📞

Schengen và ‘giấc mơ có thật’ của hai nước Đông Âu

Đào Anh 06:00 | 14/04/2024
Trước Thế chiến I, công dân châu Âu có thể đi từ Paris, Pháp đến Saint Petersburg, Liên Xô mà không cần có hộ chiếu hay loại giấy thông hành nào. Sau Thế chiến II, sự nghi kỵ lẫn nhau dẫn đến việc hộ chiếu trở thành vật cần thiết khi di chuyển trong phạm vi châu lục.
Ngày 31/3, Romania và Bulgaria chính thức gia nhập một phần khối Schengen của Liên minh châu Âu. (Nguồn: AFP)

Ngày 14/6/1985 tại Schengen, một thị trấn nhỏ nổi tiếng về nghề nấu rượu nằm ở cực Đông - Nam của nước Luxembourg, năm nước thuộc Cộng đồng châu Âu (EU) là Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Tây Đức cùng nhau ký Hiệp ước Schengen, thỏa thuận bãi bỏ việc kiểm soát biên giới giữa năm nước này.

Hiệp ước Schengen nhằm khôi phục lại trật tự, niềm tin lẫn nhau giữa các quốc gia châu Âu được hình thành từ lâu đời. Văn bản này chính là tiền đề cho công dân được đi lại tự do trong vùng lãnh thổ chung của năm nước mà không cần xin visa (thị thực).

Từ năm quốc gia đến "đại lãnh thổ"

Đến năm 1995, Thỏa thuận và Hiệp ước Schengen đi vào thực hiện chính thức, biến khu vực Schengen trở thành một “đại lãnh thổ” thống nhất, trong đó các nước thành viên đều mở cửa, bãi bỏ các biện pháp kiểm soát ở biên giới, cho phép công dân đi lại tự do trong khu vực.

Gần 40 năm qua, các quốc gia thành viên Schengen không ngừng đề xuất những sáng kiến và áp dụng các chính sách phù hợp để phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch trong khối.

Thứ nhất, đó là visa Schengen. Đối với công dân các nước ngoài khối Schenghen, sự ra đời visa Schengen giúp họ có cơ hội tiếp cận một lúc với 27 nước chỉ bằng một lần thực hiện thủ tục xin visa. Điều này giúp Schengen trở thành điểm đến thống nhất, rộng lớn và hấp dẫn hơn rất nhiều so với từng nước riêng lẻ trước đó.

Thêm nữa, đây là lợi thế cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư, nguồn lực lao động và du khách nước ngoài đến tham quan, sinh sống, học tập, làm việc, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội trong khu vực vượt bậc so với trước kia. Ngoài ra, việc xoá bỏ kiểm soát biên giới góp phần giảm thời gian, giá thành vận chuyển hàng hóa qua châu Âu, thúc đẩy xúc tiến thương mại và hợp tác nhiều mặt giữa các nước.

Thứ hai, đó là hệ thống thông tin Schengen (SIS). SIS giúp các nước thành viên tăng cường hợp tác xuyên biên giới thông qua việc thiết lập hệ thống cảnh sát, hải quan, biên phòng và hệ thống thông tin chung đối với tất cả các bên tham gia Hiệp ước. SIS là kho cơ sở dữ liệu chung bao gồm thông tin về người cần tìm kiếm, mất tích hoặc đang bị truy nã cũng như xe và giấy tờ tùy thân liên quan, góp phần đáng kể cho quá trình tìm kiếm thông tin cũng như bảo vệ an ninh trong khu vực.

Đây cũng là công cụ đắc lực nhằm giúp cảnh sát và cơ quan lãnh sự truy cập kho dữ liệu chung về tội phạm, trao đổi thông tin trực tiếp, giám sát xuyên biên giới và truy bắt tội phạm nhằm chống khủng bố, buôn bán người và nhập cư bất hợp pháp.

Thứ ba, đó là hệ thống xuất nhập cảnh (EES). EES đã thúc đẩy tự động hóa việc đăng ký và kiểm soát dữ liệu cá nhân của công dân các quốc gia ngoài EU qua biên giới bên ngoài Khu vực Schengen. Trong đó, ESS sẽ thay thế hệ thống đóng dấu hộ chiếu thủ công và giám sát điện tử từng lần nhập cảnh và xuất cảnh, từ chối nhập cảnh và thời gian lưu trú của công dân các nước ngoài EU khi họ đi qua biên giới.

Quá trình không ngừng mở rộng

Kể từ khi thành lập, khối Schengen đã trải qua bảy lần mở rộng. Bắt đầu từ năm 1991, khối Schengen được mở rộng với sự gia nhập của Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha (1991), Hy Lạp (1992), Áo (1995), Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển cùng với Iceland, Na Uy (1996). Sau đợt mở rộng trên, khu vực Hiệp ước Schengen có 15 thành viên.

Ngày 21/12/2007, khu vực Schengen có thêm chín thành viên mới là Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan, Slovakia và Slovenia, nâng tổng số các nước trong khối lên 24 nước với hơn 400 triệu dân, đưa biên giới khu vực Schengen tiến sát tới các nước Ukraine, Belarus và Nga.

Những năm tiếp theo, Schengen lại được mở rộng với sự kết nạp của Thụy Sỹ (2008), Liechtenstein (2011) và Croatia (1/1/2023). Đến 31/3/2024, sau 13 năm chờ đợi, Bulgaria và Romania gia nhập một phần khối đi lại tự do Schengen với việc bỏ kiểm soát biên giới đường hàng không và đường biển.

Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát trên biên giới đất liền sẽ vẫn được duy trì do Áo phản đối việc các nước Đông Âu trở thành thành viên chính thức của khu vực Schengen vì lo ngại làn sóng người xin tị nạn tràn vào.

Sau khi Bulgaria và Romania gia nhập, khu vực Schengen hiện có 29 thành viên, bao gồm 25 trong số 27 quốc gia thành viên EU, cùng với và các quốc gia còn lại trong khối Schengen là Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein.

Trước khi kết nạp thêm Bulgaria và Romania, khu vực này gồm 27 quốc gia thành viên, trải rộng trên diện tích 4 triệu km2, với dân số gần 420 triệu người. Với việc gia nhập của Romania và Bulgaria, khu vực Schengen tăng lên 4,5 triệu km2 trong khi dân số tăng lên 450 triệu người.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, đây là thời khắc lịch sử của khối Schengen và nêu rõ các nước đang cùng nhau xây dựng một châu Âu mạnh mẽ, đoàn kết hơn cho mọi công dân. Tuyên bố của EC nhấn mạnh, Bulgaria và Romania sẽ góp phần tăng cường các nỗ lực chung của châu Âu nhằm giải quyết vấn đề an ninh của EU ở các biên giới ngoài khối và thách thức về di cư.

Tác động của sức hấp dẫn mới

Việc Bulgaria và Romania gia nhập một phần khối đi lại tự do Schengen đã có ảnh hưởng lớn đến hợp tác và hội nhập ở châu Âu.

Đầu tiên, sự gia nhập Schengen của Bulgaria và Romania đã xóa bỏ rào cản tự do di chuyển của hai quốc gia này trên đường biển và đường hàng không cũng như gỡ bỏ đường biên giới đất liền với các nước còn lại trong khối.

Đầu tháng 3/2024, Ủy ban châu Âu đã đưa ra các Khung hợp tác tăng cường hợp tác về di cư, an ninh biên giới và các thủ tục tị nạn. Những khuôn khổ này được xây dựng dựa trên các dự án thí điểm thành công về quy trình tị nạn và hồi hương nhanh chóng.

Ngoài ra, sáng kiến hợp tác cảnh sát khu vực đã được thiết lập giữa các quốc gia thành viên dọc theo các tuyến đường di cư lớn như Bulgaria, Romania, Áo, Hy Lạp, Hungary và Slovakia nhằm mục đích tìm giải pháp lâu dài để giải quyết các nguy cơ cấp bách hiện tại, trong đó có vấn đề giải quyết tội phạm xuyên biên giới.

Sự gia nhập của Bulgaria và Romania được dự báo tạo nên những thay đổi mới trong làn sóng nhập cư. Thủ tục nhập cư của EU cần có những thay đổi phù hợp để thích ứng với việc Bulgaria và Romania gia nhập Schengen bằng đường hàng không và đường biển. Các quốc gia sẽ cần điều chỉnh việc cấp thị thực và chính sách biên giới bên ngoài để phù hợp với các quy định cập nhật của Schengen. Điều này dẫn đến một số thay đổi trong thủ tục nhập cư nói chung.

Bên cạnh đó, việc khối Schengen có thêm hai nước Đông Âu mở ra một kỷ nguyên mới cho châu Âu thống nhất cũng như chứng minh về giá trị và an ninh Schengen.

Đây là cột mốc lịch sử tượng trưng cho cam kết của EU đối với một liên minh ngày càng chặt chẽ hơn, được xây dựng dựa trên những lợi ích căn bản trong việc bảo đảm quyền tự do di chuyển cho người dân.

Bằng cách tham gia khối Schengen, hai nước này giúp mở rộng khu vực di chuyển tự do lớn nhất trên toàn cầu, khiến nó càng trở nên hấp dẫn hơn.

Cuối cùng, đối với công dân Bulgaria và Romania, họ đã phần nào hoàn thành “giấc mơ 13 năm”. Việc gia nhập khu vực Schengen mang lại cảm giác tự hào và kết nối mạnh mẽ với châu Âu.

Theo các chuyên gia về chính sách đối ngoại, nhiều người Bulgaria và Romania cảm thấy bị cô lập khi phải đi qua làn đường riêng tại các cửa khẩu biên giới. Việc dỡ bỏ hàng đợi kiểm soát biên giới giúp họ có thể vượt qua các chốt kiểm tra biên giới chỉ trong vài phút, giúp hành trình của họ thuận tiện và tự do hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mới được mở ra, Bulgaria và Romania vẫn còn gặp nhiều thách thức sau khi gia nhập, trong đó phải kể đến những trở ngại trong giao thông đường bộ. Các đơn vị vận tải đường bộ vẫn đang phải đối mặt với những tổn thất tài chính do phải chờ đợi không thời hạn ở biên giới đất liền với các nước láng giềng. Cả hai chính phủ đều quyết tâm đàm phán để đạt được quyền tự do đi lại trên bộ, tiến tới đạt được tư cách thành viên đầy đủ của Schengen vào cuối năm nay.

Sự mở rộng mới nhất cho thấy lục địa châu Âu đang tiếp tục nỗ lực thể hiện sự gắn kết mạnh mẽ hướng tới phát triển mới. Chắc chắn, vẫn sẽ có những tồn tại, chẳng hạn như di cư, an ninh và bảo đảm hợp tác giữa các quốc gia tham gia…

Khu vực Schengen cần tiếp tục phát triển, đổi mới và thích ứng với thay đổi của hoàn cảnh, đặc biệt là những thay đổi địa chính trị ngày nay. Giải quyết được những thách thức này chắc chắn sẽ là một trong những ưu tiên trước mắt của EU để bảo đảm cho khu vực này duy trì và củng cố hình ảnh của mình, vốn là biểu tượng của sự thống nhất và tiến bộ của châu Âu.