📞

Tiêm kích thế hệ thứ 6 có gì đáng gờm?

Trọng Huy 08:00 | 30/11/2020
TGVN. Các lực lượng không quân lớn trên thế giới đang phát triển hoặc tìm cách mua sắm tiêm kích thế hệ tiếp theo để sử dụng trong nhiều năm tới, mang lại ưu thế vượt trội trong lĩnh vực không chiến.

Theo tạp chí Airforce Technology, một số siêu tiêm kích - máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu trên thế giới đang được phát triển và sắp ra mắt trong tương lai gần.

Siêu dự án quốc phòng hàng tỷ USD Tempest. (Nguồn: Air Force - Technology)

Tiêm kích F/X hay NGAD

Lực lượng Không quân Mỹ (USAF) dường như đang dẫn trước các đối thủ trong cuộc đua phát triển máy bay chiến đấu thế hệ sáu. Từ tháng 3/2018, Phòng thí nghiệm của USAF đã công bố hình ảnh máy bay thế hệ tiếp theo F/X, cho thấy máy bay này sẽ có thiết kế tàng hình, ngoại hình bắt mắt với tia laser năng lượng cao có khả năng cắt đôi máy bay đối phương.

Còn được gọi là Máy bay thống trị thế hệ tiếp theo (NGAD) hoặc Máy bay phản lực xuyên thủng, máy bay F/X tương lai dự kiến ​​sẽ có tầm bay xa hơn và trọng tải lớn hơn, cũng như khả năng mang vũ khí siêu thanh.

Theo chương trình NGAD, USAF chủ trương khai thác các năng lực tiên tiến của dòng máy bay thế hệ mới như hệ thống tác chiến trên không liên kết máy bay chiến đấu, máy bay không người lái (UAV) và các nền tảng kết nối mạng. Với mục tiêu tăng cường ưu thế trên không, chương trình máy bay chiến đấu F/X cung cấp khả năng tàng hình được nâng cao đáng kể và hoạt động phối hợp chặt chẽ với UAV.

Máy bay F/X của Mỹ. (Nguồn: Air Force - Technology)

Không quân Mỹ vẫn chưa chọn nhà sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu và mọi thông tin về khả năng của F/X hiện vẫn còn là bí mật quân sự. Nếu chương trình tiến triển với tốc độ nhanh chóng thông qua các quy trình được sắp xếp hợp lý và sử dụng công nghệ hiện thời, chiếc máy bay chiến đấu thế hệ mới có thể gia nhập USAF sớm hơn dự kiến trong năm 2030.

Hệ thống Phòng không Chiến đấu Tương lai (FCAS)

Là chương trình hợp tác giữa Đức, Pháp và Tây Ban Nha, Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS) sẽ cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo hoạt động trong đội hình phối hợp với các UAV tấn công và giám sát.

Tất cả các yếu tố có người lái và không có người lái sẽ được kết nối với nhau bằng công nghệ Đám mây hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Lực lượng không quân sẽ có thể vận hành máy bay thế hệ thứ sáu FCAS ở khoảng cách an toàn, đồng thời triển khai các tàu sân bay từ xa để đối phó với các mối đe dọa.

Nhà sản xuất cải thiện khả năng sống sót của máy bay mới nhờ tính năng tàng hình chủ động, nâng cao nhận thức xử lí tình huống thông qua hệ thống điện tử hàng không và bộ cảm biến tiên tiến. Máy bay chiến đấu có khả năng cơ động, tốc độ và tầm bay cao hơn nhờ động cơ mạnh mẽ và hệ thống điều khiển bay hiện đại. Đặc biệt, FCAS trang bị hệ thống cảm biến mới để đảm bảo tăng cường hỏa lực, vũ khí laser và năng lượng định hướng, cùng khả năng tác chiến điện tử linh hoạt.

Hồi tháng 2/2019, Pháp và Đức đã trao hợp đồng nghiên cứu chương trình FCAS cho hai tập đoàn Dassault Aviation và Airbus. Trong đó, Airbus trúng thầu hợp đồng thiết kế khung ban đầu (giai đoạn 1A). Theo lịch trình, quân đội sẽ tiến hành thử nghiệm FCAS vào năm 2026, sau đó đưa vào vận hành chính thức vào năm 2040.

Máy bay đánh chặn MiG-41

Máy bay thế hệ thứ sáu mới của Nga MiG-41 (còn được gọi là PAK-DP) là một máy bay đánh chặn trong tương lai có thể hoạt động ở độ cao cực lớn với tốc độ vượt âm hơn Mach 4. Theo Bộ Quốc phòng Nga, MiG-41 là sự kế thừa của tiêm kích đánh chặn MiG-31, đảm nhận nhiệm vụ thay thế vai trò của MiG-31 trong các cuộc không chiến hiện đại.

Được phát triển bởi tập đoàn Mikoyan, máy bay chiến đấu sẽ được trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn không đối không trước những mục tiêu siêu thanh từ kẻ thù. Hơn nữa, các kĩ sư Nga còn đang nghiên cứu và cải tiến tiêm kích MiG thế hệ thứ sáu thành một biến thể không người lái trong tương lai.

Ngoài tên lửa đánh chặn không đối không tầm xa mới, MiG-41 còn lắp đặt thêm thiết bị tìm kiếm và phát hiện mục tiêu tiên tiến và sử dụng công nghệ tàng hình. Không quân Nga dự kiến ​​vận hành MiG-41 vào thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21.

Dự án máy bay chiến đấu Tempest

Máy bay chiến đấu tương lai Tempest đang được phát triển theo chương trình hợp tác do Vương quốc Anh dẫn đầu và các đối tác rải khắp châu Âu. Nhóm tập đoàn công nghiệp tham gia vào việc phát triển máy bay chiến đấu tương lai bao gồm BAE Systems, Rolls Royce, MBDA và Leonardo. Mô hình 3D của máy bay Tempest được công bố vào tháng 7/2020.

Máy bay chiến đấu sẽ được đưa vào biên chế trong Không quân Hoàng gia Anh (RAF) vào năm 2035 để thay thế cho máy bay chiến đấu Typhoon. Nhằm thích ứng phù hợp với một loạt các hoạt động, nhà sản xuất nỗ lực thay đổi phần mềm và phần cứng theo nhu cầu của nhiệm vụ.

Được trang bị các công nghệ tiên tiến như buồng lái thông minh, công nghệ radar theo dõi, máy bay Tempest dự kiến sẽ phục vụ cho RAF trong 60 năm tới. Các công nghệ khác được tích hợp trong máy bay bao gồm lớp vỏ tàng hình, hệ thống điều khiển tùy chọn, vũ khí năng lượng định hướng và vũ khí siêu thanh.

Khả năng trao đổi dữ liệu của máy bay với nhiều nền tảng sẽ cung cấp cho lực lượng tác chiến bức tranh toàn cảnh về không gian chiến trường. Tempest sẽ sử dụng công nghệ ‘bầy đàn’ để điều khiển các UAV. Một công nghệ radar của tương lai, hay còn gọi là hệ thống tần số vô tuyến đa chức năng tích hợp bên trong Tempest, cho phép trao đổi thông tin nhanh hơn 10.000 lần so với các hệ thống hiện có. Tempest hứa hẹn mang lại lợi thế đáng kể trong các tình huống chiến đấu nhờ vào khả năng xác định vị trí và nhắm mục tiêu đối phương từ trước.

(theo Air Force - Technology)