Nam Phi chủ trì Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại Johannesburg từ ngày 22-24/8, sự kiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. (Nguồn: Getty) |
Lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) chuẩn bị nhóm họp và thảo luận nhiều vấn đề lớn, tác động toàn cầu. Đây là sự kiện đang thu hút sự chú ý của thế giới, Mỹ và phương Tây theo dõi với không ít sự quan ngại trong khi các thành viên BRICS và nhiều nước phương Nam đang hướng tới với nhiều kỳ vọng và cả những tính toán riêng.
BRICS vươn lên và cách ứng xử của Nhóm phương Nam
Thuật ngữ BRIC được nhắc đến từ năm 2001, trong bài báo "Những nền kinh tế BRIC gây dựng cho kinh tế toàn cầu" của nhà kinh tế học Jim O'Neill thuộc tập đoàn tư vấn Goldman Sach. Hợp tác của BRIC được các thành viên thúc đẩy nâng dần cấp độ tham dự và thể chế hóa. Từ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên năm 2006 đến Hội nghị thượng đỉnh năm 2009, kết nạp thêm Nam Phi vào năm 2010 để trở thành BRICS, đến nay BRICS đã trải qua 13 kỳ Hội nghị thượng đỉnh theo chu kỳ 2 năm một lần, 3 cơ chế Họp cấp Bộ trưởng họp định kỳ hàng năm gồm Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính và Cố vấn An ninh quốc gia.
Sự vươn lên của BRICS đang thu hút không ít giấy mực của giới nghiên cứu. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất thời gian gần đây chính là cách ứng xử của nhiều nước vừa và nhỏ (Nhóm phương Nam#_ftn1) mặc dù chịu nhiều sức ép của Mỹ và phương Tây, vẫn chọn xoay về BRICS, với khoảng gần 40 nước bày tỏ quan tâm tham gia BRICS. Điều này đồng thời cho thấy Nhóm phương Nam đang là nhân tố biến đổi cân bằng động của địa chính trị thế giới.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra cũng là lúc cuộc cạnh tranh quyền lực mềm giữa Mỹ, phương Tây và Nga Trung Quốc trở nên gay gắt, xung quanh việc gom các quốc gia về phe mình tại những cuộc bỏ phiếu lên án Nga, yêu cầu rút quân vô điều kiện. Kết quả những đợt bỏ phiếu cho thấy có khoảng hơn 50 nước không bỏ phiếu theo Mỹ và phương Tây, và nếu xét về số dân thì nhóm này lại chiếm tới hơn 1 nửa dân số thế giới#_ftn2. Câu chuyện những lá phiếu ở Liên hợp quốc đã cho thấy rằng những rạn nứt của Mỹ/phương Tây với các nước phương Nam đã sâu sắc hơn rất nhiều, và cách tiếp cận của các nước phương Nam đối với cạnh tranh nước lớn đã khác trước, mang tâm thế chủ động và thực dụng hơn trước.
Những điểm yếu trong chính sách của Mỹ và phương Tây
Trung tâm Stimson, một trong những think tank hàng đầu tư vấn cho Bộ Ngoại giao Mỹ, đã tiến hành hàng loạt nghiên cứu về chủ đề “Global South”#_ftn1 và thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu trong chính sách của Mỹ và đồng minh đối với các nước phương Nam.
Thứ nhất, mô hình viện trợ và hợp tác của Mỹ và phương Tây đối với các nước phương Nam vẫn có những khoảng trống cố hữu, chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về tài chính và hạ tầng. Trong khi đó, các giải pháp Trung Quốc cung cấp cho phương Nam, nhất là trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI), dù còn rất nhiều bất cập về bẫy nợ và tính minh bạch, nhưng đã giúp các nước Phương Nam giải quyết được nhiều nút thắt về cơ sở hạ tầng, tăng kết nối, nhờ đó phát triển kinh tế. Các học giả Mỹ cũng nhận thấy rõ Trung Quốc đã tăng được ảnh hưởng quyền lực mềm ở các khu vực có hợp tác BRI.
Thứ hai, lòng tin cũng như sự gắn bó của các nước phương Nam với Mỹ và châu Âu đã suy giảm nghiêm trọng từ giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Các nước Mỹ và phương Tây nhanh chóng tìm ra vaccine, nhưng chỉ ưu tiên cho công dân của mình và cũng từ chối chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ để phổ cập sản xuất vaccine. Bài học từ Covid-19 khiến các nước phương Nam thấy rằng Mỹ và phương Tây không hoàn toàn là chỗ dựa tin cậy trong mọi thời điểm, và phương Nam cần nhiều lựa chọn đa dạng hơn cho an ninh và phát triển.
Thứ ba, lịch sử đã ghi nhận những lần Mỹ và phương Tây áp dụng tiêu chuẩn kép khi can thiệp vào Kosovo, Iraq, Libya. Do vậy việc dùng lập luận về đạo lý và chính nghĩa để thuyết phục các nước phương Nam chống Nga hầu như không có giá trị. Các nước phương Nam coi xung đột Nga-Ukraine như một dạng chiến tranh ủy nhiệm giữa NATO với Nga, và các nước phương Nam không có lợi ích gì trong việc chọn bên.
Thứ tư, cách tiếp cận của Mỹ từ thời Trump tập trung an ninh và cạnh tranh với Trung Quốc, coi nhẹ việc gìn giữ và gây dựng quan hệ với các nước phương Nam. Chính sách "Nước Mỹ trên hết" với những đặc điểm như áp đặt về thương mại, đơn phương rút khỏi các cam kết quốc tế, cắt giảm viện trợ đã góp phần làm sâu thêm khoảng cách và chia rẽ giữa Mỹ và nhiều nước phương Nam, đặc biệt là với khu vực châu Á và châu Phi.
Khoảng gần 40 nước bày tỏ quan tâm tham gia BRICS, cho thấy sức hút của khối, với tư cách là lực lượng cân bằng trong các vấn đề thế giới, đang ở mức cao nhất mọi thời đại. |
Một quả cân đối trọng
Trên cơ sở đó, các nước phương Nam đã hình thành nhận thức và cách tiếp cận rất thực dụng, khó bị lôi kéo và dẫn dắt bằng các tuyên truyền về giá trị của Mỹ và phương Tây, mà sẽ đánh giá các nước lớn trên cơ sở giá trị lợi ích. Nhiều nước phương Nam đang chọn cách ứng xử theo "con đường thứ ba", "chủ động trung lập", sẵn sàng "đa liên kết" theo lợi ích chứ không chọn bên. Phản ứng chính sách này giúp các nước phương Nam chủ động tách khỏi những vấn đề không liên quan sát sườn đến lợi ích quốc gia.
Cục diện cạnh tranh nước lớn và cách phản ứng của các nước phương Nam đã nâng vị thế của nhóm như một quả cân đối trọng, rất có giá trị nếu nghiêng về bất cứ bên nào, nhưng cũng luôn đòi hỏi các nước phải khéo trong cách ứng xử ở nhiều tình huống nhạy cảm. Ví dụ như việc Nam Phi đã phải nỗ lực vận động Tổng thống Putin không tham dự trực tiếp Hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới để tránh ở vào thế lưỡng nan khi có trách nhiệm thành viên phải bắt giữ ông Putin theo lệnh của Tòa Hình sự quốc tế, vừa không thể làm đổ vỡ quan hệ với Nga.
Đối với Mỹ và phương Tây, chính giới cũng như học giả đã nhận ra những sai lầm của chính sách ngoại giao "bề trên" với các nước phương Nam và đang nỗ lực hàn gắn lại quan hệ. Nhưng rõ ràng cục diện hiện nay đã thay đổi. Hầu hết các nước phương Nam không muốn chống hoặc ly khai với Mỹ nhưng vì lợi ích quốc gia vẫn sẽ theo xu hướng đa liên kết, không chọn bên. Đây là những chỉ dấu cho thấy một trật tự thế giới đa cực đang định hình, chủ nghĩa đa phương công bằng, không bị sức ép của ngoại giao cường quyền vẫn là mong ước của các nước vừa và nhỏ.
Chính vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại Johannesburg là cơ hội để các nước vừa và nhỏ có cơ hội lên tiếng nói tại một kênh đa phương “phi truyền thống”, tạo thế đòn bẩy gây sức ép cải cách các thể chế đa phương cũ đã kém thích nghi với trật tự thế giới đang thay đổi và các thách thức mới, ngày càng gay gắt hơn. Để duy trì vị thế và ảnh hưởng, Mỹ và các nước phương Tây sẽ cần có thái độ bình đẳng, cầu thị hơn với phương Nam, chấp nhận điều chỉnh hệ thống đa phương, dành cho các nước phương Nam nhiều vị trí đại diện và tiếng nói lớn hơn trong quản trị toàn cầu.
Thông tin cơ bản về BRICS Sự ra đời: Năm 2006, các Bộ trưởng BRIC họp lần đầu bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Các Bộ trưởng nhất trí sẽ hình thành các cơ chế họp định kỳ của BRIC. Năm 2009, BRIC tổ chức Thượng đỉnh lần đầu tiên giữa các nguyên thủ quốc gia. Năm 2010, Nam Phi được kết nạp theo lời mời của Trung Quốc, chính thức đưa nhóm BRIC trở thành BRICS. Quy mô: 3,1 tỷ dân (chiếm 41% dân số thế giới), GDP theo ngang giá sức mua (PPP) là 47,3 nghìn tỷ bằng 25% GDP thế giới (theo số liệu năm 2021). Cơ chế làm việc: Nhóm BRICS không có ban thư ký thường trực hoặc trụ sở chính. Chức chủ tịch luân phiên giữa các quốc gia thành viên hàng năm. Hội nghị thượng đỉnh: Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức hàng năm với sự tham gia của những người đứng đầu nhà nước/chính phủ của 5 quốc gia. Các hội nghị thượng đỉnh đặt ra các ưu tiên và phương hướng hoạt động của BRICS. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 gần nhất được tổ chức vào năm 2022 dưới sự chủ trì của Trung Quốc. Hội nghị Bộ trưởng: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính và Cố vấn An ninh quốc gia đã trở thành cơ chế thường niên. Ngoài ra, có nhiều Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành về nông nghiệp, năng lượng, y tế, môi trường, truyền thông… Nhóm công tác: Có hơn 30 nhóm công tác BRICS tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như tài chính, nông nghiệp, kinh tế kỹ thuật số, khoa học và công nghệ... Các nhóm này triển khai các chỉ đạo và báo cáo lại các Bộ trưởng. Ngân hàng Phát triển mới: NDB được BRICS thành lập để huy động nguồn lực cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững. Ngân hàng hiện có nguồn vốn khoảng 100 tỷ USD mà các thành viên có thể vay. Cơ chế dự trữ tiền tệ: Các nước BRICS đã lập ra một kho tiền tệ dự trữ (CRA). Đây là một khuôn khổ để bảo vệ chống lại áp lực thanh khoản toàn cầu, với số tiền khả dụng lên tới 100 tỷ đô la. Hội đồng doanh nghiệp: Đây là kênh cung cấp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp từ các nước BRICS để đưa ra các khuyến nghị. Các thành viên là các lãnh đạo tập đoàn, lãnh đạo ngành. Hội đồng học thuật: Hội đồng này điều phối các kết nối giữa các think tank ở các nước BRICS để cung cấp thông tin đầu vào về chính sách. |
#_ftnref1 Theo các học giả, các nước phương Nam (Global South) có thể hiểu theo ba khía cạnh là: (i) các nước từng là thuộc địa, đa phần có vị trí ở phía Nam bán cầu; (ii) các nước thuộc nhóm kinh tế kém phát triển so với nhóm các nước “phương Bắc”, trong lịch sử từng được gọi là “thế giới thứ ba”; (iii) các nước cùng có tinh thần chống đế quốc thực dân, ủng hộ không liên kết. Do khái niệm này không rạch ròi về địa lý và mang nhiều hàm ý chính trị, nên các quốc gia với quy mô dân số và kinh tế đa dạng vẫn có thể tự định vị mình trong nhóm phương Nam.
#_ftnref2 https://www.bruegel.org/analysis/what-really-influences-united-nations-voting-ukraine
#_ftnref1 https://www.stimson.org/project/global-south/