📞

Thế giới sau một năm khủng hoảng Ukraine

Lê Ngọc Mai 07:15 | 26/02/2023
Một năm sau khi bùng phát, xung đột Nga-Ukraine đã, đang và sẽ tiếp tục thay đổi sâu sắc, toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống quan hệ quốc tế, đồng thời đặt ra không ít thách thức cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Một năm sau ngày bùng phát, xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp tục vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại - Ảnh: Đám cháy bùng phát trong tòa nhà sau cuộc pháo kích của Nga ở phía Đông thành phố Bakhmut, Ukraine. (Nguồn: Getty)

Một năm kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, căng thẳng hai bên vẫn chưa hề giảm nhiệt nhưng những hậu quả mà cuộc xung đột gây ra, đã lan rộng trên toàn cầu. Sự kiện đã mở ra mối đe dọa an ninh lớn nhất tại châu Âu kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, gây ra các cuộc khủng hoảng trên mọi mặt và tác động sâu rộng đến cục diện thế giới, vốn bất ổn từ những tàn dư của đại dịch Covid-19.

Sáng ngày 24/2/2022, với tuyên bố muốn “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa ở Ukraine”, quân đội Nga đã bắt đầu vượt qua biên giới nước này, thực hiện các vụ nổ ở nhiều thành phố bao gồm cả thủ đô Kiev1. Ngay trong những tuần đầu tiên, Nga đã thành công chiếm giữ một số thành phố của Ukraine như Nova Kakhovka, Kherson và Henichesk. Tuy nhiên, cùng với sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước phương Tây cả về kinh tế và quân sự, Ukraine dần giành lại được thế cân bằng hơn trong cuộc xung đột.

Trong suốt năm 2022, nhiều cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đã được mở ra, song đều kết thúc trong bế tắc. Tháng 12/2022, Tổng thống Putin cho biết ông sẵn sàng nối lại đàm phán với tất cả các bên liên quan, nhưng Ukraine và các quốc gia phương Tây đã bác bỏ tiềm năng này. Sự khác biệt trong điều kiện đàm phán được Nga và Ukraine đưa ra hồi đầu năm 2023 là quá rõ rệt, khó tìm được điểm chung. Vì lẽ này, triển vọng cuộc xung đột Ukraine chấm dứt trong năm 2023 vẫn mờ nhạt, thậm chí có nguy cơ nóng trở lại.

Tác động đến thế giới

Bên cạnh các quốc gia can dự trực tiếp, cuộc khủng hoảng còn tác động toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống quan hệ quốc tế. Nhìn lại một năm vừa qua, thế giới đã có nhiều thay đổi rõ nét và phức tạp.

Thứ nhất, cục diện khu vực châu Âu bước sang trang mới với nguy cơ xung đột an ninh chưa từng có kể từ sau Chiến tranh lạnh. Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine không chỉ kéo nước Mỹ, thành viên chủ chốt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hướng sự quan tâm trở lại với châu Âu; mà nhiều ý kiến còn cho rằng đã khiến khối quân sự này phát huy vai trò trở lại. Một lần nữa, một mối đe dọa an ninh chung đã kéo các quốc gia thành viên NATO đoàn kết hơn, hình thành “Khái niệm chiến lược mới”2 và kết nạp thêm thành viên. Việc Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập cùng lúc vào giữa năm 2022 là một minh chứng cho thấy các quốc gia châu Âu tìm đến NATO như một “chiếc ô an ninh” trong môi trường đầy bất ổn.

Nhìn lại lịch sử, tiến trình mở rộng của NATO không bắt đầu từ sau khủng hoảng Nga-Ukraine, mà thực chất đã kéo dài kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc tới nay. Trên thực tế, mối quan hệ ngày một thân thiết giữa NATO và Ukraine những năm gần đây thậm chí có thể coi là một trong những lý do buộc Nga ra quân. Ở chiều ngược lại, chính khủng hoảng Nga-Ukraine đã nhấn mạnh mối đe dọa an ninh, đặc biệt ở ở sườn phía đông châu Âu, khiến các quốc gia châu Âu khác quan ngại là tiến gần hơn với NATO và Liên minh châu Âu (EU).

Đến nay, nhiều quan ngại cho rằng xung đột sẽ leo thang, dẫn tới một cuộc khủng hoảng mới trên toàn châu Âu. Kể từ khi xung đột diễn ra, bên cạnh áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế, Mỹ và các thành viên NATO đã ra sức cung cấp vũ khí, đạn dược trị giá hàng chục tỷ USD cho Ukraine.

Gần đây nhất, trước quan ngại chiến sự ở Ukraine sẽ gây ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới, Đức đã thông báo quyết định gửi 14 xe tăng Leopard 2A6 tới Ukraine. Chính phủ Nga nhận định việc cung cấp xe tăng phương Tây cho Ukraine là “sự tham gia trực tiếp” của Mỹ và châu Âu vào cuộc xung đột, và sự can dự này ngày càng gia tăng này có thể coi là vì mục đích “khiêu khích hạt nhân”3.

Với khoản viện trợ khổng lồ mà các quốc gia phương Tây đã bỏ ra cho Ukraine thì việc một Ukraine thất bại cũng đồng nghĩa với sự thất bại của Mỹ và các nước đồng minh. Chính việc các quốc gia lún sâu vào xung đột và không chấp nhận nhượng bộ đang dần khiến nguy cơ xung đột tăng cấp nguy hiểm.

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine không chỉ kéo nước Mỹ, thành viên chủ chốt của NATO hướng sự quan tâm trở lại với châu Âu mà nhiều ý kiến còn cho rằng đã khiến khối quân sự này phát huy vai trò trở lại.

Thứ hai, xung đột đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu, gây ra tình trạng lạm phát, mất an ninh năng lượng, lương thực và đứt gãy chuỗi cung. Việc Nga đáp trả trừng phạt bằng cách siết nguồn cung năng lượng đã khiến giá dầu, khí đốt và một số sản phẩm nông nghiệp tăng cao, làm gia tăng áp lực lạm phát và đe dọa an ninh lương thực ở một số nền kinh tế đang phát triển4.

Trên thực tế, dù không phải là nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, nhưng xứ bạch dương lại là nhà cung cấp năng lượng quan trọng của thế giới. Các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung từ nước này, đặc biệt là châu Âu, nơi nhập khẩu gần 40% khí đốt tự nhiên và 25% dầu mỏ từ Nga trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra, đã và đang gặp khó khăn5.

Tuy nhiên, cũng chính khủng hoảng an ninh năng lượng đã gián tiếp thúc đẩy các thành viên EU tìm giải pháp bằng cách áp dụng “ngoại giao năng lượng”, nâng cấp hợp tác trong nội khối và với các quốc gia Trung Đông, đồng thời tạo ra bước chuyển mới trong phát triển năng lượng tái tạo toàn cầu.

Các lệnh trừng phạt từ phương Tây với Nga không những làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch, mà còn làm giảm tăng trưởng kinh tế, suy thoái hay thậm chí là khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Xung đột Nga-Ukraine gây gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng. Những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng này là kết quả của các hạn chế xuất khẩu, sự phụ thuộc song phương, sự thiếu minh bạch và bất đối xứng thị trường dai dẳng, bao gồm cả việc tập trung sản xuất ở một số quốc gia6.

Quan trọng hơn, sự phân tách giữa Mỹ và Trung Quốc đang tỏa ra khắp thế giới, mở rộng ra thành phân tách giữa Mỹ, các quốc gia EU với Nga và Trung Quốc. Đối với Nga, dưới áp lực bị cô lập, quốc gia này tìm kiếm các thị trường mới và tiềm năng khác ở phương Đông. Hợp tác thương mại Trung-Nga bước vào giai đoạn bùng nổ, mặc dù Trung Quốc đã cẩn thận tránh vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây hoặc hạn chế cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Nga. Thương mại hàng hóa song phương giữa Nga và Trung Quốc giữ ở mức cao kỷ lục vào năm 2022 khi Trung Quốc nhập khẩu dầu và than giá rẻ từ Nga7.

Trong khi đó, về phía Mỹ, hàng loạt doanh nghiệp nước này đã tạm dừng hoạt động tại Nga. Mỹ kêu gọi các đồng minh EU tẩy chay giao thương các sản phẩm sản xuất từ Nga và Trung Quốc, đặc biệt là với năng lượng và công nghiệp bán dẫn.

Tuy nhiên, lập trường “chống Nga” và “chống Trung Quốc” đang gây tác động tiêu cực cho người dân châu Âu, gây ra khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng và lạm phát tại "lục địa già".8 Xu hướng “hướng nội” và phân tách trong kinh tế đã và đang trở nên sâu sắc, ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa các quốc gia trên toàn cầu.

Khủng hoảng an ninh năng lượng khiến nhiều nước châu Âu gặp khó khăn, song cũng gián tiếp thúc đẩy các nước châu Âu tìm giải pháp bằng "ngoại giao năng lượng" - Ảnh: Đoạn đường ống thuộc dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 ở Lubmin, miền Bắc nước Đức. (Nguồn: AP)

Thứ ba, cuộc khủng hoảng tác động đến các xu thế lớn trên thế giới. Cuộc xung đột Nga-Ukraine giờ đây đã và đang làm cho tiến trình toàn cầu hóa, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trở nên ngưng đọng và trì trệ hơn. Khủng hoảng Ukraine là một minh chứng rõ ràng cho thấy lỗ hổng trong cơ chế quản lý khủng hoảng toàn cầu và luật pháp quốc tế. Cuộc xung đột và hệ quả của nó cho thấy những thiếu sót mang tính cốt lõi của các cơ chế đa phương và luật quốc tế trong môi trường vô chính phủ, cũng như khi tính phổ quát của luật trở thành “vùng xám” cho các quốc gia đơn phương thực hiện hành động gây xung đột bất chấp những lời chỉ trích và lệnh trừng phạt.

Nền an ninh chính trị toàn cầu bị tác động đáng kể, bảo hiệu xu hướng quân sự hóa quay trở lại. Chỉ trong năm 2022, hàng loạt quốc gia đã ra mắt “Chiến lược an ninh” mới, và tăng chi tiêu quốc phòng bao gồm cả Mỹ, các nước EU, Nhật Bản… Bên cạnh đó là xu hướng tập hợp lực lượng dựa trên hợp tác an ninh cũng được tăng cường.

Ngoài ra, việc Mỹ không can thiệp trực tiếp vào chiến sự Nga-Ukraine có thể được giải thích là do lo ngại về mối đe dọa hạt nhân của Nga. Điều này kéo theo dự báo rằng nhiều quốc gia có thể sẽ thúc đẩy đầu tư vào phát triển vũ khí hạt nhân, mở ra kỷ nguyên mới trong chạy đua vũ khí hạt nhân và hiện đại hóa quân sự9.

Sự leo thang của cuộc xung đột cũng làm trầm trọng xu thế “chính trị hóa” tại các diễn đàn quốc tế nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu. Ngay tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), đại diện của Liên hợp quốc cũng đánh giá xung đột Nga-Ukraine đã và đang làm cản trở các quốc gia hành động hạn chế biến đổi khí hậu10.

Bên cạnh đó, các diễn đàn đa phương như Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20)... cũng trở thành một “mặt trận” cạnh tranh khi các quốc gia không những chỉ trích lẫn nhau và không thực sự đưa ra giải pháp thiết thực nhằm giải quyết vấn đề phi truyền thống cấp bách. Điều này không chỉ làm giảm cơ hội hợp tác, hòa giải mà còn khiến xung đột leo thang.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã và đang làm cho tiến trình toàn cầu hóa, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trở nên ngưng đọng và trì trệ hơn. Nó cũng là minh chứng rõ ràng cho lỗ hổng trong cơ chế quản lý khủng hoảng toàn cầu và luật pháp quốc tế.

Thứ tư, cục diện thế giới đã bắt đầu có chuyển biển sâu sắc.

Trước tiên về mặt địa lý, châu Á-Thái Bình Dương không còn là “mặt trận” duy nhất chứng kiến sự cạnh tranh giữa các cường quốc, mà giờ đây đã mở rộng phạm vi toàn cầu và trở lại “trận địa” ở châu Âu. Nếu châu Á-Thái Bình Dương là nơi Mỹ cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc cùng các “điểm nóng” an ninh như eo biển Đài Loan và Biển Đông thì ở châu Âu, các quốc gia dân chủ phương Tây, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, ngày càng phân tách hơn với Nga. Từ xung đột Nga-Ukraine, các bên đều có sự thay đổi về lập trường và không còn cách nào để Đức, Pháp, Mỹ hay Ukraine đảo ngược lại quan hệ với Nga.

Vai trò và mối tương quan giữa các quốc gia chính trên bàn cờ chiến lược cũng có sự thay đổi. Cục diện chuyển từ cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và “đối thủ duy nhất” là Trung Quốc sang tam giác quan hệ Mỹ-Trung-Nga hay thế bốn bên giữa Mỹ và phương Tây với Trung Quốc và Nga. Cuộc đối đầu của Mỹ với Trung Quốc và Nga vào năm 2022 là dư âm của những biến động giữa các cường quốc từ những năm 1919, 1945 và 1989, cũng là cuộc đối đầu giữa hai định hướng mới cho trật tự thế giới. Mỹ thúc đẩy duy trì một trật tự quốc tế nhằm bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của nền dân chủ tự do.

Trong khi đó, Trung Quốc và Nga tìm kiếm một trật tự quốc tế có thể thay thế các giá trị tự do của phương Tây với các khối khu vực (regional blocs)11. Vào tháng 2/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin cũng đã đưa ra tuyên bố chung về các nguyên tắc cho một “kỷ nguyên mới” (new era), thể hiện tầm nhìn gây dựng một trật tự quốc tế mới mà theo Nga và Trung Quốc là bình đẳng và công bằng hơn. Cuộc xung đột của Nga ở Ukraine không chỉ mang ý nghĩa định đoạt tương lai của Ukraine, mà cũng là lời nhắc nhở về các quy tắc, chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế vốn là cơ sở hình thành nên một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ do Mỹ và các quốc gia phương Tây dẫn dắt hai thập kỷ qua.

Xu hướng phân tuyến ngày một rõ nét. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine là củng cố liên minh giữa Mỹ và các quốc gia phương Tây. Ở phía còn lại của bàn cờ, Nga và Trung Quốc cũng tuyên bố mối quan hệ gắn kết hơn và “không giới hạn” trong hợp tác. Quá trình phân tuyến sẽ không chỉ là một hiện tượng chính trị nhất thời mà mang ý nghĩa dài hạn. Những phân tách toàn diện từ chính trị, kinh tế, công nghệ, quân sự và ý thức hệ,… dần hình thành nên một cục diện thế giới “đa cực, song tuyến”.

Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine diễn biến phức tạp Nga và Trung Quốc đã tuyên bố mối quan hệ gắn kết hơn và “không giới hạn” trong hợp tác - Ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin chụp ảnh chung khi bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Samarkand, Uzbekistan, ngày 15/9/2022. (Nguồn: AP)

Dĩ bất biến, ứng vạn biến trong một thế giới bất định

Thế giới dưới những tàn dư của cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ không thể hồi phục nhanh chóng. Tương lai của Ukraine nói riêng và toàn thế giới sẽ được viết lên, không chỉ bởi Nga, Ukraine hay bất kỳ quốc gia độc nhất nào mà là sự tương tác, phản ứng qua lại của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên cần khẳng định rằng, kết quả của xung đột sẽ là nhân tố quan trọng định hình cục diện thế giới trong thời gian tới.

Một số kịch bản có thể dự báo như sau:

Kịch bản thứ nhất, chiến thắng hoàn toàn ngả về một phe, tức là Ukraine hoặc Nga. Bất kỳ quốc gia nào giành được chiến thắng cũng nắm trong tay khả năng viết nên một chương mới trong lịch sử châu Âu và thế giới. Quốc gia này sẽ có khả năng định hình phần nào hệ giá trị và luật chơi cho cục diện thế giới mới.

Kịch bản thứ hai, cuộc xung đột kéo dài và kết thúc thông qua đàm phán, không bên nào giành được thắng lợi hoàn toàn. Một cục diện thế giới đa giá trị, đa luật chơi, đa quan điểm được tiếp nối.

Dù thế nào, xung đột Nga-Ukraine là một trường hợp điển hình cho thấy tổn thất của các cuộc chiến cường độ cao12 và việc cả Nga, Ukraine và thậm chí là Mỹ không còn đủ sức để tiếp tục lún sâu vào cuộc chiến cũng không muốn đưa xung đột đến cực hạn có thể sẽ kéo các quốc gia quay trở về bàn đàm phán. Lịch sử cũng cho thấy đã có nhiều xung đột lớn. Những sự kiện quan trọng như vậy khiến cho cục diện thế giới chuyển dịch trong một trật tự nhưng trên tiền đề của những xu hướng sẵn có13.

Tất cả các kịch bản và xu hướng đều có hàm ý soi chiếu cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Mỗi một chuyển động của từng quân cờ có thể tác động đến toàn bộ phần còn lại trên bàn cờ, và Việt Nam cũng không nằm ngoài những tác động từ sự chuyển mình, thay đổi của thế giới.

Về kinh tế, sau gần ba năm dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam một lần nữa đối diện nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực do xung đột và khủng hoảng địa chính trị trên thế giới. Song, với mong muốn hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra14, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban ngành, địa phương theo dõi hình hình sát sao, ban hành chính sách kịp thời và các giải pháp hợp tác kinh tế đa phương, song phương phù hợp.

Xét đến việc ứng xử trước vấn đề Nga-Ukraine, Việt Nam giữ lập trường kiên định, kêu gọi các bên chấm dứt xung đột, nối lại đối thoại và đàm phán trên cơ sở tôn trong luật quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc15. Mặt khác, theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” cùng trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”16, Việt Nam luôn đảm bảo giữ gìn quan hệ với các đối tác song phương và nâng cao vai trò và hình ảnh trên các diễn đàn, nhóm hợp tác đa phương nhằm đảm bảo tổng thể cục diện đối ngoại, tạo điều kiện thuận lợi cho sự bình ổn và phát triển quốc gia.

Trong thời gian tới, tình hình quốc tế vẫn sẽ khó đoán định, tuy nhiên các kịch bản đặt ra tương đối bất lợi. Nền kinh tế toàn cầu đang trên bờ vực khủng hoảng và suy thoái, các nước lớn cạnh tranh gay gắt, luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương không còn giữ vững tính bảo đảm phổ quát. Nghiêm trọng hơn, cục diện thế giới dưới hình thực “đa cực - song tuyến” có thể đặt các quốc gia vừa và nhỏ vào “thế kẹt” hay trở thành một “quân cờ” có giá trị trong chiến lược của nước lớn.

Tuy nhiên, chính hình ảnh một nước Việt Nam kiên định với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ trong một năm qua đã cho thấy Việt Nam là một trong số các quốc gia thành công, giữ được trạng thái ổn định chính trị - xã hội trước những biến động quốc tế khó lường, từ đó hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng đối mặt với thách thức ngoại tác, hòa vào sự phát triển bền vững toàn cầu trong tương lai.

Xét đến việc ứng xử trước vấn đề Nga-Ukraine, Việt Nam giữ lập trường kiên định, kêu gọi các bên chấm dứt xung đột, nối lại đối thoại và đàm phán trên cơ sở tôn trong luật quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Mặt khác, theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” cùng trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”, Việt Nam luôn đảm bảo giữ gìn quan hệ với các đối tác song phương và nâng cao vai trò và hình ảnh trên các diễn đàn, nhóm hợp tác đa phương nhằm đảm bảo tổng thể cục diện đối ngoại, tạo điều kiện thuận lợi cho sự bình ổn và phát triển quốc gia.

--------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. “Russian Military Vehicles Enter Ukraine from Crimea,” February 11, 2023, https://edition.cnn.com/europe/live-news/ukraine-russia-news-02-23-22/h_ec5f24d5accb8f8503aabdc63e3fd22d

2. “4 trụ cột chính trong ‘Khái niệm chiến lược mới’ của NATO,” VOV.VN, June 30, 2022,

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/4-tru-cot-chinh-trong-khai-niem-chien-luoc-moi-cua-nato-post953624.vov

3. “Russian Diplomat Calls on West to Prevent ‘Nuclear Provocations’ with Leopard Tanks - Russia - TASS,” accessed February 11, 2023, https://tass.com/russia/1567173

4. “OECD Economic Outlook,” accessed February 11, 2023, https://www.oecd.org/economic-outlook/march-2022/

5. Nguyen Minh Ngoc and Dinh Thanh Viet, “Russia-Ukraine War and Risks to Global Supply Chains” Vol. 7 (June 6, 2022).

6. “The Supply of Critical Raw Materials Endangered by Russia’s War on Ukraine,” accessed February 11, 2023, https://www.oecd.org/ukraine-hub/policy-responses/the-supply-of-critical-raw-materials-endangered-by-russia-s-war-on-ukraine-e01ac7be/.

7. Reuters, “China’s 2022 Trade with Russia Hit Record $190 Bln - Customs,” Reuters, January 13, 2023, sec. World, https://www.reuters.com/world/china-customs-says-trade-with-russia-hit-new-high-2022-2023-01-13/

8. Global Times, “Decoupling from China, Russia Suicidal for Europe - Global Times,” accessed February 14, 2023, https://www.globaltimes.cn/page/202301/1283833.shtml

9. David Sacks, “What Is China Learning From Russia’s War in Ukraine?,” Foreign Affairs, May 16, 2022, https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2022-05-16/what-china-learning-russias-war-ukraine

10. “Russia’s War on Ukraine at COP27 -And Energy Security - Modern Diplomacy,” accessed February 11, 2023, https://moderndiplomacy.eu/2022/11/20/russias-war-on-ukraine-at-cop27-and-energy-security/

11. G. John Ikenberry, “Why American Power Endures,” Foreign Affairs, November 1, 2022, https://www.foreignaffairs.com/united-states/why-american-power-endures-us-led-order-isnt-in-decline-g-john-ikenberry

12. “Ukraine War Shows the US Military Isn’t Ready for War With China - Bloomberg,” accessed February 11, 2023, https://www.bloomberg.com/opinion/articles/2022-09-18/ukraine-war-shows-the-us-military-isn-t-ready-for-war-with-china

13. Vũ Khoan, “Một Thời Đại Mới Đang Dần Hình Thành?", Tạp Chí Cộng Sản,” accessed February 14, 2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/mot-thoi-dai-moi-dang-dan-hinh-thanh-

14. “10 Sự Kiện Kinh Tế Nổi Bật Năm 2022,” Báo Điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam, accessed February 11, 2023, https://dangcongsan.vn/kinh-te/10-su-kien-kinh-te-noi-bat-nam-2022-628951.html

15. “Việt Nam Kiên Định Lập Trường về Vấn Đề Xung Đột Nga - Ukraine,” Báo Điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam, accessed February 11, 2023, https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/viet-nam-kien-dinh-lap-truong-ve-van-de-xung-dot-nga-ukraine-622276.html

16. Bùi Thanh Sơn, “Dấu Ấn Ngoại Giao Việt Nam 2022,” accessed February 11, 2023, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/dau-an-ngoai-giao-viet-nam-nam-2022