Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: Time Magazine) |
Một năm sau khi từ Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) trở thành Bộ trưởng ngoại giao Mỹ, ông Mike Pompeo đã tới thăm 38 nước trên thế giới, trong đó có cả những nơi như Iceland, Slovakia hay Triều Tiên. Nhưng mãi đến bây giờ, người này mới công du đến nước Nga.
Ở Sochi, ông Pompeo hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đấy cũng là hai cuộc gặp cao cấp nhất giữa Mỹ và Nga kể từ sau khi ông Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau ở thủ đô Helsinki của Phần Lan hồi tháng 7 năm ngoái. Ngày 3/5 vừa qua, ông Trump và ông Putin cũng có cuộc điện đàm dài với nhau. Trước đấy, điều tra viên đặc biệt Robert Mueller đã hoàn tất báo cáo kết quả điều tra về những cáo buộc ở Mỹ cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ năm 2016 góp phần giúp ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Ông Trump và cả phía Nga nữa hiểu kết quả điều tra thể hiện trong báo cáo theo hướng xác nhận cáo buộc không có cơ sở. Như thế có nghĩa là Mỹ và Nga giờ có thể khởi động lại hay kiến tạo lại mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Pompeo công du Nga trên danh nghĩa chính thức nhằm mục đích ấy. Nhưng để khởi động trở lại quan hệ song phương thôi chứ chưa nói đến kiến tạo mới nó thì danh nghĩa của một sự kiện ngoại giao thuần tuý không thôi chưa thể đủ. Điều quyết định là xử lý ổn thoả tất cả những mối bất hoà và vướng mắc đang tồn tại trong quan hệ song phương, khắc phục những xung khắc và đối kháng lợi ích cơ bản và chiến lược, gây dựng những lợi ích chung lâu dài, thống nhất quan điểm và phối hợp hành động. Ông Putin đã nói ra và ông Trump cũng có ý mong muốn là Mỹ và Nga khôi phục lại hoàn toàn quan hệ hợp tác song phương.
Nói bao giờ cũng dễ và nhanh hơn làm. Tuyên bố chính trị là một chuyện, thực hiện cụ thể là chuyện khác, thực hiện đầy đủ và thành công lại càng khác. Vì chỉ có địa lợi không thôi trong khi thiếu vắng cả thiên thời lẫn nhân hoà thì cặp quan hệ song phương này hiện chưa thể được khôi phục và vì thế sứ mệnh của ông Pompeo với chuyến công du nước Nga này là chưa thể khả thi.
Chính trường và xã hội nước Mỹ hiện đâu có thuận lợi gì cho việc bình thường hoá trở lại mối quan hệ của Mỹ với Nga. Càng gần đến cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội tới ở Mỹ thì mọi chuyện có liên quan đến Nga sẽ trở nên càng thêm nhạy cảm và tế nhị về chính trị đối nội ở Mỹ nên chẳng chính trị gia và chức sắc nào ở Mỹ dám bỏ qua hay bất chấp trong khi những khúc mắc dễ trở nên còn trầm trọng hơn chứ không phải có thể được khắc phục.
Trên chương trình nghị sự của các cuộc trao đổi của ông Pompeo ở Nga có đủ chuyện xa gần. Có chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân và Triều Tiên. Nhưng thời sự hơn cả là chuyện Iran và Venezuela, Syria và Ucraine. Đấy cũng còn chính là những vấn đề mà hai bên không chỉ cọ sát mà còn đối kháng lợi ích chiến lược cơ bản. Trong những chủ đề nội dung này, cả hiện tại cũng như thời gian tới sẽ không thể có chuyện Mỹ và Nga thống nhất quan điểm và phối hợp hành động. Ông Pompeo chỉ giải thích cho phía Nga về mưu tính của Mỹ và nghe Nga thông báo quan điểm của phía Nga. Mỹ sẽ không vì Nga mà thay đổi ý đồ chiến lược nhưng phải lựa Nga để thực hiện ý đồ chiến lược ấy ở Iran, Venezuela, Syria và cả liên quan đến Ucraine. Nga không thể thuyết phục được Mỹ từ bỏ chính sách thù địch với Iran, chủ trương thay đổi thể chế ở Venezuela, chấm dứt những biện pháp chính sách trừng phạt Nga liên quan đến Ucraine hay trở thành cùng hội cùng thuyền với Nga ở Syria nhưng có thể buộc Mỹ phải lưu ý thoả đáng đến những lợi ích chiến lược của Nga tại các nơi này. Sự đồng thuận duy nhất hiện tại xem ra chỉ là giải trừ vũ khí hạt nhân với cả những đối tác khác nữa như Trung Quốc và không để Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.
Cho dù sứ mệnh ngoại giao vẫn chưa thể khả thi đối với ông Pompeo với chuyến đi Nga này, nhưng nó cũng không đến nỗi chẳng thành công gì. Thời điểm và bối cảnh chính trị thế giới của sự kiện còn cho thấy rồi đây thì chưa biết sẽ thế nào, nhưng hiện tại phía Mỹ chưa vội và cũng chẳng dám phiêu lưu mạo hiểm trong thực hiện những mưu tính của Mỹ với Iran và Venezuela.