Lính pháo binh Ukraine nạp đạn bên trong pháo tự hành 2S1 Gvozdika tại một vị trí dọc chiến tuyến, khu vực Donetsk. (Nguồn: AFP) |
Sau cuộc phản công thất bại của Ukraine vào mùa hè năm 2023 và đặc biệt sau khi đánh chiếm thành trì Avdiivka tháng 2/2024, các lực lượng Nga đang đẩy mạnh tấn công vào các tuyến phòng thủ tiếp theo của lực lượng vũ trang Ukraine trên khắp các mặt trận từ Donbass đến Zaporizhia và Kherson.
Cuộc chiến vũ khí hiện đại
Do những khó khăn trong việc tiếp nhận viện trợ quân sự từ các nước phương Tây, hiện quân đội Ukraine đang phải chịu sự vượt trội về hỏa lực so với quân Nga và chịu tổn thất to lớn. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Soigu ngày 2/4 tuyên bố có 80.000 binh sỹ Ukraine đã thiệt mạng từ đầu năm 2024 đến nay. Về phía Ukraine, Tướng Oleksandr Sysky, Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine cũng thông tin, quân đội nước này đã tiêu diệt hàng chục xe tăng, thiết giáp cùng nhiều binh sỹ Nga trong cuộc chiến tăng lớn nhất sau Thế chiến Hai.
Cuộc chiến không chỉ diễn ra ác liệt trên chiến trường mà giờ đây các bên đã chuyển lửa vào sâu trong lãnh thổ của nhau, những cơ sở năng lượng và quân sự ở xa tiền tuyến. Mới đây nhất, rạng sáng ngày 2/4/2024, theo lãnh đạo nước cộng hòa Tatarstan (cách biên giới Ukraina 1.100 km) ba máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã tấn công vào khu vực này, làm bảy người bị thương tại một ký túc xá và gây ra ra một đám cháy tại một nhà máy lọc dầu. Kể từ đầu năm nay, Ukraine đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các nhà máy lọc dầu trên khắp lãnh thổ Nga ở Nizhny Novgorod, Ryazan, Kuibyshev và Syzran.
Ở chiều ngược lại, nhằm trả đũa các cuộc tấn công của Kiev vào bán đảo Crimea và vùng Belgorod cũng như sau vụ khủng bố tại Nhà hát Crocus City Hall, từ ngày 22/3 lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã dùng hàng trăm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và UAV đánh vào hầu hết các nhà máy nhiệt điện, thủy điện và các trạm biến áp trên toàn lãnh thổ. Gần đây, ngày 1/4 Nga đã tập kích Nhà máy nhiệt điện Zmievskaya và tất cả các trạm biến áp ở Kharkov, làm mất điện toàn thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Theo lãnh đạo Tập đoàn Năng lượng Ukraine, Nga đã phá hủy 80 % năng lực sản xuất điện và truyền tải điện của Ukraine.
Cùng với đó, Nga đã bắn phá hầu hết các sân bay của Ukraine nhằm phá hủy đội máy bay quân sự Ukraine và các cơ sở hạ tầng sân bay nhằm làm cho Kiev không thể tiếp nhận các loại máy bay phương Tây, dự kiến được chuyển giao cho nước này vào mùa hè. Một quan chức quân sự Nga cho rằng, một trong những nhiệm vụ của chiến dịch quân sự của Nga đã hoàn thành, đó là phi quân sự hóa Ukraine, có nghĩa là giờ đây Ukraine không thể tự sản xuất được các thiết bị quân sự, mà phải nhập hoàn toàn từ các đối tác nước ngoài.
Nỗ lực hòa đàm chưa kết quả
Trong những tuyên bố của mình, Nga và Ukraine đều nói mong muốn đàm phán để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, mỗi bên lại đưa ra những điều kiện hòa đàm hoàn toàn trái ngược nhau. Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky nêu lên công thức hòa bình mười điểm của mình, trong đó có mục Nga phải rút quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ thuộc Ukraine được quốc tế công nhận trước thời điểm năm 1991, bao gồm cả bán đảo Crimea. Ngoài ra, tổng thống Zelensky còn ký Sắc lệnh cấm đàm phán với Nga sau khi Nga tiến hành sáp nhập bốn vùng gồm Donets, Lugansk, Zaporizhia và Kherson vào LB Nga.
Về phía Nga, họ nói chưa bao giờ từ chối đàm phán hòa bình về Ukraine, nhưng cũng đưa ra các điều kiện của mình. Tổng thống Nga Putin nhiều lần nói, nếu Ukraine mong muốn đàm phán thì trước hết phải hủy bỏ Sắc lệnh về cấm đàm phán với Nga, và điều quan trọng hơn, Ukraine phải dựa trên thực tế mới, đó là việc Nga đã sáp nhập bốn vùng lãnh thổ mới vào LB Nga.
Nga hạ hàng chục tên lửa Vampire 'nhăm nhe' tỉnh biên giới, cáo buộc Ukraine dùng vũ khí hóa học của Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Trên mặt trận ngoại giao, Ukraine và các nước phương Tây đã tổ chức nhiều Diễn đàn hòa bình về Ukraine tại Đan Mạch, Saudi Arabia, UAE nhằm thu hút các nước lên án Nga. Tổng thống Zelensky, Ngoại trưởng Kuleba của Ukraine đã tiến hành nhiều chuyến thăm con thoi, gặp gỡ giới ngoại giao, hành pháp, lập pháp các nước, từ những quốc gia thân phương Tây đến những nước không tiến hành cấm vận Nga, vận động viện trợ quân sự cũng như thành lập mặt trận chống Nga.
Trên thế giới, một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sỹ... mong muốn đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga-Ukraina nhưng đến nay chưa thành công. Các nước này cùng với Nga đều cho rằng, những diễn đàn quốc tế về hòa bình ở Ukraine mà không có sự tham gia của Nga sẽ không đem đến kết quả.
Chờ đợi bầu cử Tổng thống Mỹ
Không ai có thể biết khi nào chiến sự sẽ kết thúc tại Ukraine bởi các bên đều thiếu lòng tin với nhau. Nga cho rằng các nước phương Tây luôn theo đuổi mục đích làm suy yếu chiến lược đối với Nga nên trong khi kêu gọi hai bên đàm phán nhưng vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine và đổ lỗi cho Nga leo thang căng thẳng, đẩy châu Âu đến nguy cơ chiến tranh.
Lãnh đạo một số nước thuộc NATO như các nước Baltic, Ba Lan nói, Nga sẽ tấn công vào sườn phía đông của NATO nếu chiến thắng ở Ukraine. Để ngăn cản người Nga giành thắng lợi, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 2/4 đã đề xuất lập một quỹ hỗ trợ cho Ukrane trong vòng 5 năm có giá trị 100 tỷ euro, trong đó trao cho liên minh phương Tây vai trò trực tiếp hơn điều phối cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị cho Ukraine.
Về phía Nga, ông Konstantin Gavrilov, Trưởng phái đoàn của Nga về đàm phán an ninh quân sự kiểm soát vũ khí tại Vienna, Áo, cho rằng mối quan hệ giữa Nga và NATO hiện nay còn thấp hơn thời Chiến tranh Lạnh. Theo ông Gavrilov, phương Tây nói muốn đàm phán nhằm câu giờ chỉ nhằm giúp quân đội Ukraine phục hồi sau thất bại cuộc phản công mùa hè 2023 và áp lực tấn công của Nga giai đoạn gần đây. Nga đã có nhiều bài học về lời hứa từ phương Tây trong việc không mở rộng NATO về phía Đông và thực hiện thỏa thuận Minsk. Vì vậy Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự cho đến khi đạt được mục đích của mình.
Tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine nhưng Nga đã thay đổi chiến thuật so với thời kỳ đầu tiên của Chiến dịch quân sự. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài trả lời phỏng vấn nhà báo Kysylov trên kênh truyền hình Trung ương Nga cuối tháng 2/2024 nói rằng quân đội Nga tiến công chậm, chắc, ưu tiên dùng các vũ khí hiện đại nhằm tránh tổn thất nhất đối với binh sỹ Nga. Các loại vũ khí hiện đại nhất như tên lửa đạn đạo Kinzhal, Zircon, bom lượn siêu nặng FAB 3000, bom chùm, UAV “đánh võng” Lanset được sử dụng nhiều trên chiến trường...
Đại diện 83 quốc gia tham gia đàm phán để tìm tiếng nói chung về sáng kiến hòa bình của Ukraine ở Davos, Thụy Sỹ ngày 14/1/2024. (Nguồn: Twitter) |
Ngay Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cũng phải công nhận sự nguy hại của vũ khí Nga, và nói rằng, trong 6 ngày cuối tháng 3, Nga đã thả 700 quả bom lượn có sức công phá khác nhau. Bom lượn có thể được thả cách tiền tuyến 65 km và rơi xuống đất đúng vị trí chỉ trong vài phút, khiến hệ thống phòng không Ukraine khó đánh chặn. Đối với các loại tên lửa thì lại càng khó tiêu diệt hơn bởi số lượng lớn và thời gian phát hiện từ lúc phóng đi rất ngắn. Tên lửa của Nga bắn ồ ạt từ bán đảo Crimea hoặc các tàu chiến của Nga tại Biển Đen vào các thành phố của Ukraine như Kiev, Kharkov mất khoảng 3,5 phút và Odessa là 1 phút. Mức độ chính xác của các loại tên lửa này đã tăng lên, từ vài chục hoặc trăm mét thời đầu chiến dịch, nay chỉ là một vài mét.
“Ukraine có thể bị đánh bại trong cuộc xung đột với Nga vào mùa hè 2024”, chuyên gia quốc phòng của tờ Robert Fox của Anh viết. Theo ông, hỏa lực của Nga mạnh gấp 5 lần khả năng của Lực lượng vũ trang Ukraine, vì vậy NATO phải khẩn trương hơn trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong khi đó, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan dự đoán rằng cuộc xung đột có khả năng kết thúc vào năm 2025 bởi cả hai bên đã đạt đến giới hạn của những gì có thể đạt được thông qua các hoạt động quân sự và giờ đã đến lúc tiến hành đối thoại hướng tới ngừng bắn.
Và ai cũng biết, năm 2025 là thời điểm Tổng thống mới của Mỹ sẽ nhậm chức. Cuộc xung đột Nga Ukraine kéo dài hay không phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm và sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine. Theo tuyên bố của các ứng viên Tổng thống Mỹ, nếu đương kim tổng thống Biden tái đắc cử thì “Mỹ sẽ viện trợ cho Ukraine cho tới khi nước này vẫn cần”, còn nếu cựu tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng thì ông ấy “sẽ kết thúc xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ”. Vậy hãy chờ kết quả cuộc bầu cử và cam kết thực hiện những tuyên bố này ra sao, còn trước mắt, chiến sự trên thực địa tiếp tục căng thẳng, thậm chí ngày càng khốc liệt hơn.