Được coi là sự khởi đầu mới “lịch sử” trong quan hệ giữa hai nước láng giềng ở Tây Á, chuyến thăm chính thức tới Iraq lần này là chuyến đi đầu tiên của ông Rouhani trên cương vị Tổng thống. Đáng chú ý, nó diễn ra trong bối cảnh Tehran đang chịu sự trừng phạt kinh tế, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Bất chấp sức ép của lệnh trừng phạt kinh tế và mối lo ngại về khả năng kéo dài sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq – điều mà Iran cho là mối đe doạ lớn đối với đất nước, quan hệ láng giềng thân thiết giữa hai quốc gia Tây Á đã có những đột phá mới mang tính chiến lược, đặc biệt trong các vấn đề chung giữa hai nước và khu vực.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) và người đồng cấp Iraq Barham Salih duyệt đội danh dự tại Cung điện Salam ngày 11/3. (Nguồn: Reuters) |
Quan trọng hơn, đây là cách Iran gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Mỹ rằng chiến dịch “gây sức ép tối đa” mà Washington đang áp đặt lên Tehran không đạt hiệu quả. Chuyến thăm cũng là cơ hội khẳng định những nỗ lực của Iran trong việc mở rộng hợp tác kinh tế và nâng tầm ảnh hưởng chính trị và quân sự ở Iraq.
Khi tới thăm căn cứ không quân Mỹ tại Iraq chỉ trong vẻn vẹn 4 tiếng nhân dịp Giáng sinh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không đến gặp các quan chức cấp cao của Baghdad. Trái lại, nhân chuyến thăm lần này, vị Tổng thống thứ 7 của Iran đã dẫn đầu phái đoàn chính trị - thương mại đến Iraq trong một nỗ lực cải thiện hợp tác kinh tế, sau hàng loạt hoạt động trao đổi đoàn cấp cao.
Về hợp tác kinh tế, Iraq là đối tác thương mại lớn thứ hai của Iran, sau Trung Quốc. Qua chuyến thăm lần này, Tehran và Baghdad đang hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương từ 12 lên 20 tỉ USD trong vài năm tới. Với lợi thế địa chính trị chiến lược tại Tây Á, Iraq được coi là thị trường lớn của Iran, cửa ngõ thương mại chiến lược với thế giới bên ngoài khi Mỹ áp đặt các gói trừng phạt kinh tế với Iran. Do đó, chuyến thăm của Tổng thống Iran Rouhani tới Iraq được đánh giá là thành công cho cả hai nước láng giềng từng có nhiều bất đồng, xung đột trước đó.
Iraq phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu khí đốt và năng lượng của Iran nhằm phục vụ cho hệ thống lưới điện. Mặc dù Baghdad được trao quyền miễn trừ hạn chế để có thể tiếp tục mua điện và khí tự nhiên từ Iran, song Washington đã hối thúc Iraq quay sang cộng tác với các công ty của Mỹ để trở nên độc lập về mặt năng lượng.
Trong khi Washington và Tehran vẫn đang ở thế đối đầu, Baghdad càng cần thận trọng hơn trong xử lý và duy trì quan hệ tốt đẹp với Iran và Mỹ.
Cái bắt tay lịch sử của hai nước láng giềng Tây Á sẽ tác động mạnh mẽ tới nhiều vấn đề của khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề người Kurd, cuộc chiến ở Syria, khủng hoảng ở Lebanon, cuộc chiến chống khủng bố, hay quan hệ với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ,… Khi đó, các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, phải điều chỉnh chính sách đối với cả Iran và Iraq khi quan hệ giữa hai nước bắt đầu ấm lên.