Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine:
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp mặt Tổng thống Ukraine
Ngày 27/4, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andrei Yermak tiết lộ, cuộc gặp giữa tổng thống hai nước Nga-Ukraine sẽ diễn ra trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được thời gian và địa điểm tổ chức cụ thể.
Về cơ bản, theo ông Yermak, cuộc gặp mặt có thể xoay quanh vấn đề miền Đông Ukraine, cũng như các đề tài khác.
Tuy nhiên, phía Nga lại có ý kiến khác.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau, thì vấn đề chính không phải là giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine.
Ông Peskov cho biết, phía Nga sẵn sàng thảo luận với Ukraine về các vấn đề trong quan hệ song phương. Nhưng vấn đề ở miền Đông lại là chuyện của nội bộ Ukraine, không liên quan đến Nga. (TASS)
Quân đội Ukraine sẵn sàng trước căng thẳng với Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 27/4 tuyên bố, quân đội nước này phải được trang bị tốt và trong trạng thái tốt, sẵn sàng trong trường hợp Nga đưa binh sỹ trở lại khu vực giáp biên giới với Ukraine.
Tổng thống Zelensky đưa ra phát biểu trên khi đến thăm 1 căn cứ quân sự ở vùng Kherson, miền Nam, gần bán đảo Crimea. (Reuters)
Nga nói gì về nguy cơ chiến tranh ở Donbass?
Ngày 28/4, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã chia sẻ những nhận định về nguy cơ chiến tranh ở miền Đông Ukraine.
Theo đó, ông Lavrov nói, nếu căng thẳng miền Đông Ukraine phụ thuộc vào Nga và phe ly khai tại Donbass, thì chỉ cần các bên còn hiểu về cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc thì cuộc chiến đó nên tránh và có thể tránh được.
Song, “nếu nói thay cho phía Ukraine, cho Tổng thống Ukraine, tôi sẽ không đưa ra dự đoán gì, vì theo những tín hiệu từ bên ngoài, điều quan trọng với ông Zelensky chắc chắn là duy trì quyền lực và ông ấy sẵn sàng trả mọi giá". (Sputnik)
Ukraine cáo buộc Nga tấn công mạng
Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) ngày 27/4 cho hay đã bắt giữ một người dân địa phương vì nghi ngờ người này lên kế hoạch tấn công mạng do Nga chỉ đạo, nhằm vào các nguồn tài nguyên của các cơ quan nhà nước Ukraine.
Tuyên bố của SBU cho hay: "Cuộc tấn công nhắm vào các chính quyền trung ương và địa phương, với mục đích chặn hoạt động thông tin và các cơ sở hạ tầng quan trọng". SBU cho biết thêm, kẻ bị tình nghi này có ý định gửi một tập tin có chứa phần mềm gián điệp tới các quan chức Ukraine. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Quan hệ Nga-Ukraine-Mỹ: Lời mời giăng bẫy |
Nga trục xuất nhà ngoại giao của nhiều nước
Bộ Ngoại giao Nga ngày 28/4 đã ra lệnh trục xuất 7 nhà ngoại giao của Slovakia, Litva, Latvia và Estonia. Đây là động thái trả đũa của Moscow sau khi các nước này trục xuất các đại diện ngoại giao của Nga.
7 nhà ngoại giao nói trên sẽ có 1 tuần để rời khỏi Nga. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga triệu tập đại sứ 3 nước Baltic và Slovakia |
Mỹ-Nga:
Quan hệ Mỹ-Nga có thể tệ hơn Chiến tranh Lạnh
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 28/4 nói rằng, như Tổng thống Nga đã tuyên bố trong thông điệp gửi Quốc hội Liên bang, sẽ không đạt được gì hết, nếu Mỹ không nhận ra sự vô ích của nỗ lực nhằm hồi sinh thế giới đơn cực, hòng tạo ra loại cơ cấu nào đó, mà tất cả sẽ tuân phục các nước phương Tây, rồi phe phương Tây sẽ tuyển mộ tất cả các nước khác ở những châu lục khác, để chống Trung Quốc và Nga.
“Không phải tự nhiên mà trong Hiến chương Liên hợp quốc ghi những nguyên tắc như tôn trọng chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ và bình đẳng chủ quyền của các quốc gia”, Ngoại trưởng Lavrov nói.
“Và nếu Mỹ không đơn thuần thực hiện nghĩa vụ theo luật định và tiến hành đối thoại với chúng tôi, cũng như với bất kỳ nước nào khác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, dựa trên sự cân bằng lợi ích phải được tìm thấy..., thì sẽ chẳng đạt được gì hết.”
Ông Lavrov nhấn mạnh, sự lựa chọn của Mỹ có thể dẫn tới “chúng ta sẽ sống trong những điều kiện của Chiến tranh Lạnh, hoặc trong điều kiện thậm chí còn tồi tệ hơn.” Ông cũng khẳng định, Mỹ và Nga hiện đang thiếu sự tôn trọng dành cho nhau, không giống như thời xưa. (Sputnik)
Mỹ 'mở lòng' với Nga
Ngày 27/4, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, Washington đang tìm cách thúc đẩy và duy trì đối thoại cởi mở với Moscow về sự ổn định chiến lược.
"Chúng tôi muốn xây dựng và duy trì một cuộc đối thoại cởi mở với Nga về một loạt vấn đề liên quan đến ổn định chiến lược, trong đó có các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí để theo dõi quá trình gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START)". - TASS dẫn lời người phát ngôn.
Theo đó, Mỹ đang có kế hoạch thúc đẩy mạnh hơn về vấn đề này trong những tháng tới, đồng thời cho rằng, mối quan hệ này sẽ vẫn là một thách thức và đó là một trong những thách thức mà Washington đã dự tính.
Quan chức này cho hay: "Mục tiêu của chúng tôi là có mối quan hệ ổn định và có thể dự đoán được với Nga". (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Hội nghị thượng đỉnh Biden - Putin sẽ thảo luận về vấn đề gì? |
Mỹ-Iran:
Tàu Mỹ và tàu Iran suýt đụng độ trên biển
Hải quân Mỹ ngày 27/4 thông báo lực lượng này vừa bắn vài phát cảnh cáo đối với ba tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) sau khi các tàu này chạy áp sát, gây nguy hiểm cho các binh sĩ Mỹ.
Cụ thể, Hải quân Mỹ cho biết, sự vụ xảy ra vào khoảng 8h tối 26/4 theo giờ địa phương ở vùng biển quốc tế phía Bắc Vịnh Ba Tư. Các tàu Mỹ liên quan là USS Firebolt và tàu tuần duyên Baranoff của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đang làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn hàng hải định kỳ.
Tại thời điểm đó, một tàu Hải quân IRGC đã tiếp cận ở phạm vi gần tàu Mỹ không rõ mục đích. Có lúc, vị trí của nó chỉ còn cách hai tàu Mỹ khoảng 62 mét. Mặc dù, các thủy thủ Mỹ đã phát cảnh báo qua hệ thống thông tin liên lạc và dùng loa phóng thanh, nhưng nhóm tàu của Iran vẫn tiếp tục hành động nguy hiểm.
Theo thông báo của Hải quân Mỹ, thủy thủ tàu Firebolt đã bắn vài phát cảnh cáo, xua đuổi các tàu Iran tránh xa ở khoảng cách an toàn. (Sputnik)
Iran kêu gọi Mỹ trao đổi tù nhân, cải thiện quan hệ
Ngày 27/4, Iran một lần nữa kêu gọi Mỹ tiến hành trao đổi tù nhân trong bối cảnh hai bên đang tham gia đàm phán cùng các cường quốc thế giới khác, nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA).
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei cho biết, Tehran muốn Mỹ trả tự do cho tất cả tù nhân Iran đang bị giam giữ tại Mỹ. Ông Rabiei khẳng định, Iran đang theo đuổi điều này, vì "lý do nhân đạo và đạo đức", song kế hoạch trao đổi còn phụ thuộc vào hành động của Mỹ.
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ-Iran và hồ sơ hạt nhân Iran: Ánh sáng cuối đường hầm |
Biển Đông: Anh tiếp tục cử thêm loạt nhóm tàu tác chiến
Theo đó, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ lên đường vào tháng 5 để đến khu vực châu Á, bao gồm hoạt động tại Biển Đông. Theo lịch trình cụ thể, nhóm tác chiến sẽ ghé nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Tháp tùng tàu HMS Queen Elizabeth bao gồm 8 tiêm kích, cùng 6 tàu chiến, một tàu ngầm và 14 trực thăng.
Đây được coi là sự kiện tập trung sức mạnh hải quân và không quân "lớn nhất một thế hệ".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, sứ mệnh sắp tới nhằm thể hiện rằng Anh “không bước lùi mà tiến thẳng đến việc đóng vai trò chủ động trong định hình hệ thống thế giới”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Vụ tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu: EU ra chiến lược mang tính 'bước ngoặt' |
Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản phê phán Trung Quốc
Sáng 27/4, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã công bố Sách Xanh ngoại giao 2021 trong đó đề cập chi tiết và cụ thể hơn về những hành vi của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông.
Cụ thể, Nhật Bản nhấn mạnh, "việc tăng cường sức mạnh quân đội thiếu minh bạch, đơn phương mở rộng, tăng cường hoạt động quân sự, thực hiện thay đổi hiện trạng ở khu vực Biển Đông và Hoa Đông gây ra lo ngại mạnh mẽ đối với an ninh thế giới và khu vực, bao gồm Nhật Bản".
Việc chỉ trích này ở cấp độ cao hơn hơn so với Sách Xanh ngoại giao của những năm trước. Tuy nhiên, trong quan hệ ngoại giao đối với Trung Quốc, năm nay Nhật Bản vẫn xác định là một "mối quan hệ song phương quan trọng nhất".
Tuy nhiên, Tokyo cũng bày tỏ sự lo ngại đối với một số vấn đề trong nội bộ của Bắc Kinh, đồng thời phê phán mạnh mẽ biểu hiện "vi phạm luật pháp quốc tế" của Trung Quốc trong việc mở rộng hoạt động tại khu vực biển Hoa Đông.
Đề cập tới Luật Hải cảnh của Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 2 vừa qua, Sách Xanh khẳng định, Nhật Bản tiếp tục kiên trì bày tỏ sự lo ngại đối với luật này. (Kyodo)
TIN LIÊN QUAN | |
Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản: Củng cố đồng minh, thận trọng đối tác |
Mỹ cảnh báo châu Phi 'cẩn thận' trước Trung Quốc
Ngày 27/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo châu Phi nên cẩn thận với vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc, sau khi ông này tuyên bố những cam kết lớn hơn của Mỹ trong các cuộc đàm phán với Nigeria và Kenya.
Theo truyền thông quốc tế, trong cuộc trao đổi trực tuyến với các nhà lãnh đạo của hai quốc gia nêu trên, trả lời câu hỏi của những người trẻ tuổi châu Phi đang học tập tại Mỹ, ông Blinken cho biết, ông hy vọng các quốc gia châu Phi tiếp cận tất cả các mối quan hệ của họ "với đôi mắt mở to".
Ông Blinken chỉ ra những lo ngại khi một số quốc gia đã phải gánh những khoản nợ không bền vững sau khi nhận các khoản vay của Trung Quốc, trong đó có Zambia bị vỡ nợ vào năm ngoái. (Reuters)