Nhỏ Bình thường Lớn

Sự thật về “khu rừng” lán trại Calais

Sự tồn tại của khu lán trại Calais trong suốt nhiều năm qua dường như là một nỗi day dứt của nước Pháp trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư.
TIN LIÊN QUAN
su that ve khu rung lan trai calais Anh từ chối nhận thêm trẻ em từ trại tỵ nạn Calais
su that ve khu rung lan trai calais Pháp hối thúc Anh tiếp nhận 1.500 trẻ vị thành niên từ Calais

Được biết đến như một khu ổ chuột lớn nhất nước Pháp ở thành phố cảng Calais, “khu rừng” lán trại là nơi những người tị nạn cư trú tạm thời để tìm cách nhập cư bất hợp pháp sang Anh qua tuyến đường hầm Channel xuyên eo biển Manche.

Quá trình hình thành

Năm 1994, khi đường hầm xuyên eo biển Manche được khánh thành, khu lán trại tạm bợ ở cánh rừng ngoại ô thành phố cảng Calais bắt đầu trở thành điểm đến của người di cư. Năm 1999, để giải tỏa các trại tị nạn trong thành phố, chính quyền Pháp đã mở một khu do Hội Chữ thập đỏ giám sát bên trong một nhà máy của tập đoàn Eurotunnel gần với đường hầm. Cảnh sát Pháp đã phải mất tới 3 năm để đóng cửa các trại tị nạn này.

su that ve khu rung lan trai calais
Khu tị nạn tạm bợ tại thành phố Calais, Pháp. (Nguồn: AP)

Tuy nhiên, đến năm 2015, thành phố cảng Calais lại tiếp tục trở thành “điểm nóng” của người tị nạn khi cuộc khủng hoảng người di cư tới lục địa già bùng nổ. Chỉ trong vài tuần, một thành phố thu nhỏ toàn lều bạt đã được hình thành. Sự tồn tại của khu lán trại trái phép này từ nhiều năm nay đã tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.

Số người tị nạn thay đổi liên tục

Thật khó để xác định chính xác số người sống ở khu lán trại không đủ điều kiện xin tị nạn theo luật pháp quốc tế này. Hậu quả là Calais trở thành một khu vực tị nạn bất hợp pháp với cơ sở hạ tầng tồi tàn, còn giới chức trách không thể kiểm soát được số dân sinh sống ở đây. Dòng người di cư liên tục đến và đi, gây khó khăn cho các tổ chức từ thiện và chính quyền địa phương trong việc thống kê dân số.

Theo thông tin từ Chính phủ Pháp, tính đến trước thời điểm phát động chiến dịch giải tỏa khu lán trại hôm 24/10, có khoảng 6.000 - 8.000 người di cư đang sống tại đây. Trong khi các tổ chức cứu trợ cho rằng con số thực tế phải gần 10.000 người. Đàn ông chiếm đa số, còn phụ nữ chỉ chiếm khoảng 10% - 15% tổng dân số ở khu lán trại.

Họ đến từ đâu?

Chiến tranh, bạo lực, khủng bố và đói nghèo là các lý do chính khiến những người tị nạn phải chịu cảnh sống tạm bợ tại Calais. Theo đại diện Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) ở Pháp Philippe Leclerc, hầu hết người di cư ở Calais chạy trốn bạo lực ở một số nước Trung Đông và Bắc Phi như Syria, Iraq, Afghanistan, Eritrea, Somalia, Sudan...

su that ve khu rung lan trai calais
Những người tị nạn tại Calais, đặc biệt là trẻ em, thường là những đối tượng của hành vi vi phạm nhân quyền. (Nguồn: Getty)

Anh, Pháp và các nước phương Tây đều đang nỗ lực giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai này. Tuy nhiên, khu lán trại nhếch nhác và bẩn thỉu này dường như đã trở thành biểu tượng cho sự thất bại của EU trong nỗ lực giải quyết bài toán di cư hóc búa.

Trong bối cảnh, xung đột tại các nước như Syria, Iraq… vẫn đang tiếp diễn, nỗ lực của LHQ và cộng đồng quốc tế tại các vòng đàm phán hòa bình liên tiếp gặp thất bại. Không những thế, nhiều mạng lưới tổ chức khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Boko Haram… chưa được triệt phá, xung đột sắc tộc tại các quốc gia ngày càng gia tăng. Hậu quả là, hàng trăm nghìn người di cư vẫn tiếp tục hành trình bất chấp những hiểm nguy trên biển hay băng qua các vùng chiến sự ác liệt, để đến với miền đất hứa châu Âu. Và, tất nhiên, khu lán trại Calais trở thành điểm dừng chân bất đắc dĩ của những người tị nạn chờ đợi cơ hội trốn sang Anh.

Tại sao Anh lại là mục tiêu?

Thị trưởng thành phố Calais Natacha Bouchart đánh giá rằng những người tị nạn bất hợp pháp coi nước Anh như một chốn thiên đường, nơi sẽ đem lại cho họ phúc lợi và dễ tìm việc hơn nước Pháp. "Pháp không tốt cho tương lai của tôi và hơn hết, quốc gia này nổi tiếng với việc không dễ dàng cấp giấy phép cư trú", Edward (24 tuổi), tới từ Baghdad (Iraq) cho biết.

Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Anh tiết lộ hầu hết những người di cư đăng kí xin tị nạn tại Anh đều bày tỏ nguyện vọng kiếm được một công việc tốt hoặc bởi vì họ nói tiếng Anh và muốn sử dụng ngôn ngữ này. Những người khác khai báo có người thân ở Anh hoặc tin tưởng Anh có điều kiện nhà ở và giáo dục tốt hơn. Nhiều người di cư còn truyền tai nhau rằng ở lại Pháp đồng nghĩa với việc họ sẽ không có nơi để trú ngụ trong vài tháng, phải đối diện với bộ máy quan liêu Pháp và cả những công chức không biết sử dụng tiếng Anh.

su that ve khu rung lan trai calais
Khoảng 1.250 cảnh sát được huy động để đảm bảo an ninh trong suốt quá trình giải tỏa khu lán trại. (Nguồn: Getty)

Ngoài những người tìm cách đăng ký xin tị nạn với chính quyền Anh vì có đủ điều kiện, giấy tờ tùy thân…, một số lượng lớn người di cư trốn sang Anh theo đường bất hợp pháp. Đêm đêm, người nhập cư cố vượt qua lực lượng cảnh sát bằng cách trèo lên các xe tải đang trên đường ra cảng. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hành động liều mạng này đã khiến 31 người nhập cư thiệt mạng trong năm ngoái và khiến 15 trường hợp thiệt mạng tính từ đầu năm đến nay.

Vi phạm nhân quyền

Sống trong điều kiện không điện, nước, y tế, giáo dục và thường xuyên xảy ra bạo lực, những người tị nạn tại Calais, đặc biệt là trẻ em, thường là những đối tượng của hành vi vi phạm nhân quyền. Nhiều trường hợp trẻ em bị dụ dỗ làm việc trong các cơ sở trồng cần sa, bị bóc lột, đánh đập và thậm chí là xâm hại tình dục. Thêm vào đó, bệnh tật và suy dinh dưỡng là tình trạng phổ biến của hầu hết trẻ em nơi đây. “Đây là một nơi đáng sợ đối với trẻ em. Không thể tưởng tượng có một nơi nào tồi tệ cho trẻ em hơn ở đây”, bà Martha Mackenzie thuộc Hội bảo vệ trẻ em ở Anh, miêu tả về khu lán trại Calais.

Tháng 9 vừa qua, ông Peter Wanless, Giám đốc điều hành của Tổ chức quốc gia phòng chống nạn bạo hành với trẻ em (NSPCC), phản ánh: "Chúng ta đang phải đối mặt với tình huống khó khăn và nguy hiểm do trẻ em bị các băng nhóm tội phạm tìm mọi cách đưa đến Calais - chặng cuối cùng của một cuộc hành trình khủng khiếp. Các em bị giấu trong các lán trại chờ cơ hội sang Anh và trong quá trình này các em cũng bị lạm dụng và bóc lột”.

su that ve khu rung lan trai calais
Các nhà hoạt động biểu tình ở ngoài Đại sứ quán Pháp ở London ngày 7/9 nhằm phản đối chính sách giải tỏa các khu lán trại cho người nhập cư ở Calais ở miền Bắc nước Pháp. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh cũng từng thừa nhận tình trạng những kẻ buôn người tìm cách trục lợi bằng việc đưa người tị nạn trái phép từ Calais sang Anh.

“Những đứa trẻ di cư vì muốn thoát khỏi điều kiện sống khủng khiếp ở quê nhà. Chúng đã đến châu Âu với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên,  cuộc sống của chúng lại đang gặp nguy hiểm thêm một lần nữa", bà Gloria Micallef thuộc tổ chức phi chính phủ Care4Calais bày tỏ.

Chính quyền Anh và Pháp đã làm gì?

Trong nỗ lực giải quyết triệt để “khu rừng” lán trại bất hợp pháp, ngày 24/10, Pháp bắt đầu thực hiện chiến dịch giải tỏa và sơ tán hàng nghìn người di cư ra khỏi đây. Chỉ sau 3 ngày, nhà chức trách Pháp thông báo chiến dịch xóa sổ khu lán trại tạm bợ ở thành phố cảng Calais đã kết thúc. Hoạt động phá dỡ diễn ra êm thấm, cho dù một số người di cư đốt cháy lều trại chống lại việc đóng cửa khu lán trại Calais.

"Đây là sự chấm hết cho khu lán trại Calais. Chiến dịch xóa sổ đã hoàn tất", người đứng đầu lực lượng cảnh sát Calais, Fabienne Buccio xác nhận. Trong một tuyên bố chung, Bộ Nội vụ và Bộ Nhà ở Pháp thông báo, tổng số 5.596 người lớn và trẻ em tại khu lán trại Calais đã được chuyển tới khu tái định cư.

Ủng hộ chiến dịch của Pháp, chính quyền Anh cũng cam kết hỗ trợ Pháp 36 triệu bảng (44 triệu USD) tiến hành chiến dịch giải tỏa và sơ tán khu lán trại ở Calais, đồng thời giúp tăng cường kiểm soát biên giới qua đường hầm Calais giữa hai nước. Bên cạnh đó, London cũng khẳng định sẽ đưa những trẻ em có đủ điều kiện pháp lý từ Pháp sang Anh một cách an toàn và sớm nhất. Trước đó, 234 trẻ vị thành niên không có bố mẹ hoặc người thân đi cùng đã được chính quyền Anh tiếp nhận. Chính quyền cả hai nước đều đang nỗ lực giải quyết triệt để “khu rừng tị nạn” xấu xí này.

Sẽ có một khu lán trại khác thay thế?

Những người tị nạn tại Calais đang đứng trước hai sự lựa chọn: xin tị nạn tại Pháp và sẽ được di dời sang khu vực khác hoặc trở về quê nhà. Một số tổ chức từ thiện tại Calais cho rằng mặc dù đề xuất này của Chính phủ Pháp sẽ là lựa chọn phù hợp cho những người đang tìm kiếm tị nạn tại Pháp, nhưng lại không khả thi với nhiều người muốn định cư ở Anh.

“Nhiều người tị nạn ở Calais kiên quyết muốn được sang Anh. Họ sẽ trở lại Calais và khả năng một khu lán trại khác được hình thành là hoàn toàn có thể", đại diện Care4Calais nhận định.

Hơn một thập kỷ qua, Calais được xem như một thỏi nam châm đối với người di cư. Hiện nhiều người dân địa phương tuy vui mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng các khu định cư mới sẽ mọc lên ở nơi khác tại Calais sau khi khu lán trại kia vừa được san bằng. Lo ngại của họ không phải không có cơ sở, nhất là khi chiến dịch xóa sổ khu lán trại Calais rõ ràng chỉ giải quyết được bề nổi vấn đề trong khi gốc rễ của cuộc khủng hoảng di cư vẫn chưa thực sự được xử lý.

su that ve khu rung lan trai calais Anh từ chối nhận thêm trẻ em từ trại tỵ nạn Calais

Ngày 30/10, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết nước này đã tiếp nhận một số lượng đáng kể trẻ em từ trại tị nạn Calais ...

su that ve khu rung lan trai calais Pháp hối thúc Anh tiếp nhận 1.500 trẻ vị thành niên từ Calais

Ngày 29/10, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã hối thúc Anh tiếp nhận 1.500 trẻ vị thành niên không có người thân đi từ các khu ...

su that ve khu rung lan trai calais Hàng nghìn người đổ về Paris sau khi lán trại tại Calais bị dỡ bỏ

Dọc các đại lộ đông đúc và gần một con kênh nằm ở Đông Bắc Paris, hằng trăm lều trại đã được người di cư ...

Trang Trần (theo CNN)