Lãnh đạo 29 nước thành viên chụp ảnh lưu niệm tại London, Anh nhân 70 năm thành lập NATO. (Nguồn: MooseGazette) |
Ngày 3-4/12, lãnh đạo 29 nước thành viên tụ hội về London (Anh) tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập NATO và có cuộc “Thượng đỉnh” nhỏ nhằm tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề lớn mà khối đang phải đối mặt. Bản thân NATO và các nước thành viên cũng không chính thức gọi đây là Thượng đỉnh và chủ trương nhấn mạnh vào yếu tố kỷ niệm. Họ lo rằng tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ NATO hiện nay, đặc biệt là giữa Mỹ và phần còn lại sẽ khiến cuộc gặp hàng năm của lãnh đạo các nước NATO trở thành vở bi hài kịch thường niên trên chính trường thế giới.
Kẻ tung người hứng
Lo ngại này là có cơ sở bởi ngay ngày đầu tại Anh, trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích phát ngôn NATO đang “chết não” của người đồng cấp là “lời sỉ nhục ác ý”, dù chính ông từng nhiều lần chỉ trích NATO “lỗi thời”. Thú vị hơn, Tổng thống Donald Trump còn cho rằng Pháp đang gặp khó về kinh tế và cần NATO hơn bao giờ hết. Thậm chí, trong cuộc trò chuyện, ông Trump đã đi quá giới hạn khi bông đùa về việc sẽ hồi hương các chiến binh Hồi giáo cực đoan là người Pháp, khiến ông Macron bực mình.
Ông Trump cũng không bỏ qua Đức khi cáo buộc chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel đang “phạm lỗi”, dù trong thời gian gần đây, Berlin đã có nhiều tín hiệu cho thấy sẵn sàng đáp ứng mục tiêu chi 2% tổng sản phẩm quốc nội cho ngân sách quốc phòng của NATO.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng có cuộc họp báo kéo dài tới 50 phút về vô vàn chủ đề. Đây đã trở thành chủ đề bàn tán và châm biếm giữa lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO, cụ thể là Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson. Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, vốn được thiết kế với những cuộc giao lưu, tiệc tùng và đánh golf nhằm gia tăng tính đoàn kết nội khối, lại đang là nơi thể hiện rõ hơn cả sự rạn nứt giữa các thành viên, đặc biệt là Mỹ và phần còn lại.
Tuy nhiên, ông Trump cũng không phải buồn lâu, bởi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã sớm tiếp bước. Nhà lãnh đạo này được cho là đã “tống tiền” NATO khi khẳng định sẽ cản trở kế hoạch phòng thủ vùng Baltic cho đến khi khối chính thức coi Đơn vị Bảo vệ người Kurd (YPG) là “khủng bố” và ủng hộ chiến dịch tấn công của Ankara tại Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc gặp bên lề với lãnh đạo Mỹ, Pháp, Đức và Anh nhằm thảo luận, tìm kiếm đồng thuận về thiết lập khu vực an toàn tại Đông Bắc Syria. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng bởi phản ứng trước đó từ các đồng minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ là tương đối gay gắt. Do đó, có thể coi sự hiện diện của ông Trump và ông Erdogan là nguyên nhân chính dẫn đến chia rẽ ngày một sâu sắc tại NATO.
Toàn cảnh phiên họp sáng ngày 4/12 tại khách sạn và khu nghỉ dưỡng Grove, thành phố Watford, phía Bắc London, Anh. (Nguồn: New York Times) |
Dùng thách thức để xóa bất đồng
Song may mắn thay, những thách thức mà NATO đang phải đối mặt ở bên ngoài lại có thể đóng vai trò gắn kết rạn nứt ngày một lớn giữa các thành viên trong khối. Một trong số đó chính là Nga. Phát biểu trước và trong Lễ Kỷ niệm, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết khối “nhận thấy rõ Nga vẫn không ngần ngại sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia láng giềng tại Ukraine và Georgia”. Tuy nhiên, ông khẳng định khối tin tưởng rằng có thể đối thoại với Nga, nhằm kiểm soát vũ khí chiến lược, ngăn ngừa một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Điều được ông Stoltenberg đề cập là tương đối rõ ràng: Mỹ, Nga và các nước sử dụng vũ khí chiến lược cần sớm đàm phán, tìm kiếm thỏa thuận thay thế Hiệp ước các Lực lượng Tầm trung (INF) Mỹ đã đơn phương rút khỏi và gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược (START), vốn sẽ hết hạn vào tháng 2/2021. Nhận định này được nhiều quốc gia thành viên hưởng ứng: Tương tự như ông Stoltenberg, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng NATO cần cứng rắn khi cần thiết, song sẵn sàng đối thoại một khi Nga từ bỏ việc theo đổi các chính sách đối ngoại hung hăng.
Tuy nhiên, diễn biến đáng quan tâm hơn cả là việc ông Stoltenberg đề cập “hàm ý an ninh” từ sự trỗi dậy của Trung Quốc tới NATO. Năng lực quân sự ngày một lớn của Trung Quốc, trong đó có các tên lửa với tầm bắn vươn tới Mỹ và châu Âu khiến các đồng minh NATO phải cùng giải quyết vấn đề. Ông Stoltenberg khẳng định NATO không coi Trung Quốc là kẻ thù, mà chỉ muốn “phân tích, nhận thức và đối phó một cách tương xứng với thách thức mà Trung Quốc đặt ra”.
Nhận định này có thể chứa hàm ý như sau. Thứ nhất, NATO đang nối tiếp Mỹ và các quốc gia châu Á đánh giá toàn diện Trung Quốc như cường quốc đứng thứ hai thế giới, đặc biệt là về mặt quân sự, với nền quốc phòng hiện đại cùng vũ khí chiến lược. Thứ hai, thách thức từ Bắc Kinh đối với an ninh của NATO không chỉ xuất phát từ quân sự, mà còn hiện hữu trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Gần đây, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh giác hơn khi tiếp nhận các khoản đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và mạng 5G do lo ngại có thể tác động tiêu cực tới an ninh quốc gia và khu vực. Thứ ba, cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy từng nói: “Đi kèm với sức mạnh là trách nhiệm” – NATO muốn gửi một lời cảnh báo tới Bắc Kinh về cách nước này sử dụng tiềm lực quân sự to lớn, nhằm tránh mọi đụng độ và xung đột về lợi ích chiến lược. Trung Quốc cần chứng minh vị thế quốc tế bằng cách tuân thủ nghĩa vụ quốc tế, cư xử như một nước lớn, đặt bút ký vào các thỏa thuận về kiểm soát vũ khí chiến lược như INF hay START.
NATO đã đón nhận tuổi 70 của mình trong tâm thế chẳng mấy yên bình. Ở bên ngoài, thách thức đến từ Nga và Trung Quốc, chủ nghĩa khủng bố, Hồi giáo cực đoan còn đó. Nội khối, bất đồng về lợi ích, chủ nghĩa biệt lập đe dọa chút đoàn kết sót lại giữa các quốc gia thành viên. Cân bằng, tận dụng những thách thức để duy trì tính gắn kết, mở rộng ảnh hưởng là nhiệm vụ mà tổ chức ở tuổi “xưa nay hiếm” sẽ phải hoàn thành, để thiên hạ thấy rằng “gừng càng già càng cay, thế càng gay càng mạnh”.