Trung Quốc là “hợp tình hợp lý”.

Thêm vào đó, thay vì đơn thuần lên tiếng phản đối, giờ đây Trung Quốc đã liên tục “ăn miếng trả miếng” với các lệnh trừng phạt của phương Tây, cho dù đó là Mỹ, Anh, Đức, EU hay Canada.

Tại Đối thoại Alaska, ông Dương Khiết Trì từng gọi Mỹ và Trung Quốc là “hai nước lớn chúng ta”, với hàm ý cho rằng cường quốc châu Á giờ đây đã ngang hàng với xứ cờ hoa và sẽ hành xử tương ứng với tiềm lực, vị thế của mình.

Mỹ và phương Tây từng mong Trung Quốc sẽ hành xử như một nước lớn có trách nhiệm, song với Bắc Kinh, trách nhiệm trên hết là bảo vệ lợi ích và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Vì thế, phát biểu gay gắt của quan chức ngoại giao Trung Quốc về lãnh đạo Canada không chỉ là tín hiệu tiêu cực cho quan hệ Canada-Trung Quốc tương lai, mà còn cho thấy thay đổi trong cách hành xử “nước lớn” của Bắc Kinh, xu hướng dự kiến được duy trì, đẩy mạnh trong thời gian tới.