Đây có thể coi là “Cương lĩnh tranh cử” của nhà lãnh đạo Nga trước bầu cử Tổng thống ngày 18/3 tới, cuộc chiến mà ông được dự đoán sẽ dễ dàng giành chiến thắng để bước vào nhiệm kỳ thứ 4. Điều đó là dễ hiểu, khi mà tỷ lệ tín nhiệm của nhà lãnh đạo Nga hiện đạt mức 80%, bất chấp một nền kinh tế giảm tốc do căng thẳng tiếp diễn với phương Tây và giá dầu giảm toàn cầu. Do đó, Thông điệp liên bang lần này có “sức hút” đặc biệt đối với người dân "xứ sở bạch dương" cũng như dư luận quốc tế.
Đáng chú ý, thông điệp liên bang thường được đọc tại Điện Kremlin, nhưng lần này được chuyển sang địa điểm khác là tòa nhà Manezh ở bên ngoài Điện Kremlin với màn hình lớn hơn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang, ngày 1/3. (Nguồn: AP) |
Vì một nước Nga vững mạnh
Mở đầu Thông điệp liên bang, ông Putin đã đề cao ý nghĩa to lớn của thông điệp này, cho rằng người dân cần đoàn kết để vượt qua những thách thức mới trong lĩnh vực kinh tế và xã hội. Nga cần thể hiện là một xã hội dân chủ bằng con đường tự do và tự cung cấp. Ông khẳng định, dù ai có trở thành Tổng thống tiếp theo, cử tri cần nhận ra những thách thức mà đất nước phải vượt qua: “Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi của nền văn minh trên thế giới và chúng ta cần đứng lên đối mặt với chúng”.
Nhà lãnh đạo Nga cũng đặt mục tiêu tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 1,5 lần vào cuối thập kỷ. Ông nhấn mạnh: “Phát triển đô thị phải trở thành động lực chính của Nga... những người dân sống ở khu vực nông thôn cần được hòa nhập”. Theo đó, Moscow sẽ tiếp tục phát triển kinh tế khu vực Viễn Đông, tiến tới khai trương cây cầu qua eo biển Kerch nối Crimea và đất liền Nga năm 2019. Ông Putin cũng đặt ra mục tiêu cắt giảm một nửa tỷ lệ người nghèo trong vòng 6 năm tới và đưa nước Nga vào danh sách những quốc gia có tuổi thọ trung bình trên 80 như Pháp, Nhật và Đức...
Bên cạnh vấn đề kinh tế, ông Putin dành một phần lớn của Thông điệp liên bang để nói về cách mạng công nghệ. Ông nhấn mạnh, sự tụt hậu về công nghệ là một vấn đề nghiêm trọng của Nga, nhưng giờ đấy xứ Bạch Dương đã sẵn sàng cho một bước đột phá về công nghệ. Quốc gia này cần trở thành một trong những nước đi đầu trong việc lưu trữ, xử lý, truyền tải và bảo vệ dữ liệu lớn.
Ông Putin cũng hối thúc dỡ bỏ các rào cản đang kìm hãm sự phát triển robot và trí thông minh nhân tạo tại Nga, đồng thời thông báo cơ sở pháp lý cho việc làm của các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ thông tin nước ngoài đã được thiết lập ở nước này. Về vấn đề tiền kỹ thuật số, ông Putin kêu gọi đất nước thành lập các nền tảng số của riêng mình dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain).
Ảnh minh họa: Ông Putin cho rằng Nga cần đẩy mạnh phát triển robot và trí thông minh nhân tạo. (Nguồn: Getty Images) |
Tái lập vị thế cường quốc
Trong Thông điệp liên bang, ông Putin cho biết, Nga đang chế tạo các hệ thống phòng thủ mới nhằm đối phó với động thái triển khai lực lượng của Mỹ. Ông tiết lộ thêm rằng tất cả các đề xuất cùng phối hợp làm việc của Nga đã bị phía Mỹ bác bỏ. Cụ thể, Moscow từng cố thuyết phục Washington không vi phạm hiệp ước về phòng thủ tên lửa, song không thành công.
Cũng theo ông Putin, chiến dịch tại Syria đã thể hiện năng lực cấp độ cao của quốc phòng Nga: “Cả thế giới giờ đã biết tên gọi của các vũ khí hiện đại của chúng ta”, qua đó lấp khoảng trống thời hậu Xô Viết trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Các Lực lượng vũ trang Nga đã phê chuẩn 300 thiết bị quân sự mới trong vòng 6 năm qua và đang phát triển đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ gắn vào tên lửa hành trình. Vào cuối năm 2017, Nga đã thử nghiệm thành công một tên lửa sử dụng năng lượng hạt nhân. Đây sẽ là những vũ khí mà “không một hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể ngăn chặn được”.
Quan trọng hơn, ông Putin đã nhấn mạnh lập trường cứng rắn trong chính sách đối ngoại, cho rằng các nước khác chỉ bắt đầu “lắng nghe” Nga sau khi biết Moscow đã chế tạo được các hệ thống vũ khí mới. Bất cứ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào nhằm vào Nga hoặc đồng minh của nước này sẽ bị coi là tấn công hạt nhân và phải bị đáp trả ngay lập tức. Đáng chú ý, Tổng thống Putin nhấn mạnh tất cả các nỗ lực nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Moscow đều được thực hiện trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và Nga chưa từng vi phạm bất cứ thỏa thuận nào.
Về lập trường hiện tại của Moscow trong quan hệ căng thẳng với Mỹ, ông Putin nhấn mạnh cả hai nước cần phải bắt tay xây dựng tương lai và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, đồng thời nhấn mạnh rằng chính sách kiềm chế Nga của Mỹ và phương Tây sẽ không bao giờ đạt mục đích. Năng lực răn đe chiến lược được tăng cường mạnh mẽ của Nga đã khiến tất cả các nỗ lực của Mỹ nhằm giành ưu thế tuyệt đối về quân sự “đổ sông đổ biển”.
Ông Putin khẳng định Nga đang chiếm lợi thế hơn so với Mỹ. (Nguồn: Getty Images) |
Tổng thống Putin nêu rõ: “Tất cả những gì mà các bạn (Mỹ) muốn ngăn cản thông qua chính sách của mình đều vẫn xảy ra. Các bạn đã thất bại trong việc kìm hãm Nga”. Ông Putin khẳng định, lịch sử hợp tác với những nước như Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy Nga sẵn sàng có những mối quan hệ mang tính xây dựng và có lợi. Nếu Mỹ cũng như châu Âu muốn tìm kiếm mối quan hệ đối tác bình đẳng với Nga thì Moscow chắc chắn sẽ hưởng ứng.
Kết thúc thông điệp liên bang, Tổng thống Putin tuyên bố: “Thời đại này dành cho những người sẵn sàng thay đổi”.