Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách chống ma túy ở Kabul (Afghanistan) William Brownfield cho biết, 90% lượng heroin tiêu thụ ở thị trường Mỹ có nguồn gốc từ Mexico, nhưng 90% lượng heroin tiêu thụ ở Canada có nguồn gốc từ Afghanistan.
Cuộc "ngã giá" lớn nhất lịch sử
Tháng 10/2001, song hành với chiến dịch ném bom của Mỹ xuống Afghanistan, Mỹ đã chuyển 70 triệu USD tiền mặt vào nước này nhằm huy động liên minh các lãnh chúa bộ lạc có quan hệ từ thời Chiến tranh Lạnh trước đây tham gia cuộc chiến chống Taliban. Theo The Guardian, Tổng thống George W. Bush sau đó ca ngợi đây là một trong những cuộc "ngã giá" lớn nhất trong lịch sử.
Binh sĩ liên quân tuần tra ở tỉnh Helmand, miền Nam Afghanistan. |
Để kiểm soát Kabul và các thành phố quan trọng khác, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã chi tiền hậu thuẫn các nhà lãnh đạo Liên minh phương Bắc, lực lượng người Tajik từng tuyên chiến với Liên Xô những năm 1980 và chống chính quyền Taliban những năm 1990. Họ từ lâu đã thống trị việc vận chuyển ma túy ở khu vực Đông Bắc Afghanistan. CIA cũng hậu thuẫn một nhóm lãnh chúa Pashtun mới nổi dọc biên giới Pakistan. Họ là những tên buôn lậu ma túy ở phía Đông Nam đất nước này. Khi Taliban sụp đổ, những lực lượng này nối lại việc trồng thuốc phiện và buôn bán ma túy trên quy mô lớn. Trong sự phát triển chưa có tiền lệ, các loại ma túy "đóng góp" 62% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2003 của Afghanistan.
Được hậu thuẫn của Tổng thống George W Bush, Ngoại trưởng Colin Powell đã đẩy mạnh chiến lược chống ma túy tại các khu vực nông thôn ở Afghanistan, bao gồm cả hoạt động trấn áp giống như từng áp dụng chống lại cây coca bất hợp pháp ở Colombia. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad đã phản đối cách tiếp cận này. Người thứ hai cũng phản đối chiến lược của Mỹ là ông Ashraf Ghani Ahmadzai (sau trở thành Tổng thống Afghanistan từ năm 2014). Ông Khalilzad và ông Ahmadzai đều cảnh báo, hủy bỏ cây thuốc phiện tức thời có nghĩa là tình trạng nghèo đói sẽ lan rộng trong nước nếu không có ngay 20 tỷ USD viện trợ nước ngoài để tạo ra "nguồn sinh kế thay thế".
Như một thỏa hiệp, Mỹ đã dựa vào những nhà thầu tư nhân như DynCorp để đào tạo các nhóm người Afghanistan bài trừ ma túy. Tuy nhiên đến năm 2005, theo The New York Times, nỗ lực đó đã trở thành "trò đùa".
Taliban trở lại
Theo một báo cáo đăng trên The New York Times năm 2007, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld cho biết "đã bỏ qua các dấu hiệu ngày càng tăng về việc buôn bán ma túy đang được tập trung cho Taliban", trong khi CIA và quân đội "nhắm mắt làm ngơ cho các hoạt động liên quan đến ma túy của các lãnh chúa kỳ cựu".
Cuối năm 2004, sau gần hai năm chuyển quyền kiểm soát thuốc phiện cho các đồng minh Anh và đào tạo các cảnh sát Đức, Nhà Trắng bất ngờ nhận được tin tình báo của CIA nói rằng việc buôn bán ma túy leo thang đang thúc đẩy sự phục hồi của Taliban.
Đến năm 2007, cuộc điều tra thuốc phiện ở Afghanistan của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy vụ thu hoạch khoảng 8.200 tấn thuốc phiện của nước này đã cung cấp điều chế 93% lượng heroin trên thế giới. Quan trọng hơn, LHQ tuyên bố các chiến binh Taliban đã "bắt đầu trích lợi nhuận từ các nguồn lực kinh tế thu được từ ma túy để mua vũ khí, hậu cần và chiêu quân". Năm 2008, phe nổi dậy đã thu được 425 triệu USD tiền thuế vận chuyển ma túy và mỗi vụ thu hoạch thuốc phiện họ đều gây quỹ đủ để chiêu mộ các chiến binh trẻ từ khắp làng mạc ở Afghanistan. Mỗi chiến binh được trả 300 USD tiền lương mỗi tháng - cao hơn nhiều mức tiền công mà họ có thể nhận được khi làm nông nghiệp.
Để ngăn chặn cuộc nổi dậy lan rộng, Washington đã quyết định đưa hơn 40.000 quân Mỹ tới Afghanistan vào giữa năm 2008, tăng quân số lực lượng đồng minh lên 70.000 binh sĩ. Nhận thấy vai trò quan trọng của nguồn thu từ thuốc phiện trong việc chiêu mộ chiến binh của Taliban, Mỹ tung ra các nhóm chuyên gia sử dụng viện trợ phát triển để khuyến khích các nỗ lực nhằm ngăn chặn ma túy ở các tỉnh trồng nhiều cây thuốc phiện. Tuy nhiên, đến năm 2009, lực lượng Taliban gia tăng nhanh đến nỗi chính quyền mới của Tổng thống Barack Obama buộc phải tăng quân lên tới 102.000 người, quyết làm tê liệt Taliban. Sau nhiều tháng triển khai, chiến lược của Tổng thống Obama đã chính thức bắt đầu vào rạng sáng ngày 13/2/2010 tại Marja, thị trấn ở Helmand. Khi những chiếc trực thăng hạ cánh ở vùng ngoại ô, khuấy lên từng đám bụi khổng lồ, hàng trăm thủy quân lục chiến chạy qua các cánh đồng cây thuốc phiện đang nảy mầm hướng về những ngôi nhà vách bùn trong làng. Mặc dù mục tiêu của họ là các chiến binh Taliban, song lính thủy quân lục chiến đã thực sự chiếm lĩnh một trong những thủ phủ buôn bán heroin toàn cầu.
Một tuần sau, Tướng Mỹ Stanley McChrystal đã có mặt ở thị trấn cùng với Phó Tổng thống Afghanistan Karim Khalili. Họ ở đó để nói về chiến thắng của chiến thuật mới chống quân nổi dậy mà theo lời vị tướng nói với các phóng viên, chắc chắn sẽ làm yên lòng các làng mạc như Marja. Tuy nhiên, các nhà buôn ma túy địa phương lại có những ý kiến khác. Một góa phụ Afghanistan hét lên giận dữ: "Nếu họ đi cùng với máy kéo, họ sẽ phải đè qua xác tôi trước khi họ có thể giết cây anh túc của tôi".
Hoa anh túc vẫn nở rộ
Bằng cách tấn công quân nổi dậy, nhưng lại không thể xóa bỏ cây thuốc phiện vốn gây quỹ chiêu mộ chiến binh mới của Taliban mỗi năm, sự vội vã trong chiến lược mới của Mỹ sớm chao đảo. Giữa lúc quân đồng minh nhanh chóng rút để đáp ứng kịp thời hạn chót tháng 12/2014 mà Mỹ đưa ra nhằm "chấm dứt" mọi hoạt động chiến đấu, giảm đáng kể các hoạt động trên không, đã cho phép Taliban khởi động các cuộc phản công lớn, làm thiệt mạng nhiều binh lính của quân đội và cảnh sát Afghanistan.
Vào thời điểm đó, Thanh tra đặc biệt của Mỹ ở Afghanistan John Sopko đã đưa ra lời giải thích cho sự tồn tại của Taliban. Ông xác nhận, "mặc dù chi tới hàng tỷ USD cho các hoạt động "xoá ma túy" trong thập kỷ trước, song theo những số liệu thu được, chúng tôi đã thất bại. Việc trồng thuốc phiện và sản xuất ma túy gia tăng. Hoạt động ngăn chặn và xóa cây thuốc phiện giảm. Việc hỗ trợ tài chính cho quân nổi dậy tăng. Tỷ lệ nghiện ma túy và bạo lực ở mức chưa từng thấy ở Afghanistan". Tháng 5/2015, chứng kiến đợt thuốc phiện tràn ngập thị trường toàn cầu trong khi Mỹ đã chi tới 8,4 tỷ USD để xóa thuốc phiện, ông Sopko đã chua chát nói: "Afghanistan có khoảng 500.000 mẫu Anh (khoảng 200.000 ha) trồng thuốc phiện, tương đương hơn 400.000 sân bóng đá ở Mỹ".
Tháng 10/2015, LHQ phát hành một bản đồ cho thấy Taliban đã "kiểm soát" hơn nửa khu vực nông thôn Afghanistan. Ngoài ra, một cuộc điều tra của Hội đồng Bảo an LHQ phát hiện Taliban quản lý một cách có hệ thống việc trồng, sản xuất và buôn bán ma túy - thu 10% thuế trồng anh túc ở Helmand, chiến đấu giành quyền kiểm soát các phòng điều chế heroin và hoạt động như những người bảo kê chính cho việc buôn bán thuốc phiện và heroin ra khỏi Afghanistan". Năm 2017, vụ thu hoạch thuốc phiện ở Afghanistan tăng gần gấp đôi, lên đến 9.000 tấn, cao hơn mức đỉnh điểm trước đó là 8.200 tấn trong năm 2007. Giới phân tích còn tin rằng thuốc phiện cung cấp tới 60% quỹ lương và vũ khí của Taliban.
***
Sự tồn tại của cả việc trồng thuốc phiện và chiến binh Taliban cho thấy mức độ các chính sách mà Mỹ áp đặt lên Afghanistan từ năm 2001 đã bế tắc. Khi tuyết tan ra từ các sườn núi và cây thuốc phiện nhô lên khỏi mặt đất mỗi mùa Xuân, sẽ có một đợt thanh thiếu niên mới được tuyển mộ từ những ngôi làng nghèo khó sẵn sàng chiến đấu cho quân nổi dậy Taliban.
Tuy nhiên vẫn có những lựa chọn khác. Một phần nhỏ từ những khoản viện trợ quân sự sai lầm nếu được đầu tư vào nông nghiệp Afghanistan có thể tạo ra việc làm cho nhiều nông dân mà cuộc sống của họ vốn phụ thuộc vào cây thuốc phiện. Rồi người ta sẽ gây dựng lại các đàn gia súc, gia cầm, những vườn cây bị phá… nhằm duy trì một nền nông nghiệp đa dạng như trước những thập niên chiến tranh. Nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục gây áp lực buộc quốc gia này giảm sự phụ thuộc vào thuốc phiện thông qua phát triển nông thôn bền vững, có lẽ Afghanistan sẽ không còn là quốc gia ma túy hàng đầu của hành tinh - và rất có thể chu trình chiêu mộ chiến binh hàng năm cũng sẽ không còn nữa.