Theo đó, ngày 13/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua quyết định chấm dứt hỗ trợ quân sự cho liên minh do Saudi Arabia cầm đầu, hiện đang tham chiến tại Yemen. Đây là lần đầu tiên, kể từ năm 1973, một trong hai viện của Quốc hội Mỹ ủng hộ một nghị quyết rút lực lượng quân sự Mỹ ra khỏi kế hoạch tham chiến ở nước ngoài theo Đạo luật Quyền Chiến tranh.
Quan trọng hơn, ngay sau khi bỏ phiếu về Yemen, Thượng viện Mỹ đã đưa ra nghị quyết cáo buộc Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman đứng đằng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi và kêu gọi nước này xét xử thích đáng những kẻ phạm tội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Mohammad Bin Salman. (Nguồn: Getty Images) |
Trong hệ thống chính trị của Saudi Arabia, Quốc vương và Thái tử đóng vai trò tối cao. Do đó, động thái của Thượng viện Mỹ đã khiến Riyadh “nóng mặt” và có tuyên bố đáp trả mạnh mẽ, gọi hành động của cơ quan này là “can thiệp vào nội bộ quốc gia”.
Thêm vào đó, nước này cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 12% ngân sách quốc phòng hàng năm, xuống còn 51 tỷ USD. Saudi Arabia thuộc những nước mua nhiều trang thiết bị quốc phòng nhất thế giới và trong bối cảnh chiến sự Yemen vẫn đang diễn biến ác liệt, động thái này được cho là nhắm vào nhà cung cấp vũ khí chính của Riyadh là Washington. Do đó, căng thẳng chưa từng có tiền lệ này sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với quan hệ đồng minh truyền thống giữa Saudi Arabia và Mỹ.
Quan trọng hơn, quyết định của Thượng viện Mỹ còn cho thấy sự chia rẽ giữa Tổng thống Donald Trump và tầng lớp lãnh đạo trong đảng Cộng hòa. Trong 56 phiếu ủng hộ việc chấm dứt hỗ trợ của quân đội Mỹ đối với liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu tham chiến tại Yemen có tới 7 Thượng Nghị sỹ của đảng Cộng hòa. Trước đó, nhiều Thượng Nghị sỹ nổi bật của đảng này như Bob Corker, Lindsey Graham, Rand Paul và Mitt Romney đều đã lên tiếng chỉ trích hành động “bao che” của ông Trump đối với Thái tử Mohammed Bin Salman, bất chấp mối quan hệ truyền thống giữa Mỹ và Saudi Arabia. Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ của đảng Cộng hòa dành cho Tổng thống Donald Trump vẫn đang ở mức cao (89%), sự phản đối này có thể coi là một động thái hiếm hoi và cho thấy rằng “thành công” thời gian qua của ông Trump chưa thể thuyết phục hoàn toàn những nghị sỹ của đảng Cộng hòa.
Cuối cùng, việc quan hệ Mỹ - Saudi Arabia gặp nhiều trắc trở có thể tạo điều kiện cho Moscow xích lại gần hơn với Riyadh. Sở hữu sản lượng dầu lớn nhất thế giới, Nga đóng một vai trò quan trọng với Hiệp hội các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tổ chức do Saudi Arabia dẫn đầu. Khi đó, Moscow có thể hợp tác với Riyadh và OPEC giảm sản lượng khai thác để đẩy giá, điều ông Trump từng nhiều lần phản đối vì lo ngại nó gây tổn hại tới quyền lợi người tiêu dùng Mỹ.
Ngoài ra, Nga đang trong quá trình thương lượng bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Saudi Arabia. Trong bối cảnh Washington dừng hỗ trợ Riyadh trong cuộc chiến tại Yemen, Thái tử Mohammed bin Salman có thể quay sang Tổng thống Vladimir Putin để tìm kiếm hợp đồng vũ khí mới cho xung đột tại đây, ít nhất là cho đến khi Mỹ áp dụng Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA). Cái đập tay thân tình của Tổng thống Putin và Thái tử Salman, cùng cuộc trao đổi ngắn ngủi giữa Tổng thống Trump và Thái tử Salman tại Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tháng 12 cho thấy quan hệ “môi hở răng lạnh” ngày nào giờ đã không còn như trước.