Thượng đỉnh các nước SCO và CSTO tại Dushanbe, Tajikistan ngày 16 – 17/9 sẽ tập trung thảo luận về giải pháp cho tình hình Afghanistan. (Nguồn: Asiaplustj) |
Ngày 16-17/9, thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) diễn ra tại Dusanbe, Tajikistan theo hình thức nửa trực tiếp, nửa trực tuyến, với sự góp mặt của nguyên thủ quốc gia cùng quan chức cấp cao. Nhiều người hẳn sẽ thắc mắc tại sao thượng đỉnh của cả hai đều được tổ chức ở thủ đô của Tajikistan và trong cùng khoảng thời gian.
Dễ thấy có tới 4/6 thành viên chính thức của CSTO gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan cũng xuất hiện trong SCO. Ngoài ra, năm 2007, CSTO từng ký thỏa thuận về hợp tác với SCO về mở rộng hợp tác an ninh, phòng chống tội phạm và triệt hạ đường dây buôn ma túy.
Về bản chất, SCO là sáng kiến của Trung Quốc về một tổ chức chính trị, kinh tế và an ninh Á - Âu, còn CSTO là liên minh quân sự thuần túy gồm quốc gia Liên Xô cũ do Nga đứng đầu.
Tầm nhìn và lĩnh vực hoạt động khác nhau, song việc có chung nhiều thành viên khiến SCO và CSTO không tương khắc, thậm chí còn chia sẻ quan tâm chung, đặc biệt là tình hình Afghanistan.
Tăng cường tập trận
Phát biểu ngày 28/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu khẳng định, Moscow duy trì liên lạc chặt chẽ với thành viên CSTO về tình hình ở Kabul, nhấn mạnh nguy cơ từ các lực lượng vũ trang cực đoan tại đây tràn qua biên giới hay tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán ma túy gia tăng.
Trước tình hình đó, CSTO đã đẩy mạnh hoạt động trao đổi quân sự giữa các quốc gia thành viên.
Hồi tháng Tám, quân đội Nga đã tập trận chung với Tajikistan và Uzbekistan gần biên giới Afghanistan. Mới đây, ngày 7/9, CSTO cũng tổ chức tập trận kéo dài ba ngày tại Kyrgyzstan, với sự tham dự của lực lượng Nga, Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Mục tiêu giả định là ngăn chặn và vô hiệu hóa kịp thời nhóm vũ trang xâm nhập lãnh thổ nước thành viên CSTO bất hợp pháp.
Người phát ngôn của CSTO Vladimir Zainetdinov cho biết, bốn hoạt động quân sự sẽ được tổ chức tại biên giới Tajikistan vào tháng 10 và tháng 11 tới. Tần suất tập trận dày dặc, cùng tương tác giữa Nga và các nước CSTO về mọi diễn biến ở Afghanistan cho thấy mối quan tâm đặc biệt của khối đối với tình hình ở quốc gia Nam Á này. Do đó, đây có thể là trọng tâm thảo luận ở thượng đỉnh tại Dushanbe, Tajikistan ngày 16 – 17/9.
Để ngỏ hợp tác
Tương tự, tình hình Afghanistan cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của tổ chức SCO do Trung Quốc dẫn dắt. So với CSTO, một liên minh quân sự tập trung vào đảm bảo an ninh khu vực, SCO có thể áp dụng cách tiếp cận “thoáng”, toàn diện hơn về vấn đề Afghanistan.
Một mặt, trong tuyên bố mới đây, SCO tái khẳng định cam kết xây dựng một Kabul hòa bình, thịnh vượng và ổn định, không còn bóng dáng các lực lượng khủng bố, chiến tranh và ma túy.
Ngoài ra, tổ chức này kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và nghĩa vụ trong các thỏa thuận, đảm bảo an toàn cho người dân Afghanistan cũng như công dân nước ngoài tại quốc gia Nam Á.
Thậm chí, SCO cũng không loại trừ khả năng kết nạp Afghanistan làm thành viên chính thức của khối do quốc gia Nam Á có vị trí địa lý phù hợp và duy trì tương tác hơn 15 năm với tổ chức này.
Đồng thời, ngay khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul, Bắc Kinh đã nhanh chóng thúc đẩy các hoạt động tiếp xúc và đối thoại với lực lượng này. Điển hình trong số đó là cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đoàn đại biểu Taliban ngày 28/7 tại Thiên Tân, Trung Quốc.
Mặt khác, Bắc Kinh và thành viên khác của SCO vẫn cảnh giác trước mọi biến động tại Kabul.
Ngày 18/8, các chuyên gia an ninh Trung Quốc đã tới thủ đô Dushanbe, Tajikistan để tham gia cuộc tập trận “Hợp tác chống khủng bố 2021” kéo dài hai ngày, với mục tiêu cải thiện khả năng phối hợp và đồng tác chiến trong nỗ lực chống khủng bố của hai nước.
Mới đây, ngày 10/9, 4.000 binh sỹ thuộc quân đội Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Ấn Độ, Pakistan và Uzbekistan đã tham gia diễn tập “Nhiệm vụ Hòa bình 2021” kéo dài hai tuần tại Orenburg, Nga, với chủ đề chống khủng bố.
Sau khi Mỹ rút quân và Taliban thành lập chính phủ mới, tình hình tại Afghanistan tiếp tục diễn biến phức tạp. Khi đó, Thượng đỉnh CSTO cùng SCO tại Dushanbe, Tajikistan tới sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển khu vực trong kỷ nguyên mới.