📞

Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ: Kỳ vọng từ cả đôi bên (Kỳ I)

Sinh Thành 14:51 | 08/10/2019
TGVN. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức lần 2 vào ngày 11/10 tới. Báo Thế giới & Việt Nam giới thiệu một loạt bài đánh giá về quan hệ Ấn – Trung hiện nay. 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Thượng đỉnh không chính thức đầu tiên ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc ngày 28/4/2018. (Nguồn: AP)

Một cuộc gặp cấp cao giữa hai nước lớn, dù chính thức hay không chính thức, luôn là sự kiện thời sự quan trọng và ẩn chứa nhiều kỳ vọng cho quan hệ song phương. Cuộc gặp không chính thức lần 2 giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra vào cuối tuần này tại thành phố biển Mamallapuram, bang Tamil Nadu (Ấn Độ) cũng đang tạo ra kỳ vọng như vậy.

Không có chương trình nghị sự cụ thể

Tương tự cuộc gặp không chính thức đầu tiên tại Vũ Hán ngày 27/4/2018, cuộc gặp lần này sẽ không có chương trình nghị sự cụ thể. Tuy nhiên, hai bên có thể trao đổi nhiều vấn đề, nhất là biện pháp duy trì hòa bình trên Đường kiểm soát thực tế (LAC) và định hướng cho vòng đàm phán biên giới lần thứ 22 giữa hai nước, dự kiến diễn ra cuối năm.

Phía Ấn Độ sẽ tiếp tục đề nghị Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa Ấn Độ để cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên. Bắc Kinh có thể kêu gọi đẩy nhanh tiến bộ triển khai Hành lang Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar. New Delhi có thể tiếp tục nêu vấn đề chống khủng bố và hai bên nhiều khả năng sẽ bàn thảo về hoạt động kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao năm 2020. Diễn biến mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng là chủ đề cùng quan tâm.

Trên tinh thần cuộc gặp tại Vũ Hán, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không đưa vấn đề nhạy cảm như Kashmir vào nội dung trao đổi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định Kashmir không phải là chủ đề thảo luận tại cuộc gặp lần này.

Sở dĩ hai bên lạc quan về cuộc gặp lần hai bởi quan hệ hai nước phát triển tương đối ổn định kể từ sau lần hội ngộ tại Vũ Hán. Hai bên đã có nhiều trao đổi thông qua các cuộc gặp cấp lãnh đạo tại Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Bishkek (Kyrgyzstan) và Thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản). Ấn Độ gần đây cũng tỏ ra kiềm chế, không can dự vào các vấn đề Hongkong và Đài Loan, với hy vọng Trung Quốc sẽ tôn trọng các vấn đề nhạy cảm thuộc lợi ích cốt lõi của Ấn Độ.

Thời gian qua, hai bên đã giải quyết được một số vấn đề tồn tại đã lâu như mở chi nhánh ngân hàng Trung Quốc tại Ấn Độ, Bắc Kinh đã từ bỏ lập trường phủ quyết việc đưa Masood Azhar vào danh sách khủng bố của Liên hợp quốc.

Kỳ vọng của Trung Quốc

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đặt nhiều kỳ vọng về cải thiện quan hệ trong cuộc gặp lần này.

Với Trung Quốc, về mặt kinh tế, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang đặt ra nhiều thách thức: nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, giá sinh hoạt leo thang, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, thất nghiệp gia tăng. Quan trọng hơn, cuộc chiến có thể làm chậm kế hoạch thực hiện được Giấc mơ Trung Hoa vào năm 2021 và Sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2025. Do vậy, Ấn Độ với thị trường khồng lồ và cơ hội đầu tư lớn, là thay thế không nhỏ đối với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang gặp phải vấn đề nội bộ, khi sinh viên và giới trí thức công khai chỉ trích ông Tập Cận Bình, cựu chiến binh tham gia biểu tình, chiến dịch chống tham nhũng gây ra sự bất bình trong nhiều giới. Việc xử lý vấn đề Hongkong cũng cho thấy rạn nứt trong nội bộ và sự suy yếu của Trung Quốc, ngoài những vấn đề đã tồn tại từ lâu như Tây Tạng và Tân Cương.

Do vậy, Trung Quốc không muốn vướng thêm rắc rối, nhất là với một Ấn Độ có tiềm lực lớn và không ngại Trung Quốc. Mặt khác, Bắc Kinh không muốn đẩy New Delhi đi xa hơn nữa với Washington, gây bất lợi cho Trung Quốc về tương quan lực lượng.

Trung Quốc không muốn đẩy Ấn Độ xích lại gần Mỹ. (Nguồn: EPA)

Ấn Độ: Cân bằng là chìa khóa

Đối với Ấn Độ, Trung Quốc vừa là nước lớn, vừa là nước láng giềng cùng chung biên giới. Do vậy, Trung Quốc chắc chắn vẫn là ưu tiên đối ngoại cao nhất của Ấn Độ. Về mặt kinh tế, với thương mại hai chiều vượt 70 tỷ USD và triển vọng đầu tư lớn từ Trung Quốc, Ấn Độ hiểu rõ cơ hội kinh tế mà Trung Quốc có thể mang lại, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay.

New Delhi cũng chủ trương đối thoại với Bắc Kinh để xử lý các bất đồng song phương, đặc biệt là tranh chấp biên giới, quan hệ chính trị và kinh tế chiến lược ngày một sâu sắc giữa Trung Quốc – Pakistan, cùng việc Trung Quốc đang xâm nhập vào khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương, vốn được coi là sân sau của Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi thấy rằng sẽ không có lợi khi đối đầu với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ấn Độ cũng cần quan hệ với Trung Quốc để tạo thế trong quan hệ với Mỹ. Bước vào nhiệm kỳ thứ hai, Thủ tướng Narendra Modi chắc chắn sẽ tự tin hơn trong triển khai chính sách “Tự chủ chiến lược”. Theo đó, Ấn Độ tiếp tục duy trì quan hệ cân bằng với các nước lớn, không đối đầu, nhưng cũng giữ khoảng cách, không đi hẳn với nước nào. Sách lược này sẽ giúp Ấn Độ không bị ràng buộc hay lệ thuộc, đảm bảo quyền tự do hành động và luôn có dư địa cho điều chỉnh quan hệ khi cần thiết, sẵn sàng sử dụng quan hệ với nước này để làm đòn bẩy trong quan hệ với nước khác.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Modi đã thấy rõ lợi ích tốt nhất của Ấn Độ là tăng cường quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, New Delhi không hoàn toàn tin cậy Mỹ và luôn tránh trở thành con bài của Washington trong quan hệ với các nước lớn khác. Do vậy, nhiều khả năng, Thủ tướng Ấn Độ sẽ tiếp tục phải duy trì chiến lược đảm bảo sự cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Nếu căn cứ vào mức độ quan tâm của cả Trung Quốc và Ấn Độ như trên, kỳ vọng về tiến bộ trong cuộc gặp không chính thức giữa Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình lần này là có cơ sở, dù hai bên có thể phải đánh đổi lợi ích trong một số vấn đề không bị coi là cốt lõi. Đồng thời, đây có thể là cơ hội cho lãnh đạo hai nước định hình lại quan hệ song phương trong bối cảnh mới tại khu vực và thế giới.