📞

Quan hệ Trung - Nhật lại “dậy sóng”

11:14 | 11/08/2016
Những ngày gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên căng thẳng do Trung Quốc liên tục đưa tàu cá và tàu tuần duyên vào vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. 

Quan hệ "xấu đi rõ rệt"

Trước đó, Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản công bố ngày 2/8 đề cập: “Trung Quốc đã gia tăng hoạt động gần quần đảo Senkaku, như cho máy bay quân sự bay gần các đảo”. Tính đến cuối tháng 6/2016, phi cơ không quân Nhật Bản xuất kích khoảng 200 lần trong vòng 3 tháng, cao hơn 86 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Katsutoshi Kawano, người đứng đầu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF), "dường như các hoạt động của Trung Quốc đang leo thang cả trên không lẫn trên biển". Và nhận định đó không chỉ còn là “dường như” khi thực tiễn trong hai ngày 6-7/8 đã có tổng cộng 13 tàu của Trung Quốc bao gồm cả tàu của các ngư dân Trung Quốc, xâm nhập vào khu vực được coi là lãnh hải của Nhật Bản.

Tàu Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. (Nguồn: Reuters)

Ngày 9/8, Tokyo đã cảnh báo Bắc Kinh rằng quan hệ hai bên đã "xấu đi rõ rệt" do những đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Đại diện ngoại giao Trung Quốc ở Nhật Bản lặp lại quan điểm của Bắc Kinh rằng, "đó là lãnh thổ không thể tranh cãi" của Trung Quốc và kêu gọi hai bên tăng cường trao đổi để giải quyết tranh chấp.

Christopher Hughes, giáo sư nghiên cứu chính trị quốc tế tại đại học Warwich (Anh) đánh giá những động thái gần đây của Trung Quốc cho thấy sự leo thang đáng kể trong quan hệ Trung – Nhật bởi từ trước tới nay, Bắc Kinh chưa hành động với quy mô lớn như vậy.

“Thêm dầu vào lửa”

Căng thẳng về tranh chấp trên vùng đảo Senkaku/Điếu Ngư luôn là nhân tố gây bất ổn và căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật mặc dù hai năm qua, hai bên đã tiến hành các cuộc đối thoại để xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa giải quyết "tận gốc" những nguyên nhân tranh chấp.

Trung Quốc vốn không hài lòng với những "nước cờ" của Nhật Bản trên Biển Đông khi Tokyo quan tâm và tích cực can dự vào các sự việc liên quan đến tranh chấp trên vùng biển này.

Điển hình như, Nhật Bản không ngừng đưa hệ thống liên minh Nhật - Mỹ đi vào chiều sâu thông qua việc tích cực phối hợp với quân đội Mỹ tăng cường bố trí quân sự ở khu vực biển Đông.

Bên cạnh đó, Tokyo tiến hành sửa đổi Hiến pháp, tăng cường tính hợp pháp và năng động trong việc điều động lực lượng quân đội đến Biển Đông. Nước này cũng nhiều lần đề cập tới vấn đề Biển Đông ở các hội nghị quốc tế nhằm quốc tế hóa việc giải quyết tranh chấp Biển Đông...

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Luật Biển (UNCLOS) 1982 về vấn đề Biển Đông, Nhật Bản tích cực kêu gọi Trung Quốc chấp nhận và thực thi phán quyết, như một động thái “thêm dầu vào lửa”, thổi bùng căng thẳng song phương và buộc Bắc Kinh phải tăng cường các biện pháp “cảnh cáo” Tokyo.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã yêu cầu Trung Quốc phải thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài. (Nguồn: EPA).

Cụ thể, Trung Quốc muốn tăng cường hoạt động trên biển Hoa Đông để đáp trả việc Nhật Bản cam kết hỗ trợ các nước Đông Nam Á và can dự vào Biển Đông. Một số học giả còn hoài nghi rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động trên biển Hoa Đông thực chất chỉ là cách đánh lạc hướng sự chú ý của quốc tế khỏi khu vực Biển Đông sau "thất bại" của nước này trước phán quyết của Tòa trọng tài. Từ đó, Bắc Kinh sẽ "rảnh tay" tiếp tục những việc nước này đang làm trên Biển Đông, mà không gặp phải sự công kích gay gắt từ phía quốc tế.

Dù tính toán của Trung Quốc có là gì, căng thẳng trên biển Hoa Đông sẽ chưa thể dịu lại trong thời gian ngắn do Nhật Bản sẽ tiếp tục thể hiện thái độ chủ động và cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và Trung Quốc cũng sẽ không có thay đổi lớn trong chiến lược biển của mình.