Cuộc bầu cử Hạ viện Nga bị tấn công mạng. (Nguồn: TASS) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga bị tấn công mạng, nhằm vào cuộc bầu cử Duma Quốc gia
Ngày 17/9, Bộ Phát triển Kỹ thuật số, Truyền thông và Truyền thông đại chúng của Nga cho biết hệ thống bỏ phiếu trực tuyến của nước này đã bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) từ các địa chỉ IP được đăng ký ở Mỹ, Đức và Ukraine.
Các cuộc tấn công xảy ra trong bối cảnh cuộc bỏ phiếu tổng tuyển cử cả trực tiếp và trực tuyến bắt đầu ở Nga.
Bộ trên cho biết các cuộc tấn công nhắm vào hệ thống xác thực, nhưng chưa ảnh hưởng đến hoạt động của nó. (Sputnik)
Nga thử thành công hệ thống đánh chặn tên lửa mới
Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/9 cho biết lực lượng không gian vũ trụ của nước này đã thử thành công một hệ thống đánh chặn tên lửa mới.
Theo thông báo, tại bãi thử Sary-Shagan của lực lượng tên lửa chiến lược ở Kazakhstan, một nhóm chiến đấu thuộc đơn vị phòng không và phòng thủ tên lửa của lực lượng không gian vũ trụ Nga đã thực hiện một vụ thử nói trên.
Theo Thiếu tướng Sergey Grabchuk, chỉ huy một đơn vị phòng thủ tên lửa thuộc lực lượng không gian vũ trụ Nga, loạt cuộc thử nghiệm đã xác nhận các thông số được dự kiến của hệ thống đánh chặn tên lửa mới.
Ông cho biết thêm, nhóm chiến đấu nêu trên đã hoàn thành nhiệm vụ với việc tên lửa bắn trúng mục tiêu đã định với độ chính xác cao. (Sputnik)
Mỹ: AUKUSkhông tìm kiếm xung đột với Trung Quốc
Nhà Trắng ngày 16/9 đã bảo vệ quyết định của Mỹ cung cấp cho Australia công nghệ tiên tiến cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, đồng thời bác bỏ chỉ trích của Trung Quốc và Pháp về thỏa thuận này.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết thỏa thuận được đưa ra hôm 15/9 không nhằm vào Trung Quốc, mặc dù Mỹ ngày một quan ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Phát biểu với phóng viên, bà Psaki tuyên bố: "Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc".
Ngoài ra, Nhà Trắng cũng khẳng định coi trọng quan hệ đối tác với Pháp.
Washington không cho rằng quan hệ đối tác với Australia và Anh là một sự chia rẽ khu vực. (Reuters)
Anh: Quan hệ với Pháp "vững như bàn thạch"
Ngày 16/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định: "Quan hệ của chúng ta với Pháp, quan hệ quân sự của chúng ta với Pháp... vẫn vững như bàn thạch".
London vẫn "vai kề vai" với Paris tại vùng Sahel, nơi hai nước có một chiến dịch chung chống khủng bố ở Mali, hoặc tại Estonia, nơi hai bên đang tham gia chiến dịch lớn nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Về những lo ngại rằng AUKUS đã khiến Trung Quốc tức giận, nguy cơ làm xấu đi quan hệ Anh-Trung, Thủ tướng Boris Johnson cho biết, "AUKUS không có ý định đối đầu với bất cứ cường quốc nào khác mà thuần túy phản ánh quan hệ mật thiết của Anh với Mỹ và Australia". (Reuters)
Australia khẳng định đã ‘đánh tiếng’ với Pháp về việc rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm
Ngày 17/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, ông đã đề cập khả năng Australia rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm ký kết năm 2016 với tập đoàn Naval Group của Pháp trong các cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 6.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh 5aa, ông Morrison thừa nhận sự tổn hại đối với các mối quan hệ Australia-Pháp, song khẳng định ông từng nói với Tổng thống Macron rằng Australia đã cân nhắc lại thỏa thuận đó và có thể phải đưa ra một quyết định khác.
Ông nói: "Chúng tôi đã có một bữa tối dài tại Paris, bàn về những vấn đề hết sức quan ngại liên quan tới khả năng của các tàu ngầm truyền thống trong việc đối phó với môi trường chiến lược mới mà chúng ta đang đối mặt.
Tôi đã làm rõ rằng đó là một vấn đề mà Australia sẽ cần đưa ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia của chúng tôi". (Reuters)
Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập CPTPP
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 16/9 cho hay, Bộ trưởng Vương Văn Đào đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho người đồng cấp New Zealand Damien O'Connor và hai bên đã có cuộc điện đàm để thảo luận các thủ tục kế tiếp.
Việc gia nhập CPTPP cần phải có sự phê chuẩn của tất cả 11 quốc gia thành viên.
Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, tổng GDP của các nền kinh tế thành viên sẽ chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, so với hơn 10% được tạo ra từ 11 thành viên hiện nay. (Kyodo News)
Chủ tịch Trung Quốc nêu bật tầm quan trọng của Hiến chương LHQ
Ngày 17/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bìnhnhấn mạnh sự cần thiết phải tuân theo các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như theo đuổi lợi ích chung thông qua tham vấn sâu rộng và cùng đóng góp vào giải quyết các vấn đề quốc tế.
Phát biểu trên được ông Tập Cận Bình đưa ra tại cuộc họp Hội đồng lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 21 tổ chức tại Tajikistan theo hình thức trực tuyến.
Theo ông, hành động từ cái gọi là "vị thế của sức mạnh" không phải là cách để xử lý các vấn đề quốc tế, trong khi các hành động bá quyền, độc đoán và bắt nạt cần được kiên quyết loại bỏ.
Ông kêu gọi tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ và các nguyên tắc tham vấn sâu rộng, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích trong việc giải quyết các mối quan hệ quốc tế.
Ngoài ra, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hợp tác đa phương thiết thực và phản đối các hành động viện cớ cái gọi là quy tắc để phá hoại trật tự quốc tế, gây đối đầu và chia rẽ. (THX)
Trung Quốc không cho tàu chiến Đức cập cảng
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 16/9 cho biết, Trung Quốc không cho một tàu chiến Đức, đang làm nhiệm vụ ở Biển Đông, cập cảng.
Tàu khu trục của Đức mang tên Bayern, khởi hành từ Đức hồi tháng 8 để thực hiện nhiệm vụ kéo dài 6 tháng đi tới Biển Đông.
Theo người phát ngôn trên, “Trung Quốc đã quyết định rằng họ không muốn có một chuyến ghé thăm cảng và chúng tôi đã lưu ý về điều đó”.
Khi được hỏi về vụ việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng Bắc Kinh hy vọng các nước bên ngoài khu vực sẽ đóng “vai trò xây dựng” và tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định.
Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: “Trung Quốc coi trọng sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Đức, bao gồm cả hợp tác giữa quân đội hai nước”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa phản hồi trước thông tin nói trên. (TNHK)
Ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc hội đàm về vấn đề biên giới
Ngày 16/9, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar thông báo đã tiến hành hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị của Trung Quốc bên lề một hội nghị khu vực ở Dushanbe (Tajikistan).
Ông Jaishankar khẳng định mối quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh sẽ chỉ phát triển khi cả hai bên rút quân khỏi các điểm đối đầu ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.
Theo tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, hai bộ trưởng đã nhất trí tổ chức thêm các cuộc đàm phán giữa giới chức quân sự và ngoại giao để giải quyết “những vấn đề tồn đọng trong việc rút quân”.
Hai bên cũng nhất trí cho rằng tình hình hiện tại kéo dài sẽ không có lợi cho cả hai bên vì có thể tác động tiêu cực đến mối quan hệ song phương.
Do đó, Ngoại trưởng Ấn Độ nhấn mạnh hai bên cần nỗ lực hướng tới giải quyết sớm các vấn đề còn lại dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Đông Ladakh trong khi tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận song phương. (PTI)
G20 họp thượng đỉnh bất thường vì khủng hoảng
Trả lời phỏng vấn nhật báo Repubblica hôm 17/9, Bộ trưởng Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio xác nhận: “Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của G20 sẽ được tổ chức sau kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ). Trước mắt, các ngoại trưởng G20 sẽ họp bàn về quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh bất thường này”.
Ông Di Maio cũng cho biết, Italy, với cương vị Chủ tịch luân phiên G20 năm 2021, đã yêu cầu các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động tại Afghanistan tham gia hội nghị ngoại trưởng nói trên.
Tòa án Myanmar xét xử bà Suu Kyi với cáo buộc tham nhũng
Ngày 17/9, luật sư của bà Aung San Suu Kyi cho biết, bà sẽ bị đưa ra xét xử với tội danh tham nhũng, cùng với một loạt vụ án đang được xem xét khiến bà có thể phải chịu các mức án lên đến hàng chục năm tù giam.
Bà Suu Kyi sẽ phải đối mặt với 4 tội danh tham nhũng trong phiên tòa mới, khai mạc vào ngày 1/10 tại Naypyidaw, trong đó mỗi tội danh tham nhũng phải chịu mức án tối đa 15 năm tù. (AFP)
Armenia đệ đơn kiện Azerbaijan lên Tòa án Công lý Quốc tế
Armenia đã bắt đầu các thủ tục pháp lý kiện Azerbaijan ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc theo Công ước quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.
Cơ quan báo chí của ICJ cho biết, đơn kiện lưu ý rằng "Azerbaijan đã có hành động phân biệt chủng tộc đối với Armenia trong nhiều thập niên", trong đó thể hiện qua các vụ thảm sát hàng loạt, tra tấn...
Ngoài ra, đơn kiện của Armenia yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo đảm tạm thời đối với Azerbaijan. (Sputnik)
Albania có chính phủ mới, lần đầu tiên đa số là nữ
Quốc hội Albania ngày 17/9 đã thông qua nội các đầu tiên có đa số thành viên là phụ nữ kể từ khi hệ thống chính trị đa đảng được áp dụng 30 năm trước.
Sau phiên họp Quốc hội kéo dài hơn 20 giờ, ông Edi Rama được bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 3 sau thắng lợi vang dội trong cuộc tổng tuyển cử trong năm nay.
Nội các mới được phê chuẩn có 17 thành viên, trong đó 12 người là phụ nữ.
Đáng chú ý, bà Olta Xhaka sẽ tiếp tục giữ chức Ngoại trưởng, trong khi bà Delina Ibrahimj, cựu Cục trưởng Cục thuế quốc gia sẽ trở thành Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính. (Sputnik)