Chưa có phán quyết cuối cùng
Phiên điều trần ngày 7/2 (giờ địa phương) tại Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 ở Sanfrancisco, Mỹ, để đưa ra quyết định có khôi phục sắc lệnh này của ông Donald Trump hay không, đã kết thúc mà không đưa ra được phán quyết nào. Các thẩm phán chỉ thông báo tòa sẽ có phán quyết sớm nhất nhưng không nêu rõ thời điểm cụ thể. Điều này khiến ông chủ mới của Nhà Trắng hết sức bất bình, cho rằng phiên tòa này “mang nặng tư tưởng chính trị”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP) |
Phát biểu trước các lãnh đạo lực lượng cảnh sát và tòa án, ông Trump nói rằng những gì ông nghe thấy trong phiên tòa vào chiều muộn ngày 7/2 thật “đáng hổ thẹn”: “Tôi chưa bao giờ muốn kết luận một phiên tòa bằng từ bất công, vì thế tôi sẽ không dùng từ bất công khi vẫn chưa có một phán quyết cụ thể. Tuy nhiên, phiên tòa này dường như mang nặng tính chính trị”.
Những bình luận này của ông Trump đã làm nổ ra một sự phản ứng mạnh mẽ tại một đất nước nơi mà hiếm khi Tổng thống có những lời đả kích châm chọc mang tính cá nhân đối với một nhánh khác của chính quyền.
Những người chỉ trích sắc lệnh của ông Trump cho rằng nó đã vi phạm Hiến pháp khi phân biệt đối xử với người dân chỉ vì lý do tôn giáo. Các thẩm phán thụ lý vụ kiện cũng bày tỏ sự hoài nghi đối với quyết định của chính quyền. Thẩm phán Michelle Friedland, người được chỉ định bởi cựu Tổng thống Obama, đặt câu hỏi: “Chính quyền có bằng chứng xác thực nào để chắc chắn rằng những quốc gia bị hạn chế này có quan hệ với bọn khủng bố hay không?”.
Trước đó, giới chuyên gia cũng cho rằng những lý lẽ mà chính quyền đưa ra nhằm khôi phục sắc lệnh hạn chế này sẽ vấp phải nhiều khó khăn.
Cuộc chiến rắc rối
Ngày 27/1, tân Tổng thống Donald Trump đã ra sắc lệnh hạn chế nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân của 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi trong vòng 90 ngày và cấm tất cả người tị nạn vào Mỹ trong 120 ngày (người tị nạn đến từ Syria bị cấm vô thời hạn).
Sau khi ông Trump đưa ra sắc lệnh nói trên, một thẩm phán liên bang đã bất ngờ đưa ra một phán quyết tạm thời đình chỉ trên toàn quốc sắc lệnh này và điều đó bị chính quyền Mỹ nhanh chóng phản đối. Phán quyết cuối cùng về sự việc trên, dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối tuần này, có thể xóa bỏ sự mập mờ trong phạm vi quyền hành pháp của ông Trump và sẽ có tác động lâu dài về pháp lý.
Nhiều người tại các thành phố trên toàn thế giới đã xuống đường và Mỹ để phản đối Tổng thống về sắc lệnh này. (Nguồn: AFP) |
Chính quyền Trump đã phản đối phán quyết của ông Robart bằng cách đệ trình một bản kiến nghị khẩn cấp lên Tòa Phúc thẩm Liên bang số 9, trong đó nói rằng việc hoãn thi hành lệnh hạn chế nhập cảnh này sẽ gây “tổn hại không thể bù đắp” cho dân chúng Mỹ. Ông Trump đã liên tục công kích ông Robart trong một loạt tuyên bố đầy hung hăng đăng tải trên trang mạng Twitter của mình. Tân Tổng thống Mỹ viết: “Luận điểm của con người được coi là thẩm phán này, mà bản chất là gạt sự tôn trọng luật pháp ra khỏi đất nước chúng ta, thật nực cười và sẽ bị bác bỏ”.
Để biện hộ cho sắc lệnh của mình, Donald Trump đã viện dẫn Điều II trong Hiến pháp Mỹ, trong đó trao cho Tổng thống quyền được trực tiếp ban hành chính sách nhập cư và chỉ đạo các công tác đối ngoại.
Chính quyền Mỹ đã bảo vệ sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống, gọi đây là một “sự thực hiện hợp pháp” quyền hành của ông, đồng thời khẳng định rằng tòa án liên bang đã sai khi “đóng băng” việc thực thi sắc lệnh này.
Biện luận của ông Trump cũng được dựa trên điều khoản của Đạo luật Quốc gia về nhập cư đã có hiệu lực từ 65 năm nay, theo đó Tổng thống được phép đình chỉ việc nhập cảnh vào Mỹ đối với bất cứ công dân nước ngoài nào mà ông cho rằng sự hiện diện của họ “gây thiệt hại cho các lợi ích của nước Mỹ”. Các luật sư của chính quyền đang nỗ lực bênh vực cho lý lẽ này khi nói rằng bộ máy tư pháp của đất nước không đủ tư cách ra quyết định về các vấn đề an ninh quốc gia.
Các luật sư này cho rằng: “Không giống như Tổng thống, các tòa án không được tiếp cận các thông tin mật về mối đe dọa mà các tổ chức khủng bố tạo ra cho các nước, chúng đang nỗ lực thâm nhập vào nước Mỹ, hoặc lách qua các kẽ hở trong kiểm soát an ninh”.
Trong khi đó, những người phản đối sắc lệnh của Nhà trắng cũng trích dẫn Hiến pháp, nói rằng sắc lệnh hành pháp này vi phạm những nguyên tắc cơ bản, bao gồm những nguyên tắc về bình đẳng, tự do đi lại và tự do tôn giáo. Họ cũng nhấn mạnh rằng vai trò của ngành tư pháp là kiểm soát ngành hành pháp, cốt là để bảo vệ các cộng đồng thiểu số. Những người này cũng nhấn mạnh họ có quyền hợp pháp để phản đối bởi thực tế là lệnh cấm của ông Trump đã ảnh hưởng đến họ cùng với những hậu quả gây ra cho các doanh nghiệp và ngành giáo dục của Mỹ. Họ cũng cảnh báo rằng việc khôi phục lại sắc lệnh này có thể đe dọa trật tự công cộng, các vụ lộn xộn sẽ xảy ra, đặc biệt tại các sân bay…