Tên lửa Topol-M của Nga. (Nguồn: Top War) |
Trong bài phỏng vấn trên tờ The Washington Times ngày 7/5, ông Marshall Billingsley - đại diện về kiểm soát vũ khí của Tổng thống Mỹ - cho rằng Washington không cần “kiểm soát vũ khí chỉ để kiểm soát”. Vì vậy, chính quyền Mỹ muốn được giải thích về sự cần thiết phải gia hạn START-3.
Hơn nữa, Hiệp ước ở dạng hiện tại không giải quyết được một số vấn đề được coi là ưu tiên tại Mỹ; nếu thiếu sự cân nhắc, việc gia hạn hoặc ký kết một START mới, theo chính quyền Mỹ là không có ý nghĩa.
Có ba điểm chính mà Mỹ quan tâm. Đó là sự tham gia của Trung Quốc - nước có lực lượng hạt nhân chiến lược phát triển; vũ khí tương lai của Nga như các hệ thống Dagger, Poseidon và Petrel; và việc kiểm tra và thu thập thông tin nhằm thắt chặt quá trình kiểm tra và thanh tra.
Vấn đề Trung Quốc
Trong cuộc phỏng vấn, ông Billingsley bày tỏ quan điểm của chính quyền Mỹ về hiện trạng và triển vọng của START. Ngoài ra, một loạt vấn đề Washington đang lo ngại đã được liệt kê và một số đề xuất đã được đưa ra.
Ý tưởng đầu tiên của Billingsley là thu hút Trung Quốc ký các thỏa thuận mới. Cần nhắc lại rằng, trong quá khứ Bắc Kinh đã nhiều lần được mời tham gia START và INF, nhưng kiên quyết từ chối.
Các lý do của việc từ chối khá đơn giản và có liên quan đến việc các điều khoản của cả hai thỏa thuận là quá mức hoặc nguy hiểm cho các lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc.
Tên lửa DF-21D của Trung Quốc. (Nguồn: Top War) |
START-3 hiện tại quy định giảm số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai xuống còn 1.550 đơn vị, tổng số phương tiện sử dụng được giới hạn ở mức 800 đơn vị, trong đó có 700 phương tiện được triển khai.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc có không quá 700-900 đầu đạn và không quá 250-300 phương tiện mang phù hợp để triển khai - ít hơn đáng kể so với giới hạn START-3 cho phép. Tuy nhiên, tổng số phương tiện sử dụng tiềm năng đạt đến 1.200-1.300 đơn vị.
Với INF, tình hình cũng khác. INF cấm các nước thành viên phát triển, sản xuất và vận hành các hệ thống tên lửa mặt đất có tầm bắn từ 1.500 đến 5.500km. Quân đội Trung Quốc sở hữu một loạt tên lửa thuộc nhiều loại, từ chiến dịch-chiến thuật đến liên lục địa.
Hơn nữa, các tên lửa tầm bắn trung bình và ngắn hơn, là cơ sở của lực lượng tên lửa Trung Quốc - với tổng số hơn 300 đơn vị. Để so sánh, số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bố trí trên đất liền và trên biển không vượt quá 120-130 đơn vị.
Việc tham gia START-3 không có ý nghĩa gì với Trung Quốc, vì các lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc không vượt quá giới hạn cho phép. Tuy nhiên, trong tương lai, khi lực lượng hạt nhân chiến lược phát triển, START sẽ hạn chế tiềm năng của chúng.
Đối với INF, một thỏa thuận như vậy đơn giản là đe dọa an ninh quốc gia. Nếu chấp nhận các điều khoản của nó, Trung Quốc sẽ buộc phải loại bỏ gần 2/3 số tên lửa hạt nhân bố trí trên đất liền.
Vũ khí tiềm năng của Nga
Billingsley đề nghị phía Nga từ bỏ các vũ khí đầy triển vọng, như tàu ngầm Poseidon, cũng như các tên lửa Dagger và Petrel. Các loại vũ khí này không phù hợp với các định nghĩa của START-3 và Washington không muốn thay đổi hiệp ước có tính đến sự tồn tại của chúng.
Rõ ràng, Nga sẽ không từ bỏ các phát triển như vậy. Đó là một phản ứng không đối xứng với hành động của "đối tác nước ngoài" và để duy trì sự cân bằng chiến lược.
Mỹ đang tích cực triển khai tàu ngầm mang tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân (SSBN), xây dựng các cơ sở phòng thủ tên lửa chiến lược và phát triển máy bay ném bom tầm xa mới. Nga đối phó tất cả điều này bằng các dự án của mình trong các lĩnh vực khác.
Việc từ bỏ các phát triển mới sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc tiếp tục công việc đó gây ra mối đe dọa đối với Mỹ, dẫn đến những tuyên bố như gần đây. Rất nực cười là đề xuất của Billingsley về từ bỏ làm việc nghiên cứu các mẫu vũ khí không có sẵn ở Mỹ. Có vẻ như đây là một nỗ lực khác để đánh lận con đen.
Кiểm soát và mất lòng tin
Trong nửa thế kỷ qua, Mỹ và Liên Xô/Nga đã ký kết và thực hiện một số điều ước quốc tế về kiểm soát vũ khí. Trong thời gian đó, một hệ thống giám sát và kiểm soát lẫn nhau thành công và hiệu quả đã được hình thành và vẫn còn tồn tại.
Ngoại trừ những thiếu sót và sự cố nhất định, nói chung, một hệ thống như vậy khẳng định khả năng thực thi và hiệu quả. Nếu Trung Quốc tham gia các thỏa thuận hiện có, một hệ thống như vậy sẽ phải được thay đổi.
Mặc dù có những khó khăn nhất định của giai đoạn chuyển tiếp, vẫn nên duy trì khả năng hoạt động và cung cấp tính minh bạch ba bên cần thiết. Tuy nhiên, Mỹ hiện muốn xem xét hệ thống hiện có.
Billingsley đề cập một biện pháp thắt chặt nhất định, nhưng không nêu các chi tiết cụ thể. Đồng thời, ông này nói thẳng rằng, Washington không tin tưởng vào Moscow và Bắc Kinh - một cái cớ chính thức cho các yêu cầu mới.
Liên quan đến các tuyên bố của quan chức Mỹ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, các tín hiệu từ Washington không ủng hộ sự lạc quan và tiếp tục một cuộc đối thoại có kết quả. Phía Mỹ đưa tình huống như thể Nga không còn quan tâm đến sự tồn tại của START. Thứ trưởng Nga nhắc lại các sự kiện gần đây liên quan Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), khi Mỹ đã cố gắng cáo buộc, đổ vấy trách nhiệm sang Nga, và sau đó, đã rút khỏi hiệp ước. Ông Ryabkov cho rằng rất có thể trong trường hợp START-3, chính quyền Mỹ sử dụng phương pháp tương tự. |
Thay đổi trách nhiệm
Cả ba biện pháp kiểm soát vũ khí do đại diện Tổng thống Mỹ đề xuất đều là đáng ngờ hoặc không thể. Trung Quốc không muốn tham gia các thỏa thuận hiện có hay thỏa thuận mới trong tương lai, Nga sẽ không từ bỏ vũ khí mới và thắt chặt các biện pháp kiểm soát sẽ không cải thiện quan hệ giữa các quốc gia tham gia vốn không nồng ấm này.
Rõ ràng, giới lãnh đạo Mỹ không có ý định gia hạn hiệp ước START-3 ở dạng hiện tại. Họ muốn lôi kéo bên thứ ba - Trung Quốc - quốc gia có lực lượng hạt nhân chiến lược đủ mạnh và đã trở thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ trên trường quốc tế - vào quá trình đàm phán.
Washington đề xuất tính đến sự tiến bộ trong lĩnh vực vũ khí, nhưng theo cách đơn giản nhất - cấm mọi thứ nằm ngoài các điều khoản của hiệp ước START hiện tại. Đồng thời với tuyên bố này, ông Billingsley và các quan chức khác bắn tin rằng, Mỹ đã sẵn sàng cho một kịch bản tiêu cực, theo đó, START-3 sẽ không được gia hạn và không được thay thế.
Quan điểm hiện tại giúp Mỹ mặc cả và cố gắng thoát khỏi tình huống một cách có lợi nhất. Nếu Nga và Trung Quốc đồng ý với các điều kiện mà ông Billingsley nêu ra, Washington sẽ thoát khỏi một số vấn đề tiềm ẩn.
Trong trường hợp ngược lại, START-3 sẽ chấm dứt tồn tại, tạo điều kiện cho Mỹ xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược chỉ tính đến các kế hoạch và khả năng của chính mình.
Tuy nhiên, sự thiếu vắng của bất kỳ hạn chế nào sẽ cởi trói cho các đối thủ địa chính trị của Mỹ. Nhìn chung, quan điểm hiện tại của lãnh đạo Mỹ đối với hiệp ước START-3 hoặc các sự thay thế có vẻ hợp lý và thuận tiện theo quan điểm của Mỹ, nhưng bất lợi cho các quốc gia khác.
Tất cả điều này không cho phép biến đối thoại thành một kênh mang tính xây dựng và đi đến các giải pháp cùng có lợi. Đến thời điểm START-3 hết hiệu lục còn chưa đầy 1 năm. Trong những tháng còn lại, Nga và Mỹ phải xây dựng chiến lược chung và áp dụng các biện pháp.
Tuy nhiên, những tuyên bố mới của các quan chức Mỹ rõ ràng đe dọa quá trình này. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong lĩnh vực START vẫn là một câu hỏi lớn chưa có câu trả lời và tương lai của START-3 vẫn rất khó đoán định.