Hiện nay, giới phân tích đang quan ngại rằng, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống có thể ảnh hưởng không tốt đến sức mạnh mềm của Mỹ trên phạm vi toàn thế giới. Thậm chí, có người còn quả quyết rằng điều này chắc chắn sẽ xảy ra.
Sức mạnh gợi lên trong tâm trí
Từ trước đến nay, quyền lực của các quốc gia trên toàn cầu thường được đánh giá dựa trên sức mạnh quân sự: nước nào có lực lượng quân đội mạnh nhất thì đó là quốc gia quyền lực nhất. Tuy nhiên, quan điểm này không phải lúc nào cũng đúng trong thực tế.
Trong khi đó, “sức mạnh mềm”, một thuật ngữ được Giáo sư Đại học Harvard Joseph Nye đưa ra năm 1990, nhằm diễn tả ảnh hưởng của một quốc gia - đặc biệt là siêu cường Mỹ - đến các quốc gia khác mà không qua con đường quân sự. Nye cho rằng, quyền lực của một quốc gia nằm ở “khả năng thay đổi hành vi của nước khác” theo cách họ muốn, cho dù thông qua đe dọa, ép buộc (“cây gậy”), tưởng thưởng (“củ cà rốt”) hay quyến rũ (“sức mạnh mềm”). “Nếu bạn có thể thu hút được các nước khác, bạn sẽ đỡ phải dùng đến cây gậy và củ cà rốt”, theo Nye.
Vị Giáo sư trường Harvard lập luận rằng, sức mạnh mềm của một quốc gia bắt nguồn từ văn hóa, những giá trị chính trị và chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, tôi tin rằng sức mạnh mềm cũng phần nào xuất phát từ quan điểm của thế giới về quốc gia đó. Sức mạnh cứng phải được triển khai trong thực tế, còn sức mạnh mềm thường được gợi lên trong tâm trí.
Cho đến nay, Mỹ vẫn đang là nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như là nền dân chủ lâu đời nhất, “thiên đường” cho người nhập cư, mảnh đất của “giấc mơ Mỹ” rằng ai cũng có thể thành công nếu họ chăm chỉ làm việc. Mỹ cũng là quê hương của những thương hiệu lừng lẫy toàn cầu như Boing, Intel, Google, Apple, Microsoft, Hollywood…
Mỹ là quê hương của nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Hollywood, Apple, Boing... (Nguồn: Playbuzz) |
Sự hấp dẫn của những “tài sản” nói trên, cũng như những giá trị Mỹ, cho phép Mỹ thuyết phục, hơn là ép buộc, các nước khác đi theo mình. Nếu xét theo khía cạnh này, sức mạnh mềm được xem như là giải pháp thay thế đồng thời là yếu tố bổ sung cho sức mạnh cứng.
Thế nhưng, sức mạnh mềm của Mỹ vẫn tồn tại một số hạn chế. Trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, nước Mỹ nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ nhiều nước khác. Tuy nhiên sau đó, Mỹ lại tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, chủ yếu dựa vào sức mạnh cứng như chiến dịch can thiệp vào Iraq, giam giữ tàn tệ những nghi phạm khủng bố tại nhà tù vịnh Guatanamo, vụ bê bối Abu Ghraib… khiến cho dư luận quốc tế cảm thấy bất bình.
Trong bối cảnh đó, những tài sản sức mạnh mềm của Mỹ không thể nào bù đắp lại những tổn thất do việc triển khai sức mạnh cứng gây ra. Những người hâm mộ văn hóa Mỹ không thể chấp nhận những điều diễn ra trong “địa ngục trần gian” Guantanamo. Việc sức mạnh mềm của Mỹ nhanh chóng suy giảm đã cho thấy một thực tế rằng, cách một quốc gia triển khai sức mạnh cứng sẽ ảnh hưởng đến việc thu phục nhân tâm thông qua sức mạnh mềm.
Câu chuyện không còn thú vị
Hiện nay, nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông, các vấn đề nội bộ Mỹ cũng được dư luận quốc tế quan tâm không kém các chính sách đối ngoại của siêu cường này. Có thể nói, trong một thế giới mà thông tin lưu chuyển vô cùng nhanh chóng như ngày nay, quan niệm của dư luận quốc tế về một quốc gia được thể hiện trên tin tức trực tuyến, video trên smartphone, thậm chí là qua việc “buôn chuyện” trên Twitter.
Quan niệm của dư luận quốc tế về một quốc gia thậm chí được thể hiện phần nào qua việc "buôn chuyện" trên Twitter. (Nguồn: The Atlantic) |
Theo Joseph Nye, trong kỷ nguyên thông tin, có ba kiểu quốc gia có thể tận dụng sức mạnh mềm, bao gồm: những nước có văn hóa và tư tưởng gần gũi với những quan niệm chung toàn cầu, những nước sở hữu hệ thống truyền thông mạnh và có khả năng định hướng dư luận về một vấn đề nào đó, những nước có uy tín nhờ vào tình hình nội bộ và trách nhiệm với thế giới. Có thể nói, Mỹ đã làm khá tốt trên cả ba khía cạnh nói trên.
Thực sự, văn hóa và tư tưởng Mỹ đã lập ra một quy chuẩn cho nhiều nước khác noi theo. Bên cạnh đó, uy tín của Mỹ trên trường quốc tế cũng có phần dựa vào sự hiệu quả trong việc vận hành bộ máy chính trị nội bộ. Việc vượt qua những quan niệm kéo dài nhiều thế kỷ về phân biệt chủng tộc để chọn ra một vị Tổng thống da màu hồi năm 2008 đã phần nào phản ánh khát vọng đổi mới nước Mỹ.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc ông Trump chuẩn bị bước vào Nhà Trắng đang đặt ra mối lo ngại rằng: hình ảnh tốt đẹp về nước Mỹ bấy lâu nay có thể bị hủy hoại. Nhiều nước có thể sẽ quay lưng lại với Mỹ nếu Trump triển khai những chính sách mang tính bài ngoại, phân biệt giới tính, ích kỷ như ông từng tuyên bố. Hệ thống chính trị Mỹ, vốn luôn hứa hẹn sẽ tạo một sân chơi công bằng cho bất cứ ai, đang bị các nhà lãnh đạo điều chỉnh theo những toan tính của riêng họ.
Nye cho rằng, trong kỷ nguyên thông tin, sức mạnh mềm thường được sản sinh tại những quốc gia có “câu chuyện thú vị”. Trong một thời gian dài, nước Mỹ luôn được xem là “mảnh đất của những câu chuyện thú vị”: nền báo chí tự do, xã hội cởi mở, chào đón người nhập cư, sự khao khát ý tưởng mới. Tất cả những điều đó trao cho Mỹ khả năng nổi trội hơn tất cả các nước trong việc thuyết phục và cuốn hút dư luận thế giới.
Thế nhưng, câu chuyện về nước Mỹ được kể trong mùa bầu cử Tổng thống năm nay dường như đã phá hỏng nền tảng sức mạnh mềm mà Washington kỳ công xây dựng bấy lâu nay. Và những con quái vật được thả từ “chiếc hộp Pandora” bầu cử 2016 - chính là tư tưởng bài ngoại, phân biệt chủng tộc - sẽ được dịp lan tràn khắp nước Mỹ cũng như trên thế giới. Trong tôi, nước Mỹ đã không còn như trước.
* Ông Shashi Tharoor nguyên là Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ. Ông hiện là Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Ấn Độ.